| Hotline: 0983.970.780

TGĐ TCty Vật tư nông nghiệp bị bắt giam: Người thích "nhận lỗ - chuyển lãi"!

Thứ Tư 05/12/2007 , 07:00 (GMT+7)

TCty Vật tư nông nghiệp (VTNN) là doanh nghiệp (DN) chủ lực trong nhập khẩu và kinh doanh vật tư phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong hơn 10 năm điều hành TCty 90 này, Tổng giám đốc (TGĐ) Trần Văn Khánh đã không đem lại nhiều ích lợi cho nông dân, mà ngược lại còn vung vãi tài sản của Nhà nước tại DN. Đây là vụ án lớn nhất kể từ khi C37 được thành lập.

Bài 1: “Sân sau” làm đau “sân trước”! 

Ông Trần Văn Khánh (áo đen, phía sau) bị bắt giam ngày 30/11Trước mắt, lý do  TGĐ Trần Văn Khánh bị bắt giam vì  liên quan việc thuê xe ô tô sai quy định, gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là chiếc xe Mercedez hạng sang BKS 29N-6066 của Thuyết “buôn vua”, với giá thuê 52,8 triệu đồng/tháng, tổng tiền thuê 1,2 tỷ đồng, trong khi chỉ sử có vài lần. Cá nhân ông Khánh thường xuyên đi một chiếc Mercedez hạng sang khác, mang biển số ngoại giao (14 NN 206-28), cũng với giá thuê tương đương.

Có phải TGĐ Trần Văn Khánh thuê xe để chơi ngông? Câu trả lời là hoàn toàn không! Bởi, thực chất đây chỉ là một trong vô số hợp đồng thuê mua, chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh “ma” mà ông Khánh ký với DN “sân sau”. Từ hợp đồng thuê ô tô hạng sang kể trên, dễ dàng nhìn ra cả một hệ thống DN có mối quan hệ khăng khít với ông TGĐ TCty VTNN. Nổi lên trong số này là hàng loạt DN tư nhân do một đại gia kinh doanh bất động sản và thương mại dựng lên ở nhiều nơi như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, TP HCM…

Đơn cử, hợp đồng thuê xe Mercedez ký với Cty Thành Lợi (do em rể đại gia bất động sản kể trên thành lập), ông Trần Văn Khánh làm thiệt hại cho Nhà nước trên 1,2 tỷ đồng, nhưng chưa bằng số lẻ trong các hợp đồng mua bán phân bón lòng vòng do TGĐ TCty VTNN “đạo diễn” trong các năm 2002-2003. 

Những hợp đồng mua bán urê lòng vòng

Cụ thể, trung tuần tháng 10/2003 là thời điểm giá phân bón trong nước leo thang gây khó khăn cho nông dân, TCty VTNN nhập 6.000 tấn urê từ Trung Quốc. Hàng chưa về đến cảng Hải Phòng, ông Trần Văn Khánh chỉ đạo ký hợp đồng bán trả chậm cho Cty Thành Lợi, mức giá ấn định 2.665.000đ/tấn. Hợp đồng ký chưa khô mực, urê còn nguyên trên tàu vận tải, bên mua chưa thanh toán tiền, ông Khánh lại chỉ đạo ký hợp đồng mua urê của Cty Thành Lợi để bán lại cho các DN trực thuộc TCty làm nhiệm vụ phân phối, lúc này giá mua được đẩy lên 2.790.000 đ/tấn. Chỉ riêng hợp đồng này, ông Trần Văn Khánh làm lợi cho cho Cty Thành Lợi gần 750 triệu đồng, đương nhiên phần thiệt thuộc về TCty VTNN (sau đó là nông dân).

+ Theo sổ sách kế toán của TCty VTNN, tổng lợi nhuận sau thuế trong 5 năm 2001-2005 của Văn phòng TCty chỉ đạt 4 tỷ 413 triệu đồng; trong đó, năm đạt lợi nhuận cao nhất là 1 tỷ 97 triệu đồng, thấp nhất đạt 515 triệu đồng. Cũng trong 5 năm đó, riêng khoản chi tiếp khách của TCty hết gần 8 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng, TCty chi tiếp khách từ 90 – 170 triệu đồng.  

+ Tháng 4/1995, ông Trần Văn Khánh được bổ nhiệm làm TGĐ TCty VTNN. Mới chân ướt chân ráo từ Hải Phòng về Hà Nội nhậm chức, ông Khánh đã gấp rút cho xây nhà khách TCty loại sang, với diện tích hơn 200m2 gồm 4 phòng ở, 2 khu phụ, hết trên 500 triệu đồng. Nhà khách xây xong chưa ngày nào đón khách, đã được TGĐ cho họp liên tịch để tự phân cho mình làm chỗ ở (thời điểm này Chính phủ đã bỏ chính sách bao cấp nhà ở). Không lâu sau đó, TGĐ Trần Văn Khánh mua được nhà riêng tại một phố chính (biệt thự mặt phố), nhưng cũng không trả lại nhà khách. Để rồi, đến tháng 7/2002 ông Khánh được mua hoá giá căn hộ được xem là nhà khách của TCty. 

Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, trong 2 năm 2002 – 2003, ở những thời điểm thị trường phân bón nội địa “nhạy cảm” nhất và TCty VTNN ký được hợp đồng nhập khẩu urê giá thấp, ông Trần Văn Khánh chỉ đạo ký ít nhất 6 hợp đồng theo kiểu chuyển lãi từ TCty sang nhóm DN “sân sau”. Với cách làm: TCty nhập phân bón về, núp dưới hợp đồng uỷ thác hoặc hợp đồng mua-bán phân bón, bán nguyên cả tàu cho DN “sân sau”, rồi TCty mua lại hàng để và bán cho DN trực thuộc và khách hàng ngay tại mạn tàu nhập khẩu, ông Trần Văn Khánh đã chuyển “hợp pháp” trên 11 tỷ đồng lãi từ TCty sang mối làm ăn riêng. Ở những hợp đồng dạng này, DN “sân sau” không hề mất đồng chi phí vẫn ôm trọn khoản lãi cực lớn.

Nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh của TCty VTNN (khối văn phòng) trong năm 2002 và 2003, thấy rõ TGĐ Trần Văn Khánh đã vì “sân sau” làm đau “sân trước” đến mức độ nào: Lợi nhuận của TCty trong 2 năm chỉ đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong khi chỉ với lô hàng mua bán urê lòng vòng, ông Khánh đã làm lợi cho các “sân sau” trên 11 tỷ đồng. Chi li hơn, lợi nhuận năm 2002 của TCty VTNN thua xa khoản chuyển lãi trong 1 hợp đồng ông Khánh chỉ đạo TCty ký với Cty XNK Ba Đình vào tháng 8/2002 (991 triệu so với 2,8 tỷ đồng).

"Sân sau" Thành Lợi

Trở lại với “đối tác” ruột của ông TGĐ Trần Văn Khánh – Cty Thành Lợi. Hẳn là nhiều người chưa quên khách sạn cao 11 tầng ở số 120 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, là tài sản TCty VTNN tiếp nhận từ Cty Tiếp thị đầu tư NN&PTNT sau vụ án Lã Thị Kim Oanh. Vào thời điểm tiếp nhận (tháng 7/2003), khách sạn 2 mặt phối nằm tại vị trí đắc địa này được định giá trên 50 tỷ đồng. Với 53 phòng tiêu chuẩn 3 sao, diện tích xây dựng 3.496m2/276m2 mặt bằng, không khó để bắt khối tài sản khổng lồ này sinh lợi cho TCty VTNN.

Thế nhưng, sau khi tiếp nhận và cho sửa chữa nâng cấp hết gần 2 tỷ đồng, ông Khánh lập tức chỉ đạo ký hợp đồng cho Cty Thành Lợi thuê với mức giá rẻ bất ngờ: 50 triệu đồng/thàng, tức là chưa bằng tiền thuê 1 chiếc xe Mercedez hạng sang cũng từ Cty Thành Lợi! Nếu so với mức thuê phòng thấp nhất 45 USD/đêm mà Cty Thành Lợi tính giá cho khách hàng, thì khoản tiền thu về của TCty VTNN khác nào… “mắt muỗi”. Chưa kể, ông Khánh đã vô tư ban phát khoản 4,3 tỷ đồng cho Cty Thành Lợi đóng bàn, tủ, giường, mua chăn ga gối đệm, thậm chí cả đồng phục cho nhân viên.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.