| Hotline: 0983.970.780

DN TĂCN "mắc cạn", vì đâu?

Thứ Hai 23/06/2008 , 08:00 (GMT+7)

Dự báo trong thời gian tới, giá TĂCN sẽ tăng đột biến. Điều này trái ngược với mong muốn của Chính phủ là bằng mọi cách kiềm chế giá cả mặt hàng trọng yếu này. Tất cả chỉ vì DN không có tiền NK nguyên liệu để SX...

DN nhập khẩu thành con nợ

Cũng như lần trước, lần này tôi ngồi với Lê Quang Thành, GĐ Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương chưa đầy nửa tiếng mà anh liên tục phải trả lời hàng chục cuộc điện thoại của  đối tác nước gọi đến đòi nợ. “Tình hình gay go lắm, chúng tôi không vay được USD để trả đối tác, hàng vạn tấn nguyên liệu TĂCN đang nằm tồn kho nửa tháng qua ở cảng Sài Gòn, không có USD trả họ thì làm sao lấy được hàng ra. Một DN Mỹ vừa bay sang đây đòi tiền, chúng tôi chẳng biết ăn nói ra sao với họ, đành phải khất lần thôi. Không chỉ Cty Thái Dương mà hầu hết DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đều bất khả kháng do ” - anh Thành bức xúc.

Được biết, từ cuối năm 2007 Cty Thái Dương đã đặt hàng nhập khẩu nguyên liệu TĂCN của Mỹ, trị giá 50 triệu USD. Hiện 35.000 tấn khô dầu đậu tương, bột cá…bị tồn kho ở cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng do chưa thu xếp được tiền trả đối tác. “Chúng tôi đang tìm mọi cách xoay xở, dồn tiền trả nợ. Nhiều ngân hàng đã  không cho DN vay vốn đặc biệt là vay bằng đồng USD, hoặc cho vay rất ít, giá “đô” lại tăng quá cao, không thể mua nổi”.

 

Anh Thành cũng cho biết, do “khủng hoảng” về vốn, DN phải chịu lỗ khoảng 2 triệu USD vì để hàng lưu bãi. Nếu không lo đủ tiền trả đối tác thì chủ hàng sẽ bán thanh lý, Cty sẽ bị phạt theo cam kết. Điều đáng buồn hơn là lâu nay Cty Thái Dương vẫn có tiếng là làm ăn nghiêm chỉnh mà giờ lại mất uy tín với đối tác nước ngoài. Theo dự báo của vị GĐ trẻ này, nếu hàng loạt DN không vay được vốn nhập khẩu nguyên liệu thì trong thời gian tới, giá TĂCN sẽ tăng chóng mặt. Hiện tại giá TĂCN trong nước đã tăng từ 20 - 30%. Trong khi đó chi phí nguyên liệu đầu vào đã tăng gần 70%. Anh Thành dẫn chứng: “Giá khô dầu đậu tương của Mỹ là 638 USD/tấn, tăng 42% so với tháng 4/2008; tỷ giá USD tăng 22%, giá than trong nước tăng 147%, lãi suất ngân hàng cũng tăng gần gấp đôi...Chi phí đầu vào tăng cao, đương nhiên giá TĂCN sẽ cao, và cuối cùng người chăn nuôi phải hứng chịu".

“Điều nghịch lý là chi phí đầu vào tăng cao nhưng đầu ra lại thấp, chẳng hạn ở thị trường trong nước giá trứng gà, giá cá ba sa nguyên liệu giảm; giá thịt gà, thịt heo không tăng, trong khi ta lại cho nhập khẩu đùi gà, cánh gà giá rẻ về. Vì thế người chăn nuôi càng thêm khốn đốn” - anh Thành nói. Theo các DN sản xuất TĂCN cho biết, Việt Nam phải nhập 80% nguyên liệu chế biến, trong đó khô dầu đậu tương là nguyên liệu không thể thiếu. Hiện hàng loạt lô hàng khô dầu thực vật đang bị ách ở các cảng, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sẽ trở thành bi kịch đối với ngành chăn nuôi.

Nhiều DN sẽ phá sản?

TGĐ Cty TĂCN Lái Thiêu Nguyễn Văn Mười: DN đang khó khăn, càng khó khăn hơn

Mặc dù nhà nước khuyến khích các DN sử dụng nguyên liệu trong nước làm TĂCN, nhưng tất cả các DN đã tận dụng mọi nguồn có thể vẫn không thể nào đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến TĂCN, do vậy chúng ta phải nhập khô dầu cải, dừa, cọ… từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia…

Việc Cục Bảo vệ môi trường ban hành văn bản 1049/BVMT viện dẫn quyết định 12/2006/QĐ-BTNMT cho rằng các sản phẩm trên không được phép nhập khẩu đã làm cho DN gặp khó khăn, hải quan không cho thông quan. Các DN vốn đang khó khăn trong tình hình giá nguyên liệu tăng, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu đảm bảo chất lượng theo quy định vốn đã không dễ thì giờ sẽ càng khó khăn hơn.

Ông Đoàn Trọng Lý-Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và XNK (Aprocimex) là DN NK nguyên liệu TĂCN có tiếng ở phía Bắc cũng than thở: Theo hợp đồng tín dụng chúng tôi mở tại các NHTM cách đây một hai tháng, lãi suất vay ngoại tệ (USD) từ 6,3-7,3%/năm với tỷ giá 16.1-16.200đ/USD. Nhưng từ cuối tháng 5 đến nay, thị trường ngoại tệ tăng đột biến dẫn đến DN đứng trước nguy cơ mất vốn kinh doanh. Đến thời hạn thanh toán với ngân hàng, mặc dù Cty chúng tôi có tiền bán hàng tới hàng trăm tỷ đồng nhưng không mua được USD theo tỷ giá mà hợp đồng tín dụng đã ký. Nếu doanh nghiệp muốn được thanh toán đúng hạn buộc phải mua USD theo tỷ giá tự do từ 18.800-19.250đ/USD. Như vậy cứ mua 1 triệu USD doanh nghiệp mất đứt 2,3-2,6 tỉ VNĐ vì số tiền đó không có chứng từ, hạch toán. Ngân hàng Nhà nước thì công bố giá USD xung quanh 16.500đ "ăn" một USD nhưng các NHTM vẫn tìm cách “thu phí” mua USD của doanh nghiệp dưới nhiều hình thức…

Ông Lý hoàn toàn đồng tình với giải pháp giảm nhập siêu của Chính phủ bằng cách thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát nhưng theo ông không nên chỗ nào cũng "thắt", mà phải phân biệt ngành nghề. Nước ta mỗi năm sản xuất cỡ 7 triệu tấn TĂCN trong đó nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn nguyên liệu. Aprocimex là doanh nghiệp đầu mối cung cấp nguyên liệu cho cỡ 300 nhà máy, xưởng chế biến thức ăn trong cả nước. Chuyện nợ ngân hàng 14 triệu USD của Aprocimex không phải là vấn đề quan trọng nhất mà cái chính là tình trạng doanh nghiệp "khát" USD. Ông Lý nói: "Chúng tôi muốn nhập khẩu 50.000 tấn khô dầu nhưng suốt từ tháng 5 đến giờ, liên hệ nhiều ngân hàng như Công thương, Ngoại thương…vẫn chưa được vay bằng USD. Nếu chấp nhận mua ngầm USD ngoài thị trường thì như tôi nói lúc ban đầu, chênh lệch tỷ giá mỗi triệu USD từ 2,3-2,6 tỷ VNĐ DN không quyết toán được với tài chính".

Cũng như ông Thành, ông Lý cho rằng ảnh hưởng dây chuyền của vấn đề này đối với ngành sản xuất thức ăn gia súc sẽ rất nghiêm trọng. Các nhà máy chế biến không có nguyên liệu, công nhân sẽ mất việc làm, TĂCN bị đẩy giá lên khiến người nông dân càng không còn cơ hội khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm.

Ông Đoàn Trọng Lý-Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Chế biến và XNK (Aprocimex): 

Ông Đoàn Trọng Lý 

Với tư cách là thành viên BCH Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, tôi nghĩ Chính phủ cần tháo gỡ ngay vấn đề, nếu không khoảng 400 nhà máy sản xuất TĂCN có nguy cơ đóng cửa, nhiều ngân hàng sẽ không thu được nợ, còn giá thành sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng đẩy lạm phát lên cao.

Không nói đâu xa, anh cứ về nông thôn mà xem nhiều hộ chăn nuôi đã phải bỏ lợn đói. Các ngân hàng đòi “tiền tươi, thóc thật” của DN thì DN  cũng phải “tiền tươi, thóc thật” với nông dân. Hậu quả cuối cùng là nông dân hoặc phải mua TĂCN với giá cao hoặc bỏ nghề.

Vụ cả trăm tấn khô dầu thực vật không được thông quan:

Hiệp hội TĂCN đề nghị thu hồi văn bản số 1049

Hiệp hội TĂCN vừa chính thức có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên. Văn bản khẳng định: Chính công văn số 1049/BVMT của Cục Bảo vệ môi trường là căn cứ để hải quan không thông quan, đình chỉ nhập khẩu các nguyên liệu khô dầu cải, khô dầu cọ, khô dầu dừa…của các DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN.

Để đảm bảo phát triển sản xuất bình thường, thực hiện chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, không gây căng thẳng cho sản xuất, không gây khó cho DN mà vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, Hiệp hội TĂCN đề nghị Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên xem xét thu hồi hoặc cải chính công văn số 1049/BVMT, ngày 27/5/2008 của Cục Bảo vệ môi trưởng do ông Phùng Văn Vui ký với các lý do sau:

Một là, quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT, ban hành ngày 8/9/2006 danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất của Bộ trưởng Bộ TN-MT có 20 hạng mục, từ số 1 đến số 20 đều là phế liệu kim loại như: đồng, chì, kẽm, mangan, thạch cao, xỉ hạt nhỏ… hoàn toàn không quy định một chút nào về phụ phẩm nông sản. Vì vậy, không thể trả lời như tại điểm 1, công văn số 1049/BVMT rằng: “Các loại bã thực vật (bã cải, đu đủ, bã cọ, bã dừa, bã trà) không nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT, vì vậy không thuộc loại được phép nhập khẩu vào Việt Nam”.

Thứ hai, văn bản số 1049/BVMT của Cục Bảo vệ môi trường đã “phủ nhận” quyết định số 90/2006/QĐ-BNN, ngày 2/10/2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành danh mục TĂCN và nguyên liệu TĂCN được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại mà chưa có ý kiến của cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT là không đúng”.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Hiệp hội TĂCN đề nghị Bộ trưởng giải quyết gấp, kịp thời giải phóng hàng tại các cửa khẩu góp phần bình ổn giá mặt hàng TĂCN, không gây ách tắc, phiền hà cho DN.

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.