| Hotline: 0983.970.780

Người Rục và hành trình hồi sinh

Thứ Hai 18/07/2011 , 12:05 (GMT+7)

Tóc dài quá vai, thân không mảnh vải, chỉ một tấm vỏ cây che chắn ngang lưng, họ trèo cây, chuyền nhảy qua các triền đá thoăn thoắt...

Vào cuối năm 1959, một tổ tuần tra thuộc Đồn Biên phòng Cà Xèng (Quảng Bình) đã tình cờ chạm trán với “người rừng’’ ngỡ chỉ tồn tại trong phim ảnh. Tóc dài quá vai, thân không mảnh vải, chỉ một tấm vỏ cây che chắn ngang lưng, họ trèo cây, chuyền nhảy qua các triền đá thoăn thoắt. Bây giờ những "người rừng" ấy và con cháu họ sống ra sao?

GẬP GHỀNH HÒA NHẬP

1. Thung lũng Rục (xã Thượng Hoá, Minh Hoá) nằm lọt thỏm giữa những triền núi đá vôi cao ngất, bốn bề rừng rậm phủ dày nên đầy sên, vắt, ruồi vàng, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Thế nhưng chăn màn, quần áo được Nhà nước phát cho, người dân lại không biết cách giữ gìn. Được bộ đội biên phòng bày cho cách bắt cá khe, người Rục không ngần ngại xé ngay những chiếc mùng (màn) mới tinh để biến chúng thành…vợt bắt cá và nòng nọc.

Người Rục đã sống, đã tránh được họa diệt vong nhưng trước chặng đường mới, những khó khăn lại bày ra. Năm 2000, huyện Minh Hóa tổ chức đưa người Rục ra Phú Minh định cư, nhưng chỉ có 4 hộ chịu ra. Chỉ được đúng 1 tháng, không quen với điều kiện sống, họ lại quay về bản cũ. Do đó, huyện Minh Hóa quyết tâm hỗ trợ cây giống để đồng bào Rục phát triển cây công nghiệp, phù hợp với điều kiện đất đồi gò. Hàng chục thanh niên người Rục đã hăng hái cắt rừng ra thị trấn Quy Đạt gùi cây quế giống về. Ngang qua suối, họ đập vỡ bầu và rửa sạch rễ quế để cho... đỡ nặng. Vậy là hàng ngàn cây quế con héo quắt và chết rũ.

Sau quế đến chăn nuôi. Từ năm 1989, tỉnh rồi huyện hai lần cung cấp bò giống cho bản Rục (1989 và 1995). Bò cấp hôm trước, hôm sau một tay thanh niên người Rục lùa bò qua núi về chợ thị trấn đổi ngay con bò (giá 1 triệu đồng lúc bấy giờ) lấy một chiếc đài cat - xet và 4 quả pin. Một tuần sau, pin hết, cat - xet không chịu kêu, anh ta lại vác nó quay lại chợ và không ngần ngại đổi ngay lấy một chiếc radio xuất xứ từ Trung Quốc trị giá chỉ chừng 100.000đ. Chúng tôi hỏi vì sao dại thế thì được trả lời "vì thích thế thôi". Cái lý của đồng bào là "bò Nhà nước cho mình thì mình bán chẳng có gì phải lo lắng".

2. Vào cuối năm 2001, chúng tôi vượt rừng, đi trên những đỉnh đá vôi để vào bản Rục. Đến đầu bản Ón, gặp vợ chồng Cao Tường đang trú thân trong một túp lều xiêu vẹo, kèo cột khẳng khiu và hoàn toàn không có phên vách gì. Tường ngồi bó gối nhìn ra con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo, nắng lọt qua mái tranh thưa trên mái nhà chiếu loang lổ trên mặt. Anh không thèm động đậy, chẳng thèm lấy tay đập con ruồi trâu đang vo vo bay tới bay lui trước mặt. Sau lưng Tường, cô vợ trẻ Cao Thị Kèm sốt rét, nằm đắp tấm chăn rên hừ hừ. Thấy người lạ, Tường vẫn tỉnh queo như đá.

Tôi hỏi: “Sao không cắt tranh làm phên che nhà cho vợ nằm tránh mưa nắng?". Tường đáp: "Làm làm gì. Để mai cán bộ nó đến làm’’. Tôi hỏi tiếp: “Có đi làm rẫy không?”, “Đi chớ”. Vợ Tường đang nằm mệt cũng cố nói: “Đừng nghe nó nói dối. Nó không đi làm rẫy đâu”. Tôi hỏi tiếp: “Không làm thì sống bằng gì?". Tường cười hiền lành: "Xã cho 10 tờ tiền (loại 50.000đ), mới đi chợ hết 4 tờ, mẹ còn cất giúp 6 tờ, lo gì!".

Sâu thẳm trong nhận thức những người như Cao Tường hoàn toàn không ý thức gì về hiểm hoạ có cuộc đời mà không có tương lai cho gia đình, cho chính bản thân. Cao Thị Kèm, vợ Tường, chỉ mới 17 tuổi và Tường cũng chỉ hơn vợ "ba mùa rẫy". Nhìn Kèm rúm ró ôm con trong cơn sốt, người mẹ trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ có nổi cái gọi là thời thiếu nữ.

Đến năm 2004, trở lại bản Rục, tôi gặp Cao Tường trên con dốc cao, đi chân đất và vác con rựa. Hỏi Tường có nhớ tôi không, vẫn cái giọng ngồ ngộ:

- Nhớ chơ (chứ)!

- Đi đâu vậy?

- Đi tìm ông chú đặt bẫy thú. Ông đi cả mấy tháng nay trong rừng chưa về.

- Con lớn chưa?

- Nó chết lâu rồi…

Bão lũ số 6 năm trước, nước ngập chia cắt bản Rục với bên ngoài. Bà con thiếu đói. Tôi lên lại bản Rục cùng đoàn cứu trợ. Hỏi về Cao Tường, họ chỉ cho một ngôi nhà xây cuối bản Ón. Tường đang lúi húi bên bếp nấu cái ăn, người ở trần. Thấy tôi vào, Tường à ồ mừng rỡ rồi vội lấy cái áo mặc vào. Vợ Tường sinh nhiều lần nhưng chưa tròn năm thì đứa trẻ chết.

+ Đến bản Rục chúng ta cũng bắt gặp những hình ảnh tốt đẹp để tin tưởng và hy vọng. Đó là sự khá giả trông thấy của gia đình ông Trần Văn Tiếp ở bản Ón. Từ 1 con bò giống được xã cấp năm 1989, đến nay ông Tiếp đã có trong tay hơn 30 con cả trâu lẫn bò. Ông là người đầu tiên ở bản Rục sắm được xe đạp, xe máy. 9 người con ông Tiếp đều được học hành đàng hoàng. Nhiều hộ cũng học tập ông Tiếp, chăm chỉ làm ăn và trở nên khá giả.

 

 

+ Người Rục trước đây sống hoang dã trong các hang đá. Năm 1959, bộ đội biên phòng phát hiện ra người Rục. Năm 1960, tỉnh Quảng Bình bắt đầu vận động người Rục rời hang đá ra sống định cư, định canh. Đến nay, đồng bào Rục sống định canh, định cư ở bốn bản gồm: bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp và Phú Minh với 176 hộ, hơn 600 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, người Rục đã biết lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Gần 150 con em đồng bào rục đang được theo học các cấp...

Đứa trẻ bây giờ được hơn một tuổi, nằm ngủ trên chiếc võng làm bằng chiếc màn. Vợ đi nhận gạo, hàng cứu trợ, Tường ở nhà trông con. Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá. Góc bếp mấy cái xoong méo mó và bẩn. Chiếc giường nhỏ bề bộn áo quần người lớn lẫn trẻ nhỏ. Hỏi Tường có mảnh rẫy nào trồng sắn, ngô không? Tường đáp gọn lỏn: “Làm không được đâu, trâu bò nó phá hết à". "Trâu bò phá thì phải làm hàng rào mà bảo vệ chớ?", tôi hỏi lại. Tường cúi cúi đầu như nói một mình: “Không làm được vì thiếu người đó chớ".

Đến giờ, Tường cũng không làm rẫy, chỉ lâu lâu mới đi đặt bẫy thú trong rừng. Tư tưởng ỷ lại vào hàng cứu trợ luôn có trong suy nghĩ của Tường.

3. Đến bản Rục bây giờ, tận mắt chứng kiến cuộc sống và những thay đổi của đồng bào, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì từ cuộc sống ăn lông ở lỗ, người Rục đã biết phóng xe máy vượt dốc, biết dùng máy cày làm đất... Nhưng nỗi lo cũng không phải ít. Nhiều gia đình chưa quen được với cuộc sống hiện tại chỉ muốn quay về ở hang và sống giữa rừng đại ngàn, hoặc có bộ phận không nhỏ đồng bào Rục biết tận dụng mọi cơ hội để sống nhờ hàng cứu trợ chứ không chịu làm lụng gì!

Giáo sư, tiến sỹ Trần Trí Dõi (ĐH KHXH- NV Hà Nội), một nhà nghiên cứu về người Rục, nhận định tiến trình hội nhập cộng đồng của người Rục chậm do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là trong nhiều năm việc cứu trợ, giúp đỡ chúng ta đã vô tình tạo ra một tâm lý được ưu đãi cho họ và do vậy họ không có ý thức tự phát triển. Sự ỷ lại đó là khó khăn lớn nhất cho bất kỳ chương trình, dự án nào.

Điều lo lắng đó là có cơ sở, bởi dù được đầu tư làm nhà, có điện thắp sáng…nhưng nói như ông Đặng Đệ, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình - người chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển đời sống cho đồng bào Rục, thì: "Điều đáng lo ngại nhất là vẫn có người thích quay vào hang Cà Rưng để ở khi đã hết cái ăn...". (Còn nữa)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm