| Hotline: 0983.970.780

8 sự kiện nổi bật trên thế giới năm 2018

Thứ Hai 31/12/2018 , 09:01 (GMT+7)

Thế giới đang khép lại một năm đầy biến động, với rất nhiều sự kiện quan trọng và cả những biến cố khó lường. Điều này rất có thể sẽ tác động tới muôn mặt đời sống trong năm mới 2019 và thậm chí là nhiều năm sau nữa vì sức ảnh hưởng của nó.

NNVN xin điểm lại một số dấu mốc mà thế giới vừa trải qua.

1/ Bước ngoặt trong tiến trình hòa bình Triều Tiên

Mở màn là cuộc gặp gỡ mùa xuân- thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập kỷ

Năm 2018 được giới chuyên gia phân tích quốc tế đánh giá một sự  ghi nhận mang tính chuyển biến ngoạn mục trên bán đảo Triều Tiên. Mở màn là cuộc gặp gỡ mùa xuân- thượng đỉnh liên Triều được nối lại sau hơn một thập kỷ, với Tuyên bố Bàn Môn Điếm  lịch sử vào ngày 27/4 và sau đó là Tuyên bố Bình Nhưỡng vào ngày 20/9. Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae -in và Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc đối thoại và trao đổi, hợp tác trên nhiều lĩnh vực mang tính bước ngoặt để tháo ngòi căng thẳng quân sự, vì sự hòa giải và hợp tác dân tộc. Ngoài ra, tại cuộc gặp gỡ lần thứ ba trong năm giữa hai nhà lãnh đạo, hai bên cũng nhất trí nỗ lực thông qua các biện pháp, chính sách để hiện thực hóa ước nguyện và hy vọng sự tiến triển tích cực sẽ dẫn tới quá trình thống nhất.

2/ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều

Một sự kiện liên quan đến Triều Tiên cũng được lịch sử thế giới ghi nhận “ngoài sức tưởng tượng” là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tại đảo quốc Sư tử vào ngày 12/6, với bản Tuyên bố chung Singapore, đã giúp xoay chuyển tình thế khu vực từ “miệng hố chiến tranh” sang đối thoại và hòa hoãn, mở ra hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hòa bình và thịnh vượng.

Cộng đồng quốc tế chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mặt đối mặt, bắt tay và nói chuyện với nhau...

 Lần đầu tiên, cộng đồng quốc tế chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mặt đối mặt, bắt tay và nói chuyện với nhau rất thân thiện. Cuộc gặp gỡ được coi là “vĩ đại từ các chi tiết nhỏ nhất” và nó đã diễn ra thành công với tất cả sự mong chờ của thế giới.

3/Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Âm ỉ ngay từ đầu năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số một và số hai thế giới với các đòn áp thuế trả đũa lẫn nhau đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Cuộc chiến của hai “ông lớn” khiến cho nhiều nền kinh tế ở các châu lục phải điều chỉnh chính sách để đối phó với nguy cơ rủi ro. Sự đối đầu Mỹ - Trung còn lan sang cả các lĩnh vực khác như khoa hoc, công nghệ, ngoại giao, quân sự..., cho thấy sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai bên. Giới quan sát nhìn nhận, cuộc chiến thương mại này được cho là nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc với các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông cũng như ảnh hưởng từ Sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình hay các hành vi thương mại bất bình đẳng, cho tới tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ...Đỉnh điểm là từ tháng 7, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh lập tức đáp trả khiến cho ông Trump tung đòn áp thuế tiếp theo, nâng giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau lần lượt là 250 tỷ USD và 110 tỷ USD.

Vấn đề khiến cộng đồng thế giới quan tâm nhiều nhất là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận thương mại... 

Về hệ lụy của cuộc chiến này, thiệt hại không chỉ có hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, hãng Bloomberg mới đây dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, thương mại toàn cầu có thể chỉ tăng khoảng 4% trong năm mới 2019, so với mức tăng 4,2% có thể đạt được trong năm 2018 và 5,2% của năm 2017. Định chế tài chính này đồng thời cảnh báo, các hàng rào thương mại ngày càng lộ diện một cách rõ ràng hơn, dù không mạnh như cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung nhưng châu Âu cũng không thoát khỏi ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng cho năm tới sẽ tiếp tục đi xuống. Châu Á với nhiều nền kinh tế liên tục giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua cũng được dự báo, sẽ phải đối diện những rủi ro mới và dự báo đà tăng trưởng sẽ chựng lại trong năm 2019.

