| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ bên bờ vực

Thứ Sáu 16/09/2011 , 09:59 (GMT+7)

Cuộc sống thực tại của “làng Hàn Quốc” như một giấc mơ. Trước mắt những người đi XKLĐ là vậy, nhưng phía sau họ là cả chuỗi nhọc nhằn cay đắng.

Nhiều người dân ở Cương Gián lo lắng khi thấy những người đi XKLĐ sang Hàn Quốc bỏ ra ngoài bị trục xuất về VN

Cuộc sống thực tại của “làng Hàn Quốc” như một giấc mơ. Trước mắt những người đi XKLĐ là vậy, nhưng phía sau họ là cả chuỗi nhọc nhằn cay đắng. Có người vinh quang, có người lam lũ mấy năm trời lao động, trở về tay trắng nợ nần; cũng có những người tử nạn bên đất khách.

>> XKLĐ sang Hàn Quốc: Thăng hoa và nguy cơ sụp đổ!

Thế mà hiện không ít kẻ hám lợi ngang nhiên phá vỡ hợp đồng lao động, cư trú bất hợp pháp trở thành mối nguy hại khiến hàng ngàn lao động chân chính bị vạ lây…

Mấy tháng nay, Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Hoàng Đình Hùng như ngồi trên đống lửa bởi thông tin số con em lao động vượt rào cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc buộc phải về nước. Riêng xã Cương Gián có hơn ngàn trường hợp. Khi số lao động này trở về, chưa biết bao nhiêu hệ lụy sẽ bao trùm lên mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 3km2 với sức chứa trên dưới 1,4 vạn nhân khẩu này.

Cũng theo ông Hùng, Cương Gián có được cuộc sống như ngày hôm nay chủ yếu nhờ vào nguồn lợi XKLĐ từ Hàn Quốc. Ông Hùng nhớ lại, thời kỳ năm 1995 về trước, khi chưa có phong trào XKLĐ sang Hàn Quốc, Đài Loan, Cương Gián là một trong những xã nghèo nhất của huyện Nghi Xuân. Thời bấy giờ, xã có trên 60% hộ nghèo đói, bởi SXNN chỉ được một vụ; đất đai bạc màu, cây trồng không có hiệu quả. Nghề đánh bắt cá trên biển cũng chẳng ăn thua gì, may nhờ có nguồn XKLĐ nên nông dân Cương Gián mới mở mặt, mở mày ra được.

Nếu tới đây thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa, số lao động này phải về quê, nạn thất nghiệp, nợ nần, an ninh trật tự sẽ bất ổn. Ông Hùng nói như nghẹt thở: “Hiện tại hàng trăm hộ dân trong xã vay vốn ở các ngân hàng với tổng số vốn vay lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguy cơ vỡ nợ là rất cao. Vì thế, khi nghe tin số lao động trong xã phải về nước, cán bộ từ các ngân hàng vội vàng mang sổ sách về “nằm” ở xã chờ đòi nợ!".

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: Có tin Hàn Quốc cứng rắn buộc số lao động vi phạm hợp đồng phải về nước, đến nay đã có một số người trở về với tinh thần uể oải, lo lắng. Ngồi trầm tĩnh một lúc, ông Chủ tịch Mặt trận kể tiếp về quá khứ: Kể từ năm 1995 đến nay cả xã có đến hơn 20 người bị chết tại Hàn Quốc do tai nạn lao động, trong đó có 4 người chết mất tích, 2 người đưa được xác về quê, số nạn nhân còn lại đều được hỏa táng.

Chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Trương Văn Định (thôn Đông Tây) bị chết do tai nạn lao động. Ông Trương Tạo, bố của anh Định rưng rưng nước mắt kể với chúng tôi: “Do hoàn cảnh nghèo khó nên khi có phong trào đi XKLĐ ở Hàn Quốc con tôi vay mượn ngân hàng mấy chục triệu sang bên đó bươn chải lao động với mong muốn dành dụm một ít tiền, phần gửi về trả nợ, phần nữa nuôi vợ con, nhưng không may cho nó, trong lúc đang lao động thì bị tai nạn chết".

Ở bên này xa quá không sang nhìn được mặt con nhưng ông Tạo nghe nói Chính phủ Hàn Quốc quan tâm lo lắng đến nơi đến chốn đối với những lao động Việt Nam bị tử nạn. Sau khi Định mất được một thời gian, ông chủ bên đó thương hoàn cảnh éo le của gia đình nên gửi gấy mời từ Hàn Quốc sang Việt Nam đưa chị Nhung (vợ anh Định) sang để làm chế độ bảo hiểm cho chồng, đồng thời tạo công ăn việc làm ở bên đó một thời gian có tiền về nuôi con ăn học, xây dựng cuộc sống, ông Tạo cho biết thêm.

Rời nhà ông Tạo, chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Trương Huy Thanh, con trai ông Trương Đại Sửu (thôn Nam Mới). Anh Thanh cũng là một trong những nạn nhân bị chết do tai nạn lao động, được Chính phủ Hàn Quốc cho phép hỏa thiêu. Ông Sửu ghi nhận: “Có một số thông tin cho là lao động chết ở Hàn Quốc là do thế này thế nọ, nhưng thực ra gia đình tôi nhận được thông tin từ anh em họ hàng làm việc bên đó thì con tôi và một số người trong xã bị chết do tai nạn lao động trong lúc làm việc, cũng có người ngày làm việc đêm về nghỉ ngơi rồi bị chết đột tử trên giường chứ không phải vì lý do nào khác. Gia đình tui có người thân bị tử nạn rất cám ơn về sự chu đáo, tận tình từ phía Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam”.

Những địa phương có số lượng lao động xuất khẩu lớn sang Hàn Quốc đều chung một tâm trạng vui buồn lẫn lộn, bởi vinh quang thì có nhưng đắng cay cũng nhiều. Nếu phía Hàn Quốc trục xuất số lao động lâu năm buộc phải về nước và đóng cửa không tiếp nhận lao động Việt Nam, dẫn đến hàng chục ngàn lao động của cả nước nói chung và hàng ngàn lao động Hà Tĩnh nói riêng không xuất khẩu được, sẽ là một mối nguy lớn.

Rời xã Cương Gián, chúng tôi vượt đường dài gần trăm cây số tìm đến xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên. Khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu xung quanh vấn đề lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc, không chần chừ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lương liền vào cuộc: Cẩm Nam là xã thuần nông nên việc làm cho người lao động ở nông thôn còn khó khăn, khi phong trào XKLĐ rộ lên, Cẩm Nam bắt đầu nhập cuộc. Từ năm 2004 đến nay cả xã có trên 200 lao động làm việc tại các nước, trong đó chủ yếu là lao động làm việc ở Hàn Quốc, tất cả đều làm việc, chấp hành luật pháp 2 nước rất tốt, ai nấy đều có tiền gửi về giúp gia đình phát triển kinh tế.

Khi hỏi về sự cố đang xảy ra ở Hàn Quốc, Cẩm Nam có bao nhiều người vi phạm, Chủ tịch Lương khẳng định, cả xã chỉ có 1 trường hợp quá hợp đồng, hiện đang cư trú bất hợp pháp và một trường hợp chết do tai nạn lao động là anh Trần Hữu Quyền. Cũng theo ông Lương, hiện nay Cẩm Nam có đến 215 người đã vay mượn tiền ngân hàng, hoàn tất thủ tục để sang Hàn Quốc làm việc nhưng vì sự cố trên nên phải tạm dừng ở nhà, khó khăn chồng chất khó khăn, nợ ngân hàng không có trả.

“Chúng tôi hi vọng số người cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc nên sớm tự giác trở về nước để lấy lại lòng tin với nước bạn, nếu không thực hiện được điều đó, phía Hàn Quốc họ sẽ trục xuất toàn bộ lao động Việt Nam về nước thì có biết bao vấn đề phức tạp sẽ xảy ra: lao động thiếu việc làm, nợ nần chồng chất, an ninh xã hội bất ổn. Nghĩ đến cảnh tượng đó, chúng tôi thực sự lo ngại” - ông Lương lo lắng.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.