| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân xuất ngoại...

Thứ Bảy 07/06/2008 , 12:20 (GMT+7)

Trước thông tin ngư dân Việt Nam có thể được phép sang đánh bắt cá tại vùng biển một số nước trong khu vực, nhiều người sốt sắng muốn biết về thủ tục "xuất ngoại" như thế nào...

Việc đưa tàu cá hợp tác đánh bắt ở nước ngoài có thể coi là một hướng giải quyết khó khăn cho ngư dân trong thời điểm hiện tại. Vì vậy các ngành có liên quan phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng Nghị định 123/2006/NĐ – CP của Chính phủ, có sự lựa chọn đúng đắn khi chuyển hướng làm ăn, đề phòng các đối tượng lợi dụng thông tin này để lừa đảo ngư dân như đã từng xảy ra tại một số tỉnh phía Nam trước đây.

Đầu tháng 3/2008, có 12 chiếc tàu cá đầu tiên tại tỉnh Cà Mau đã được Cục Khai thác, BVNLTS (Bộ NN- PTNT) cấp giấy phép sang Malaysia đánh bắt hải sản. Cty TNHH Khai thác thủy hải sản Cẩm Trân, Cty TNHH Đông Hải ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng đã được phép của Cục Khai thác và BVNLTS xúc tiến đưa một số tàu của bà con ngư dân các tỉnh: Quảng Ngãi, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu để đưa sang đánh bắt hải sản tại nước ngoài.

Theo thông tin từ các tỉnh phía Nam, về mặt thủ tục các chủ tàu phải đóng lệ phí cho Cty môi giới là 18.000 USD/tàu và được phép khai thác trong thời gian 24 tháng. Khi xuất ngoại, chủ tàu phải có đầy đủ các loại: Giấy phép khai thác thủy sản; Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm; Biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm; Sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá; Giấy chứng nhận tạm xóa đăng ký tàu cá; Đơn đề nghị cấp các loại giấy cho hoạt động thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam; Tờ khai xoá đăng ký hoặc tạm ngừng đăng ký không đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, hộ chiếu các ngư dân, đăng ký quốc tịch tàu. Riêng Malaysia quy định, hàng tháng ngư dân Việt Nam có nghĩa vụ nộp cho phía Malaysia số tiền là 2.000 USD/tàu/tháng là thuế tài nguyên khai thác thủy hải sản.

Hiện nay tàu cá sang vùng biển Malaysia khai thác có rất nhiều thuận lợi như: Chính phủ Malaysia quy định định mức nhiên liệu có hỗ trợ giá đối với tàu cào khơi là 40.000 lít dầu/chuyến, tàu lưới là 15.000 lít dầu/chuyến. Nếu chủ tàu tự làm thủ tục mua dầu trong định mức thì giá dầu là 1 RM/lít (1 RM tương đương 4.820 VNĐ), nếu thuê dịch vụ làm thủ tục mua dầu trong định mức thì nộp thêm 0,3 RM/lít và nếu mua ngoài định mức (số lượng không hạn chế), giá dầu là 1,8 RM/lít. Theo hạch toán tiền dầu chênh lệch so với trong nước thì ngư dân được lợi từ 100-300 triệu đồng/chuyến.

Ngư trường khai thác rộng, giá hải sản thu mua cao hơn gấp 2-3 lần. Chẳng hạn, cá mắt lộ ở nước ta giá khoảng 12.000 đồng/kg thì ở Malaysia là 50.000 đồng/kg, cá thu loại vừa giá khoảng 42.000 đồng/kg thì ở Malaysia là 100.000 đồng/kg, khô mực nhỏ giá khoảng 80.000 đồng/kg thì ở Malaysia là 250.000 đồng/kg.

Luật pháp nước sở tại có một số quy định mà ngư dân ta sang đánh bắt phải tuân thủ như: Không sử dụng tàu đôi, việc khai thác được tổ chức theo đúng thời vụ. Nếu lấy dầu gối đầu của đối tác thì phải bán cá cho công ty chuyên ngành khai thác mua bán thủy, hải sản bên họ, không khai thác một số thủy hải sản cấm như rùa biển. Kết thúc thời hạn hợp đồng khai thác, ngư dân tiếp tục ký hợp đồng thì chỉ tốn 50% số lệ phí so với lần đầu.

Ngư trường Malaysia có sản lượng thủy hải sản phong phú, việc khai thác luôn gắn với bảo tồn, vì vậy sản lượng cá rất lớn. Một số thuyền đánh bắt từ đầu năm bên Malaysia điện về cho biết, thời gian đánh lưới 7 ngày thì số cá đánh bắt được ngang với ở ngư trường Việt Nam gần cả tháng. Có một cảnh báo là hiện nay một số tàu thuyền xuất ngoại, trong khi chưa hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục giấy tờ, vì vậy chuyện vướng vào luật pháp của nước sở tại là điều không tránh khỏi.

LÊ VĂN CHƯƠNG

------------------

Cục trưởng Cục Khai thác và BVNLTS Chu Tiến Vĩnh:

Sẽ tiếp tục đưa tàu cá “xuất ngoại”

Trong điều kiện chi phí SX trong nước tăng cao, trữ lượng hải sản ngày càng suy giảm thì việc hợp tác để đưa tàu cá và ngư dân sang đánh bắt tại một số nước trong khu vực là hướng đi rất mới. NNVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN- PTNT) Chu Tiến Vĩnh xung quanh chủ trương này…

Thưa ông, đâu là lý do chúng ta tính tới việc đưa tàu cá ra nước ngoài khai khác?

Hiện nay việc phát triển tàu cá tại địa phương còn thiếu cơ sở khoa học. Chính vì vậy, dẫn đến cơ cấu tàu thuyền chưa thích hợp với nguồn lợi, xảy ra tình trạng di chuyển ngư trường. Ngoài ra, những năm vừa rồi giá nhiên liệu tăng đột biến. Từ năm 2004 đến nay giá dầu đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, giá cá tăng rất ít. Có sản phẩm thuỷ sản hầu như không tăng. Thí dụ như giá cá ngừ đại dương chỉ giữ ở mức 65- 90 nghìn đồng/kg, chính vì vậy thời gian qua trong các tàu nằm bờ thì tàu câu cá ngừ đại dương chiếm đa số. Chính vì vậy ảnh hưởng đến sản xuất rất nhiều.

Cùng với đó, việc ngư dân VN đi ra các vùng biển của các nước giáp ranh để khai thác đã xuất hiện lẻ tẻ và một số đã vi phạm và bị bắt giữ. Bộ NN- PTNT đã thành lập Tổ công tác giải quyết, làm sao giảm bớt vi phạm của ngư dân và tạo điều kiện đưa bà con ngư dân có thể đi khai thác hợp pháp tại nước bạn.

Vậy việc hợp tác để đưa ngư dân đi khai thác đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã tăng cường đàm phán với các tổ chức nghề cá của các nước trong khu vực. Bộ Nghề cá Biển và các vấn đề về Biển Indonesia đã sang thăm, làm việc với Bộ NN- PTNT và hai bên đã ký Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghề cá. Có thể là VN sang đầu tư xây dựng NM chế biến thủy sản, cũng như tổ chức đánh bắt tại vùng biển của Indonesia. Cục Khai thác và BV nguồn lợi thủy sản đã có công văn gửi các Sở NN- PTNT, Chi hội nghề cá các tỉnh, cung cấp địa chỉ liên lạc bên Indonesia, địa chỉ Đại sứ quán Indonesia tại VN để DN hai nước muốn hợp tác có thể trực tiếp liên hệ, hoặc muốn Cục làm đầu mối liên hệ thì Cục sẵn sàng tham gia.

Sau khi có hợp đồng ký giữa các bên, Cục sẽ cấp giấy phép và làm mọi thủ tục trong thời gian ngắn nhất cho ngư dân đi khai thác. Tương tự như vậy, chúng tôi đã tiến hành đàm phán với Malaysia. Cho đến nay, tại Malaysia có kết quả tốt nhất. Một số công ty tư nhân tại Cà Mau đã ký hợp đồng và được Chính phủ Malaysia cấp giấy phép cho khai thác bên đó. Hơn 10 tàu cá đã sang ngư trường của Malaysia đánh bắt.

Từ những kết quả ban đầu này, tới đây chúng ta sẽ mở rộng hợp tác ra sao, thưa ông?

Kết quả ban đầu cho thấy rất khả quan. Bởi vì, giá dầu tại Malaysia rẻ, chỉ bằng nửa tại VN. Trong khi giá bán sản phẩm ngang bằng, thậm chí cao hơn nên bà con đi đánh bắt rất phấn khởi. Chúng tôi luôn khuyến khích các DN hai nước hợp tác để đưa nhiều ngư dân đi khai thác. Việc đưa ngư dân đi khai thác bên ngoài sẽ giúp chúng ta giảm áp lực cho nguồn lợi trong nước, cũng như mang về ngoại tệ cho đất nước.

Không chỉ hợp tác với các nước trong khu vực, tới đây chúng tôi muốn đàm phán với các tổ chức quản lý về nguồn lợi của khu vực và quốc tế. Mỗi khu vực đều có tổ chức quản lý về nguồn lợi. Anh muốn đánh bắt tại vùng biển chung của khu vực và quốc tế thì phải được phép, là thành viên của các tổ chức này. Khi đó họ mới cấp “quota” cho tàu của mình ra vùng biển quốc tế để khai thác. Hiện công việc này cũng đang được xúc tiến đàm phán.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện ghi bên phá Tam Giang: [Bài 1] Giữa ‘mỏ vàng’ thủy sản nghe chuyện cá tôm

THỪA THIÊN - HUẾ Được xem hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, Tam Giang - Cầu Hai mang trong mình 'mỏ vàng' thủy sản vô cùng lớn với hàng trăm loài thủy sinh đặc hữu.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm