| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tuần hoàn khép kín, giải pháp giảm chi phí hiệu quả

Thứ Tư 19/04/2023 , 15:18 (GMT+7)

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn khép kín giúp nông dân Hậu Giang giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

Phát triển chăn nuôi bò theo mô hình tuần hoàn, anh Sơn giảm được đáng kể chi phi mua thức ăn nhờ tận dụng phân bò trồng cỏ tạo thức ăn xanh tại chỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Phát triển chăn nuôi bò theo mô hình tuần hoàn, anh Sơn giảm được đáng kể chi phi mua thức ăn nhờ tận dụng phân bò trồng cỏ tạo thức ăn xanh tại chỗ. Ảnh: Trung Chánh.

Vòng tuần hoàn giảm chi phí

Nằm ở ngoại ô thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, con đường nhỏ từ chân cầu Thanh Bình chạy ra bờ sông Cái Lớn khá hẹp, hai xe máy qua lại khó khăn. Dọc theo con đường là những vườn khóm, cây ăn trái xanh tốt. Tôi phải đi nhờ xe máy của một em học sinh để vào trại nuôi bò của gia đình anh Trần Văn Sơn (ấp 2, xã Vị Tân, TP Vị Thanh) nằm trên con đường này.

Trên diện tích 1,5ha đất, anh Sơn trồng 1ha khóm, 2 công cỏ voi, còn lại là trại bò, chỗ nuôi trùn quế, nuôi gà, vịt… Anh Sơn cho biết: “Ban đầu tôi bỏ vốn đầu tư mua 6 con bò cái giống, với giá 20 triệu đồng/con. Hiện đã nuôi được khoảng 7 tháng, bò bắt đầu cho phối giống. Hướng phát triển của tôi là nếu bò đẻ bê cái sẽ tiếp tục để nuôi sinh sản tăng đàn, khi nhiều sẽ bán bê giống cho các hộ chăn nuôi khác. Còn bê đực sẽ nuôi thành bò thịt để xuất bán”.

Anh Sơn là một trong những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai. Theo đó, hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống ban đầu và một phần mua thức ăn công nghiệp. Với điều kiện là phải thực hiện chuỗi chăn nuôi tuần hoàn trong sản xuất, vừa giúp giảm chi phí đầu vào vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Mô hình giúp đẩy mạnh chương trình khuyến nông về chăn nuôi theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo người chăn nuôi có thể làm chủ được kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi an toàn và hiệu quả. Chuyển giao quy trình công nghệ chăn nuôi cho nông hộ và trang trại phù hợp với từng đối tượng vật nuôi.

Anh Sơn trồng 2 công cỏ voi để làm thức cho bò, còn cám anh chỉ bổ sung vào nước khi cho bò uống, nhờ đó giảm được chi phí trong quá trình nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Sơn trồng 2 công cỏ voi để làm thức cho bò, còn cám anh chỉ bổ sung vào nước khi cho bò uống, nhờ đó giảm được chi phí trong quá trình nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Theo anh Sơn, khu vực ngoại ô thành phố Vị Thanh người dân còn sản xuất nông nghiệp khá nhiều, như trồng lúa, trồng bắp. Ban đầu khi mới mua bò, anh Sơn đi xin thân cây bắp, vỏ trái bắp (người trồng bán bắp non), rơm khô về làm thức ăn thô cho bò. Còn cám anh chỉ bổ sung vào nước khi cho bò uống. 

Tiếp đó, anh Sơn đầu tư nuôi thêm trùn quế, đây là mắt xích rất quan trọng để xử lý chất thải phân bò, tránh ô nhiễm môi trường. Nguồn phân hữu cơ từ sinh khối nuôi trùn quế được tận dụng trồng cỏ voi, bón cho vườn khóm. Trùn thịt làm thức ăn cho cá, nuôi gà… Hiện nay, 2 công cỏ voi đã phát triển rất tốt, đàn bò chỉ 6 con nên ăn không hết nguồn thức ăn xanh này.

Theo tính toán của anh Sơn, với mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín này, nông dân sẽ giảm được khoảng 30% chi phí đầu tư thức ăn cho mỗi mắt xích trong chuỗi tuần hoàn. Riêng với nuôi bò, nhờ tự trồng được cỏ tạo thức ăn xanh nên chi phí giảm khoảng 50% so với nuôi bằng thức ăn chế biến. Hơn nữa, còn giảm tối đa tác động đến môi trường, do tất cả chất thải, phụ phẩm đều được tận dụng cho chuỗi tuần hoàn.

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, người chăn nuôi ở Hậu Giang tận dụng phân bò để nuôi trùn quế

Người chăn nuôi ở Hậu Giang tận dụng phân bò để nuôi trùn quế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo sản phẩm đầu vào cho đối tượng cây trồng, vật nuôi kha1cta8ng hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: Trung Chánh. 

Hướng phát triển hiệu quả

Cùng tham gia thực hiện mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” nhưng hộ anh Phan Hoàng Nam ( ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) chọn đối tượng chăn nuôi chính là dê thịt và dê sinh sản.  Sau khi được tập huấn kỹ thuật, anh Nam đầu tư mua 11 con dê giống về nuôi. Phân dê thải ra hàng ngày được thu gom để ủ phân hữu cơ, bón cho vườn cây.

Anh Nam cho biết: “Để xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nông nghiệp tuần hoàn việc lựa chọn các đối tượng vật nuôi cho phù hợp, chất thải của đối tượng này phải là đầu vào cho đối tượng kia. Từ đó, giúp giảm chi phí trong sản xuất, giảm giá thành, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nông so với sản xuất đơn lẻ chỉ chuyên một đối tượng duy nhất”.

Theo anh Nam, để phát triển chăn nuôi khâu chọn con giống, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật là yếu tố quyết định thành công. Người sản xuất phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng nuôi.

Nhờ được tập huấn và áp dụng đúng kỹ thuật nên đàn dê của anh Nam đang phát triển tốt, tăng trọng nhanh và chuẩn bị sinh sản. Mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã được nhiều bà con xung quanh đến tham quan, học hỏi kỹ thuật để nhân rộng. Với mô hình này, nguồn chất thải chăn nuôi được xử lý tốt, tận dụng để bón cho cây trồng, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.

Tương tự, hộ anh Trương Minh Thinh (ở khu vực 1, phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) tham gia mô hình chăn nuôi tuần hoàn với chuỗi các đối tượng: Heo nái sinh sản, heo thịt - hầm ủ Biogas - ủ phân hữu cơ - nuôi cá - trồng mai và cây ăn trái. Ban đầu, anh Thinh đầu tư nuôi 10 con heo nái và 10.000 con cá trê giống.

Trước khi nhận con giống, anh Thinh được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo nái sinh sản và heo thịt. Cách thức xây dựng chuồng trại, thức ăn, cách chăm sóc, nuôi dưỡng và cách phòng trị một số bệnh thường gặp ở các đối tượng trong chuỗi tuần hoàn của mô hình. Trong quá trình tham gia, anh luôn thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, ghi chép sổ sách, thường xuyên theo dõi, chăm sóc tốt các đối tượng nuôi.

Tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông dân Hậu Giang tận dụng chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, tạo ra thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi hiệu quả, giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông dân Hậu Giang tận dụng chất thải chăn nuôi để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, tạo ra thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi hiệu quả, giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Thinh đánh giá: “Phát triển chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn khép kín giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ tốt môi trường. Tôi tận dụng chất thải chăn nuôi heo ủ biogas và một phần làm thức ăn cho cá trê, giúp giảm chi phí thức ăn cho cá. Sử dụng nước thải từ quá trình ủ biogas pha loãng để tưới cho vườn cây, không phải mua phân bón hóa học. Còn cá trê nuôi lớn sẽ lấy thịt bổ sung đạm làm thức ăn cho heo, thay vì phải mua bột cá, đỡ tốn chi phí đầu tư”.

Để khuyến khích phát triển chăn nuôi, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Hậu Giang cho biết, tỉnh có chính sách ưu đãi cho thuê đất, ưu tiên giao đất để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, đáp ứng các quy định của Luật chăn nuôi, đảm bảo yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Phát triển và nâng cao chất lượng giống vật nuôi bằng việc hỗ trợ 50% chi phí mua con giống cao sản, có năng suất, chất lượng thịt tốt. Cụ thể, theo kế hoạch sẽ hỗ trợ người chăn nuôi mua 40 con heo đực giống và 250 con heo nái giống cao sản.

Gắn kết khuyến nông, chăn nuôi với thị trường nhằm định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Xây dựng chuỗi ngành thịt, trứng gia cầm an toàn, có sự kiểm soát từ trang trại để bàn ăn.

Hình thành mối liên kết giữa những người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ kịp thời, giá cả phù hợp. Tổ chức các hệ thống tiêu thụ sản phẩm gắn với cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Hậu Giang cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, mục tiêu đến cuối năm 2023, đàn gia súc toàn tỉnh tăng, gồm: đàn trâu đạt 1.430 con, bò 3.690 con, dê 4.000 con và heo 150.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 40.000 tấn.

Xem thêm
Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.