1.000 tấn kháng sinh cho chăn nuôi lợn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho biết, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh đã, đang và sẽ đe dọa sức khỏe, sự phát triển toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (OIE) đưa ra cảnh báo, hàng năm thế giới có hơn 700.000 người chết do các vi khuẩn kháng kháng sinh. Nếu giữ nguyên tốc độ gia tăng kháng kháng sinh như hiện tại, đến năm 2050, số người chết do kháng kháng sinh lên đến 10 triệu người.
Cũng theo ông Sơn, tại Việt Nam, theo Dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn tại 5 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình, Nam Định năm 2015 của Cục Thú y cho thấy, có đến 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho lợn.
68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. 24% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.
Ông Sơn thông tin thêm, theo Cục Thú y, có đến 100% các cơ sở sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng chỉ có 63% cơ sở tuân thủ đúng liều lượng và liệu trình sử dụng kháng sinh. Các tỉnh ở Đông Nam bộ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhiều hơn các tỉnh phía Bắc.
Ông Bùi Văn Minh Bảo, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Tafa Việt cho hay, việc phát hiện kháng sinh và ứng dụng kháng sinh trong điều trị chăn nuôi là một bước tiến quan trọng có tính lịch sử của nhân loại.
Ứng dụng kháng sinh trong chăn nuôi ngày càng được sử dụng rộng rãi với mục đích điều trị các bệnh lý cho vật nuôi, đảm bảo tỷ lệ sống; kiểm soát vấn đề lan truyền bệnh trong đàn, tránh lây nhiễm; ngăn chặn các bệnh thuờng gặp ngay từ đầu, giảm chi phí chữa bệnh; cải thiện tăng trưởng của vật nuôi; tăng hiệu quả sử dụng dinh dưỡng.
“Với quy mô chăn nuôi công nghiệp ngày càng phát triển, mật độ dày đặc, áp lực môi trường lớn, đại đa số người chăn nuôi đều sử dụng kháng sinh. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu hơn 1.000 tấn kháng sinh cho chăn nuôi lợn, 50 tấn kháng sinh cho chăn nuôi gia cầm, trong đó gần 80% người chăn nuôi sử dụng một cách tự phát không qua phác đồ điều trị, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, mang đến rủi ro sức khỏe cho người sử dụng”, ông Bảo nói thêm.
Giải pháp giảm sử dụng kháng sinh
Ông Đào Tuấn Hưng, chủ trang trại chăn nuôi gà ở Thái Bình băn khoăn: “Trang trại của tôi hiện nay nuôi 48.000 gà đẻ. Theo nguyên tắc là phải giảm thiểu hoặc hướng tới không sử dụng kháng sinh, tuy nhiên thực tế rất khó. Làm thế nào để giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đưa ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng cũng là trăn trở của những người sản xuất như chúng tôi”.
Theo ông Bùi Văn Minh Bảo, tại Việt Nam hiện nay, chi phí thú y thông thường là 5 - 7% giá thành sản phẩm và có thể lên đến 10 - 12% trong các đợt dịch bệnh. Tại các nước phát triển như Hà Lan, việc ứng dụng tốt công nghệ và an toàn sinh học chi phí này có thể giảm chỉ còn 0,5%.
Ông Bảo cho biết, hiện Tafa Việt đang có quy trình sản xuất hướng đến tăng cường sức đề kháng tự nhiên gồm 8 bước, an toàn sinh học, con giống, dinh dưỡng, nguồn nước, tiểu khí hậu chuồng nuôi, chương trình giám sát tiêm chủng và giám sát sau tiêm chủng, số hóa dữ liệu và đào tạo nhân sự.
“Để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, chăn nuôi nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, việc tìm các giải pháp để giảm thiểu kháng sinh là rất cần thiết. Theo đó, các nhà sản xuất giống cần nâng cao chất lượng; nhà sản xuất thức ăn cần đưa ra công thức dinh dưỡng cân đối vừa đạt hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo môi trường; nhà nhập khẩu, sản xuất thuốc nên nhập khẩu vacxin vi khuẩn, các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh”, ông Bảo đề xuất.
Còn theo ông Phạm Hữu Quang, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trước hết phải tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Công ty C.P. Việt Nam đã xác định được 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng kháng sinh, thứ nhất là do dịch bệnh; thứ hai là do việc quản lý, chăm sóc không tốt khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, theo đó phải sử dụng kháng sinh để điều trị.
Ông Quang cũng chia sẻ kinh nghiệm của C.P. Việt Nam trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh, gồm các biện pháp như: Sản xuất con giống chất lượng tốt. Gia cầm được nuôi trong các trang trại khép kín, có hệ thống điều khiển tự động đảm bảo nhiệt độ, lưu thông, không khí phù hợp theo từng giai đoạn tuổi, tạo môi trường tốt nhất cho gà ăn uống và phát triển.
Sử dụng hệ thống cho ăn, cho uống tự động, đảm bảo thức ăn nước uống sạch sẽ, đủ khẩu phần cho gia cầm. Hạn chế tối đa sự can thiệp của con người bên trong chuồng trong giai đoạn chăn nuôi. Có chương trình vacxin để miễn dịch chủ động. Sử dụng probiotic thay thế kháng sinh…
Bà Lê Thị Huệ, Phó phòng Quản lý thuốc, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh đã được Bộ NN-PTNT ban hành, trong đó có 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ 2017 - 2020 trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giai đoạn tiếp theo là 2021 - 2025 bao gồm cho cả lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Thông tư 12/2020/TT-BNNPTNT ban hành quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; kê đơn, đơn thuốc thú y; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT nhằm để đảm bảo không lạm dụng sử dụng kháng sinh, sử dụng đúng mục đích, đúng liều để tránh hiện tượng kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
“Hy vọng, các cơ sở sản xuất thuốc, các cơ sở chăn nuôi gia cầm sẽ áp dụng vào thực tiễn các quy định của Nhà nước, hướng tới sản xuất sản phẩm gia cầm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, bà Huệ nói thêm.
Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Giảm thiểu và hướng tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một thách thức lớn. Dù khó chúng ta vẫn phải làm bởi đây là vấn đề của bản thân, của mỗi gia đình để được sử dụng những sản phẩm chăn nuôi chất lượng và an toàn”, ông Sơn khẳng định.
Ông Dennis Erpeiding, Hội đồng Gia cầm Quốc tế (IPC) cho biết: “Thịt gia cầm hiện nay đã trở thành loại thịt được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới. Ngành gia cầm Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới. Việc giảm dần và hướng tới không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm là cần thiết.
Để làm được điều này cần quan tâm đến vấn đề an ninh sinh học, vệ sinh, biện pháp chăm sóc gia cầm, dinh dưỡng... Chúng ta cần phải xác định xem ở mỗi giai đoạn tăng trưởng của gia cầm sẽ gặp những dịch bệnh gì, từ đó có những giải pháp dự phòng không để gia cầm nhiễm bệnh. Đây là cách thức tốt nhất để giảm và không sử dụng kháng sinh”.
Hội thảo “Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng vi sinh: Định hướng và hành động” được tổ chức tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội ngày 20/9 do Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) phối hợp với Công ty Cargill và Hội đồng Gia cầm Quốc tế (IPC). Hội thảo nằm trong trong khuôn khổ Dự án Chiến lược đổi mới về giảm thiểu các nguy cơ trong sản xuất trang trại (TRASFORM) do Cargill và IPC triển khai thực hiện.