Theo giới chuyên gia, một trong những vấn đề khiến cộng đồng thế giới quan tâm nhiều nhất là liệu Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận thương mại trước thời hạn 90 ngày (1/3/2019) hay không. Nếu đạt được thì nhiều khả năng “đám mây đen lớn nhất” phủ bóng lên nền kinh tế thế giới sẽ tan đi. Tuy nhiên, ở thời điểm này thì nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn lơ lửng, cản trở sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

4/Anh - EU thông qua thỏa thuận sơ bộ Brexit

Sau hơn hai năm ròng đàm phán cam go, ngày 25/11, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels (Bỉ), 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit với Anh.  Mặc dù vẫn còn không ít nghi ngại trong nội bộ chính trường Anh về vấn đề biên giới, hải quan nhưng thông tin trên đã giúp đồng bảng Anh tăng 0,89%, chạm mốc cao nhất trong vòng 6,5 tháng so với đồng euro. Nếu được thông qua, bản thỏa thuận sẽ được trình lên Quốc hội Anh phê duyệt và bà Theresa May sẽ còn 4 tháng để hoàn tất các thủ tục này, trước khi Anh chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.

 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tiến trình Brexit vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường do chính rào cản từ Quốc hội Anh với những chia rẽ nội bộ sâu sắc liên quan những điều khoản gây ra nhiều tranh cãi về hải quan và biên giới với Ireland. Chính vì vậy tương lai Brexit vẫn rất khó đoán định và kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận vẫn còn bỏ ngỏ.

5/ Căng thẳng bùng phát giữa Nga và Ukraine

Mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vẫn âm ỉ nhiều năm qua giữa Moscow và Kiev lại bất ngờ bùng phát vào ngày 25/11, khi cảnh sát biển Nga nổ súng bắt giữ ba tàu chiến của Ukraine đang tìm cách băng qua eo biển Kerch để tiến vào biển Azov. Moscow thì cáo buộc các thủy thủ của láng giềng xâm phạm lãnh hải và phớt lờ mệnh lệnh, trong khi Kiev lại khẳng định, lực lượng hải quân của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải. Tiếp đó, Nga tuyên bố sẽ xét xử các thủy thủ Ukraine bị bắt, trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phản ứng bằng cách thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại các khu vực giáp biên giới Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây có các biện pháp can thiệp. Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Ukraine đang có các hành động "khiêu khích nguy hiểm" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới. Moscow cũng đưa thêm nhiều vũ khí hiện đại tới bán đảo Crimea để tăng cường khả năng phòng thủ.

Căng thẳng giữa hai quốc gia ở Đông Âu tới nỗi, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải “vào cuộc” bằng quyết định, hủy bỏ cuộc gặp đã ấn định với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina để phản đối hành động này của Nga.

6/Mỹ, Anh, Pháp không kích Syria

Ngày 14/4, liên quân 3 nước Mỹ-Anh-Pháp đã phóng tổng cộng 105 tên lửa hành trình, tấn công ba cơ sở bị nghi sản xuất, tàng trữ vũ khí hóa học của Syria, sau khi cáo buộc quân đội nước này dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở TP Douma, Đông Ghouta làm khoảng 70 người chết.

Cùng ngày, quân đội Syria tuyên bố, tất cả các lực lượng chống đối chính phủ đã bị buộc rời khỏi khu vực Đông Ghouta, giáp thủ đô Damascus sau cuộc tấn công kéo dài 2 tháng làm hơn 1.700 người thiệt mạng. Đó là một chiến thắng lớn trong nỗ lực của chính phủ Syria để tái khẳng định quyền kiểm soát lại khu vực này sau 7 năm nội chiến.

7/Nước Pháp chấn động vì biểu tình  

Làn sóng biểu tình phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu do phong trào “Áo vest vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào các ngày cuối tuần từ giữa tháng 11 mở màn ở thủ đô Paris, đã trở thành cuộc biểu tình hàng loạt tồi tệ nhất ở nước này. Ngay sau đó, phong trào xuống đường lan đi khắp nước Pháp và các nước láng giềng và biến thành bạo động làm 10 người chết, 500 người bị thương, hàng ngàn người bị bắt, gây thiệt hại hàng tỷ euro.

Phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu do phong trào “Áo vest vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào các ngày cuối tuần từ giữa tháng 11 mở màn ở thủ đô Paris...

Sau hơn một tháng loay hoay đối phó, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải nhượng bộ, bằng tuyên bố năm 2019 ngừng tăng thuế nhiên liệu.

8/Nhà báo Ả Rập Saudi bị sát hại

Ngày 2/10, nhà báo quốc tịch Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi đã mất tích bí ẩn sau khi tới Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục kết hôn. Hai tuần sau đó, chính phủ Ả Rập Saudi đã phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã bị một nhóm đặc vụ “nổi loạn” sát hại. Sau đó, Riyadh đã cho truy tố 11 người, trong đó 5 nghi phạm có thể lĩnh án tử hình.

Vụ sát hại ông Khashoggi đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ toàn cầu do nhóm sát thủ bị cáo buộc có những hành động man rợ thời Trung cổ, đồng thời châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Arập Saudi. Các nước Mỹ, Pháp, Đức đã áp lệnh trừng phạt với những quan chức bị nghi ngờ liên quan đến vụ việc. Thậm chí, Thái tử Arập Saudi Mohammed bin Salman cũng bị nghi ngờ là người đứng sau vụ sát hại Khashoggi.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.

Bình luận mới nhất