| Hotline: 0983.970.780

8 năm tù oan vì tội xiết nợ?!

Thứ Hai 28/10/2013 , 10:52 (GMT+7)

Khi phát hiện bạn hàng ngâm vốn để làm ăn lớn hơn, anh Trai đến xiết nợ. Hậu quả là anh bị tòa án xử 8 năm tù về tội “cướp tài sản”, mặc dù, có sự đồng ý của bạn hàng cho xiết nợ.

Do bị bạn hàng ngâm vốn quá lâu khiến anh Nguyễn Chí Trai (ngụ xã Bình Tâm, TP Tân An, Long An) lâm cảnh cụt vốn, trắng tay, phải đóng cửa cơ sở kinh doanh. Khi phát hiện bạn hàng ngâm vốn để làm ăn lớn hơn, anh đã đến xiết nợ. Hậu quả là anh bị tòa án xử 8 năm tù về tội “cướp tài sản”, mặc dù, có sự đồng ý của bạn hàng cho xiết nợ.

TRẮNG TAY VÌ BỊ NGÂM VỐN

Theo đơn trình bày của anh Nguyễn Chí Trai (Tèo), sau nhiều năm vợ chồng anh làm ăn tích cóp được ít vốn, tháng 10/2012, anh quyết định đầu tư thuê lò bò Huỳnh Thảo (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An) để hành nghề giết mổ bò. Đồng thời, thỏa thuận giao dịch mua bán thịt bò lâu dài với chị Quách Thúy An (bạn hàng) theo hình thức trả tiền hàng gối đầu sau một ngày phải thanh toán hết.

Lúc đầu, An lấy hàng và trả tiền rất đầy đủ, nhưng giao dịch mua bán khoảng gần 2 tháng sau khi tổng số tiền An ghi nợ lên tới hơn 214 triệu đồng, đòi nhiều lần nhưng An không chịu trả nợ. Do thiếu vốn làm ăn, anh Trai đã nhiều lần điện thoại và tìm gặp nhắc nợ nhưng An vẫn khất nợ; đồng thời lại bỏ đi mua hàng của lò mổ khác và âm thầm đầu tư xây dựng một lò mổ ở Đồng Tháp. Không đủ vốn để chi trả tiền thuê lò mổ, các mối hàng (đầu vào) và tiền lương công nhân khiến anh Trai đã buộc phải tạm đóng cửa nghỉ mua bán để chờ thu hồi được tiền vốn mới hoạt động trở lại.

Những ngày sau đó, không có việc làm, anh suốt ngày phải lang thang lo chạy bữa cơm từng ngày cho gia đình, vợ con nheo nhóc ốm bệnh. Nhóm công nhân lò mổ của anh cũng vì thế mà “đói” theo, các mối hàng cung ứng bò réo nợ tối ngày…


Lò mổ của anh Trai đến nay đang phải tạm ngưng vì bị ngâm vốn

Vào rạng sáng 24/12/2012, Trai tình cờ thấy xe của An đang lấy hàng ở lò bò Huỳnh Thảo nên anh đã chạy vào gặp An để đòi tiền nợ. Anh Trai buồn bã kể lại: “Lúc đó, tôi thấy xe thịt của An vừa lấy hàng xong chuẩn bị rời lò mổ nên vội kêu An xuống xe yêu cầu trả số tiền nợ hơn 200 triệu đồng, nhưng An nói không có tiền.

Tôi bảo, nếu vậy thì giao số thịt bò này để tôi đem đi bán, chỉ cần tính đủ số tiền nợ, còn dư bao nhiêu tôi sẽ trả lại. Tuy nhiên, An vẫn nhất định không chịu trả nợ khiến hai bên cãi vã to tiếng với nhau, có nhiều người đang làm việc trong lò mổ ở đây cũng chứng kiến...”. Theo lời anh Trai, tiếp tục sau một hồi thương lượng thì An mới đồng ý cho anh đem thịt bò đi bán để trừ nợ.

Do vậy, anh gọi thêm 4 người thân gồm: Lượng Lê Quốc Việt; Lượng Minh Vũ; Nguyễn Đức Thiện; Nguyễn Thái Vinh (đều là công nhân của lò bò anh Trai) đến phụ giúp và nhờ tài xế của An là Bùi Văn Ngọc và phụ xế Nguyễn Thanh Liêm chạy xe ra bên ngoài lò mổ để sang thịt bò qua xe khác (số lượng khoảng 1,6 tấn); đồng thời anh trả lại số thịt bò (khoảng 150 kg) cùng toàn bộ phụ phẩm bò thừa trên xe để hai tài xế chở về cho An.

Ngay trong đêm đó, sau khi đã lấy được số thịt bò trừ nợ, anh Trai cùng 4 người thân chở đi liên hệ bán cho một bạn hàng tên Thủy (Tiền Giang) được 750 kg, với giá 128.000 đ/kg và thu được 96 triệu đồng. Số thịt bò còn lại đợi đến sáng hôm sau, anh Trai đã tự nguyện đến công an huyện Thủ Thừa đề trình báo toàn bộ sự việc và xin nộp lại khoảng 856,2 kg.

Tuy nhiên, sợ thịt để lâu bị hư, cơ quan công an đã đồng ý cho anh Trai đem bán nốt số thịt này cho bà Nguyễn Thị Nê (chủ lò bò, ở P.3, TP Tân An) thu được 102.744.000 đồng và nộp lại cho cơ quan công an giữ.

XIẾT NỢ HAY CƯỚP TÀI SẢN?

Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV NNVN đã có mặt tại lò bò Huỳnh Thảo gặp các nhân chứng. Bà Tám, nhà sát bên lò bò nói: “Tôi thấy thằng Tèo bị xử quá nặng! Thực tế, không chỉ với lò mổ của thằng Tèo mà vợ chồng An còn đi mua thiếu thịt bò ở nhiều chỗ khác nữa nhưng cũng không chịu trả. Vậy nhưng, mấy người kia thì có vốn còn thằng Tèo không có vốn nhiều nên nó mới phải xiết nợ để lo chi trả mọi việc đặng mong giữ được mối hàng và thuê lò bò mổ. Ấy vậy mà, sống hiền lành nay phải chịu tội nặng quá mức, mong cơ quan pháp luật hãy xem xét lại để xử đúng người đúng tội…”.

Ông Lê Thành Dễ (cán bộ thú y huyện Thủ Thừa), người chứng kiến từ đầu đến cuối việc của anh Trai cho biết, anh Trai lấy thịt bò đi bán để gán nợ đã được sự đồng ý của An.

Tiếp tục, chúng tôi hẹn gặp được chị Quách Thúy An (ngụ tại số 83 Vĩnh Hội, phường 4, quận 4, TP.HCM). An thừa nhận: “Trong quá trình mua bán giữa tôi và anh Trai, tôi có thiếu nợ anh với số tiền mua thịt bò trên hóa đơn là 214.220.000 đồg. Đêm 24/12/2012, khi tôi vừa lấy thịt bò ở lò giết mổ Huỳnh Thảo thì anh Trai đến đòi nợ và yêu cầu tôi hãy gán số thịt bò trên xe để anh đem bán đi trừ nợ.


Anh Trai đang trình bày lại sự việc xiết nợ thịt bò tại lò mổ Huỳnh Thảo

Tuy nhiên, do hôm đó là Noel, tất cả các bạn hàng của tôi đã đặt hàng sẵn giờ không có hàng về giao cũng rất kẹt. Mặc dù tôi đã giải thích thế, nhưng chắc anh Trai nghe lời người ta xúi giục quá nên cứ nhất quyết đòi tôi phải trả tiền hàng ngay hoặc gán thịt bò trừ nợ. Do thấy anh Trai năn nỉ quá nên sau đó tôi đã đồng ý và cho tài xế của tôi chở thịt bò giúp anh Trai ra ngoài bán…”.

Theo lời chị An, do thấy xe đi quá lâu mà liên lạc điện thoại cho cả anh Trai và hai tài xế không được; đồng thời cũng sợ anh Trai không trả lại số tiền dư còn lại (vì tổng số thịt trên xe trị giá 299.523.850 đồng) nên quá nóng ruột, tôi đã tìm đến cơ quan công an địa phương trình báo sự việc.

Ngày 19/7/2013, TAND tỉnh Long An đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Chí Trai cùng Lượng Minh Vũ; Lượng Lê Quốc Việt; Nguyễn Đức Thiện và Nguyễn Thái Vinh phạm tội “Cướp tài sản”. Trong bản án số: 52/2013/HSST đã xử phạt bị cáo Nguyễn Chí Trai 8 năm tù giam; còn 4 bị cáo gồm Vũ, Việt, Thiện, Vinh cũng chịu mức án từ 4 đến 7 năm tù giam.

Tuy nhiên, do thấy các bị cáo trong vụ án phải chịu hình phạt quá nặng nên chính Quách Thúy An đã phân trần: “Thực ra, trong vụ việc này cũng có phần lỗi do tôi vì khi anh Trai đem thịt bò đi bán để trừ nợ xong đã trả lại đủ số tiền còn dư cho tôi.

Tôi thấy rất áy náy, do nóng ruột nên mới đến cơ quan công an địa phương trình báo và tường trình không đúng sự thật; đồng thời trong lúc xảy ra vụ việc anh Trai cũng chỉ thương lượng với tôi và nhờ 4 người thân phụ giúp đem thịt bò đi bán để thu hồi vốn chứ không ai dùng vũ lực hay ép tôi phải giao xe. Chính tôi đã đồng ý cho tài xế của tôi giúp anh Trai chở xe thịt đi bán chứ không phải là cướp đoạt tài sản”.

Tuy chị An đã viết đơn xác định lại hành vi của anh Trai không phải cướp tài sản, nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn không xem xét và tuyên xử vắng mặt mặc dù mới triệu tập lần đầu và có lý do chính đáng là đang điều trị tại bệnh viện.

“Căn cứ theo Điều 133 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì những dấu hiệu cơ bản cấu thành tội cướp tài sản phải là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, và động cơ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo tôi hành vi vi phạm của anh Trai chưa thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm cướp tài sản mà nên áp dụng theo Điều 135 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009 là tội danh cưỡng đoạt tài sản, thì chính xác hơn.

Do vậy, bản án hình sự phúc thẩm số 977/2013/HSPT ngày 25/9/2013 của tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã định tội danh đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh Trai là chưa chính xác.” - Luật sư Phạm Quang Bình, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm