| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi bên phá Tam Giang: [Bài 1] Giữa ‘mỏ vàng’ thủy sản nghe chuyện cá tôm

Thứ Hai 13/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Được xem hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, Tam Giang - Cầu Hai mang trong mình 'mỏ vàng' thủy sản vô cùng lớn với hàng trăm loài thủy sinh đặc hữu.

Thủy sản đánh bắt từ phá Tam Giang được bày bán ngay ven đường. Ảnh: Công Điền.

Thủy sản đánh bắt từ phá Tam Giang được bày bán ngay ven đường. Ảnh: Công Điền.

Tuy nhiên việc khai thác thiếu bền vững của con người đã làm nguồn lợi trên vùng đầm phá này ngày càng cạn kệt, suy giảm. Cuộc sống của cư dân ven đầm phá này vì thế cũng còn nhiều gian truân, nhọc nhằn...

Tặng phẩm vô giá từ thiên thiên

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế trải dài từ cửa sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) đến cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc) có diện tích hơn 22 nghìn ha. Đây được đánh giá là một vùng đất, vùng nước đa tầng, đa dạng, một vùng khí hậu trong lành hiếm nơi nào trên mãnh đất hình chữ S này có được.

Các nhà khoa học xác định rằng, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được hình thành trong quá trình hình thành đồng bằng đúng theo quy luật tự nhiên từ các chất bào mòn và đột biến trên các lưu vực, bồi tụ ven biển mà thành.

Quá trình bắt đầu từ hàng nghìn năm trước và sẽ còn hàng nghìn năm nữa đầm phá này mới chuyển hoá thành đồng bằng. Điều đó cũng có nghĩa tỉnh Thừa Thiên Huế, mà trực tiếp là hàng trăm ngàn cư dân sinh sống ở vùng đầm phá này sẽ còn hưởng lợi hàng nghìn năm nữa.

Một bến đò của làng chài bên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Một bến đò của làng chài bên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Còn theo thống kê từ các ngành chức năng địa phương, khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có hệ sinh thái đa dạng phong phú với hơn 230 loài cá, tôm chiếm 1/3 sản lượng khai thác hàng năm của địa phương. Ngoài ra ở đây hiện có 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật.

Nếu như ví vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là tặng phẩm vô giá, là vùng “biển cạn” duy nhất ở Việt Nam mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho mảnh đất và còn người Thừa Thiên – Huế quả không sai chút nào!

Ông Nguyễn Bằng, một trong những cư dân thủy diện lâu đời trên phá Tam Giang, hiện định cư thôn 14, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền khẳng định, vùng đầm phá này là mạch sống của bao thế hệ cư dân sông nước nơi đây. 

Chính nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú, dồi dào của phá Tam Giang đã níu giữ hàng trăm ngàn cư dân thủy diện từ khắp nơi về lập làng, dựng xóm. Nhiều thế hệ tiếp nối sinh ra và lớn lên nơi đây đều nhờ con tôm, con cá từ vùng đầm phá này nuôi sống.

Câu chuyện về phá Tam Giang như chạm vào cảm xúc của một cư dân gần cả đời gắn bó với vùng sông nước này. Ông Bằng cho biết, trước đây những loại thủy sản đặc trưng của phá Tam Giang như cá dìa, cá nâu, cá kinh... nhiều vô kể. Nay thì họa hoằn lắm ông mới đánh bắt được bởi ngoài tự nhiên hầu như không còn các loài này sinh sống. 

Ông Nguyễn Bằng chuẩn bị ngư lưới cụ trước cho chuyến đi đánh bắt trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Bằng chuẩn bị ngư lưới cụ trước cho chuyến đi đánh bắt trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

“Nói đâu xa, chỉ vài chục năm trước thôi, tôm cá ở phá Tam Giang nhiều vô kể. Ngày đó, bà con chỉ cần quăng lưới, bỏ chài xuống là bắt được vô số các loại thủy sản đặc trưng của vùng sông nước này như cá kình, dìa, nâu, tôm…”, ông Bằng nhớ lại.

Luyến tiếc về một thời khi phá Tam Giang còn tôm cá dồi dào, ông Bằng chia sẻ rằng: "thời đó, có thể nguồn thu từ nghề đánh bắt thủy sản không dư giả lắm nhưng chuyện cơm áo hàng ngày cũng không đến nỗi áp lực. Bây giờ nuôi trồng thì thua lỗ, còn đánh bắt thì tôm cá tự nhiên ngày càng ít dần. Bươn chải lắm mỗi ngày những người làm nghề như tui cũng chỉ kiếm được 200 - 300 ngàn, khó mà trang trải cho hàng trăm phương việc".

Bấp bênh nghề nuôi tôm

Nếu như đánh bắt thủy sản là nghề truyền thống của cư dân vùng đầm phá Tam Giang từ bao thế hệ nay thì nuôi tôm, cá nước lợ chỉ mới manh nha từ vài chục năm trở lại đây. Và người làm nên cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở phá Tam Giang là ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cho đến tận bây giờ, ông Nguyễn Bằng vẫn nhớ như in hình ảnh ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, người khai canh cho nghề nuôi tôm “ô bàu” ở vùng đầm phá Tam Giang.

Theo người dân vùng đầm phá Tam Giang, do nguồn nước bị ô nhiễm nên nguồn lợi thủy sản vài năm trở lại đây có dấu hiệu suy giảm mạnh. Ảnh: Công Điền.

Theo người dân vùng đầm phá Tam Giang, do nguồn nước bị ô nhiễm nên nguồn lợi thủy sản vài năm trở lại đây có dấu hiệu suy giảm mạnh. Ảnh: Công Điền.

Đưa tay chỉ ra hàng loạt ao hồ nuôi trồng thủy sản nối tiếp nhau trải dài ven phá Tam Giang, ông Bằng nhớ lại: “ngày trước, cư dân thủy diện chủ yếu đánh bắt tôm cá tự nhiên. Từ đầu năm 1990 đến nay, phong trào phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ ven phá và trên phá phát triển mạnh.

Theo ông Bằng “ô bàu” là từ để chỉ cách nuôi tôm bằng các ao hồ, trước đó rất xa lạ với phần đông cư dân thủy diện, vốn chỉ quen chài lưới trên sông nước từ hàng ngàn năm nay.

“Từ năm 1987 trở về trước, sinh kế của người dân ven phá Tam Giang này chủ yếu từ đánh bắt tôm cá. Cuộc sống của bà con cứ ngày ngày theo đuôi con tôm con cá. Từ ngày ông Phương về hướng dẫn cho cách nuôi trồng tôm, cuộc sống của bà con thủy diện nơi đây như bước sang một trang mới", ông Bằng kể lại.

Câu chuyện xung quanh nghề nuôi tôm của chúng tôi càng thêm rôm rả khi tình cờ ông Nguyễn Đối, hàng xóm của ông Bằng ghé thăm. Hỏi chuyện ông Phan Thế Phương khai canh nghề nuôi tôm được ông Đối kể lại một cách đầy trìu mến, xen lẫn tự hào.

Là một cư dân thủy diện lên tái định cư ở thôn 14 sau cơn bão 1985, ông Đối nhớ lại: "Hồi đó khi mới lên bờ cuộc sống của người dân cực khổ lắm. Nguồn thu nhập chủ yếu là từ nghề đánh bắt tôm cá, trong khi cuộc sống trên bờ có trăm thứ phải lo. Tiền làm nhà cửa, ăn uống, con cái học hành tưởng chừng đã vắt kiệt sức của những người dân thủy diện vốn chỉ quen với sông nước...".

Thế rồi, khoảng vào năm 1989 ông Phan Thế Phương, trong một lần đi công tác về vùng này thì rất trăn trở khi nhìn cuộc sống bấp bênh, kinh tế chủ yếu dựa vào việc đánh bắt cá tôm của người dân.

Sau chuyến đi đó, ông Phương thường xuyên đi đò về, ra tận ngoài đầm phá khảo sát tình hình, nói chuyện với bà con về việc nuôi tôm trên phá Tam Giang để làm giàu. Một thời gian sau, nhờ nỗ lực tuyên truyền,vận động của ông Phương và chính quyền địa phương, phong trào nuôi tôm sú ở phá Tam Giang phát triển mạnh mẻ.

Ông Đối cho biết, ông là một trong những hộ gia đình điển hình ở thôn 14, xã Quảng Công theo nghề nuôi tôm từ những ngày mới lên bờ định cư. Hiện ông đang nuôi trồng với diện tích gần 2 mẫu ao hồ và được chia làm 2 ô bàu. 

Theo ông Đối, nghề nuôi tôm ở phá Tam Giang sau thời ông Phan Thế Phương về "khai canh" đã từng phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân bỏ dần vì nghề này bấp bênh, dễ trắng tay, nợ nần khi tôm không may gặp dịch bệnh.

"Cách đây khoảng hơn chục năm về trước nghề nuôi tôm sú ở đây rất phát triển. Có gia đình phất lên thành tỷ phú, tỷ phú nhờ con tôm sú. Sau này nguồn nước bị ô nhiễm, nuôi tôm dễ bị dịch bệnh, thua lỗ nên phong trào lắng dần", ông Đối chia sẻ.

Những loài tôm cá đặc hữu của phá Tam Giang đang ngày càng ít dần, khó đắt bắt hơn. Ảnh: Công Điền.

Những loài tôm cá đặc hữu của phá Tam Giang đang ngày càng ít dần, khó đắt bắt hơn. Ảnh: Công Điền.

Ông Đối tâm sự thêm, nguyên nhân dịch bệnh trên con tôm ngày càng gia tăng là do ở trên đồng ruộng, nông dân xả thuốc diệt cỏ. Còn vùng ven và vùng mặt nước của phá thì tình trạng nuôi tôm chân trắng một cách tràn lan trong khi điều kiện hạ tầng, kỹ thuật chưa đảm bảo, đẫn đến chất lượng nguồn nước không được kiểm soát.

Lý do nữa, là do đặc trưng địa hình, ven đầm phá Tam Giang là vùng thấp triều nên cơ quan chức năng khuyến cáo chỉ được nuôi tôm sú nhưng do lợi nhuận cao nên người dân lén lút nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là loại tôm phải được đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đảm bảo mới được phép nuôi nhưng người dân bất chấp do lợi nhuận cao hơn tôm sú.

"Nuôi tôm chân trắng từ 2,5 – 3 tháng nên tốn thức ăn ít, còn nuôi tôm sú 3 – 4,5 tháng nên kéo dài thời gian, lợi nhuận giảm. Đó là lý do dẫn đến tình trạng nuôi tôm chân trắng tràn lan, không kiểm soát được", ông Đối tâm sự.

Nói về khó khăn của nghề nuôi tôm bên phá Tam Giang, ông Đối buồn bã nói: Mấy năm gần đây nghề nuôi tôm rất bấp bênh nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư lớn. Đã có nhiều người tìm cách xây dựng các mô hình nuôi xen canh tôm - cá - cua để giảm rủi ro, thiệt hại nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa được cải thiện.

"Nghề nuôi tôm này muốn phát triển bền vững thì yếu tố tiên quyết là phải xử nguồn nước. Đó cũng chính là nỗi trăn trở của của những ngư dân chúng tôi, chứ làm nghề mà cứ bấp bênh mãi thì cái vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ bám riết thôi", ông Đối trăn trở.

Từ năm 2005, để ngư dân và địa phương phát triển sinh kế, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên tại đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, dự án IMOLA do Quỹ ủy thác cho FAO được chính phủ Ý và Việt Nam đồng tài trợ với số vốn lên đến 1,5 triệu USD. 

Trong đó, thực hiện điều tra nuôi trồng thủy sản toàn diện triên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai gồm 32 xã; khảo sát điều tra ao nuôi trồng thủy sản trên cát. Đồng thời xây dựng bản đồ chuyên đề về nuôi trồng thủy sản như phân bố ao nuôi, phương pháp nuôi, kỹ thuật cải tạo ao, số lượng mùa vụ…

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Gỡ 'thẻ vàng' IUU: Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...

'Để gỡ 'thẻ vàng' IUU vào tháng 9 này theo Chỉ thị 32, chúng ta phải cùng quyết tâm hơn nữa. Biết là khó nhưng không có lý do, không trình bày...', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Bình luận mới nhất