| Hotline: 0983.970.780

Đói nghèo còn gõ cửa nhiều nơi

Thứ Hai 19/03/2012 , 10:07 (GMT+7)

Ông Trần Hữu Trung, Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cảnh báo, thực trạng đói sẽ còn diễn ra ở nhiều địa phương nữa...

* Hơn 1,9 triệu người đang cần cứu đói

NNVN vừa có loạt bài: “Đối mặt với đói tháng ba”, phản ánh chân thực đời sống hiện nay của người dân một số vùng, cơm không có ăn, đến sắn cũng thiếu. Trao đổi với NNVN, ông Trần Hữu Trung, Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cảnh báo, thực trạng đó sẽ còn diễn ra ở nhiều địa phương nữa...

>> Kỳ cuối: Còn đói dài
>> Bài 5: Trở về tâm điểm đói Cao Bằng
>> Bài 4: Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa
>> Bài 3: Đói nghèo truyền kiếp
>> Bài 2: Đói ở bản tái định cư
>> Bài 1: Mùa đói trên núi cao
 

Ở Lai Châu, nhiều trẻ em thiếu dinh dưỡng vì đói nghèo

Dự báo bức tranh đói nghèo năm nay sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

Tôi cho rằng, không riêng gì một số vùng như báo NNVN phản ánh, đói nghèo còn gõ cửa ở nhiều nơi nữa. Nếu như cả năm 2011 chỉ có 22 tỉnh xin Chính phủ hỗ trợ cho các hộ đói nghèo thì đến năm 2012, tính đến ngày 2-3, đã có 17 tỉnh đề nghị Chính phủ cứu trợ rồi. Họ đã được phê duyệt gần 29.000 tấn lương thực để cứu đói cho 493.304 hộ với hơn 1,9 triệu người (trung bình 15kg/người/tháng).

Dẫn đầu là tỉnh Nghệ An xin cấp 9.000 tấn gạo cho gần 144.000 hộ với hơn 600.000 người thiếu đói; Điện Biên xin cấp 2.382 tấn gạo cho hơn 30.000 hộ với gần 134.000 người thiếu đói; Bình Định xin cấp 2.000 tấn gạo cho gần 123.000 người thiếu đói; Hà Tĩnh xin cấp 2.000 tấn gạo cho gần 153.000 người thiếu đói; Cao Bằng xin hỗ trợ 500 tấn gạo cho gần 5.000 hộ và xấp xỉ 26.000 người thiếu đói… Thấp nhất là tỉnh Kon Tum xin 390 tấn gạo cho 2.900 hộ với gần 13.000 người thiếu đói. Dự báo từ nay đến cuối năm còn có thêm nhiều tỉnh xin hỗ trợ cứu đói như thế này nữa.

Ngoài gạo ra Chính phủ có hỗ trợ gì nữa không?

Có thêm tiền nữa. Như năm 2011 chẳng hạn, với gần 29.000 tấn gạo để hỗ trợ cho 17 tỉnh, Chính phủ còn hỗ trợ thêm 660 tỷ đồng.

Trong bức tranh đói nghèo này, động thái của ngành Lao động Thương binh và Xã hội thế nào, thưa ông?

Ngay từ đầu năm, chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các tỉnh chủ động báo cáo về tình hình đói nghèo để gửi đề xuất Chính phủ cứu trợ. Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính thành lập hai đoàn đi kiểm tra tình hình đói nghèo tại Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng. Dự kiến đầu tháng 4, sẽ thành lập tiếp hai đoàn đi các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa để kiểm tra tình hình thiếu đói ở đây như thế nào. Theo quy định, chỉ khi nào các tỉnh có yêu cầu hỗ trợ gửi lên Bộ thì Bộ mới xem xét, tổng hợp và trình Chỉnh phủ phê duyệt.

Theo ông nguyên nhân sâu xa khiến cho các tỉnh khó thoát được hai chữ đói nghèo?

Có rất nhiều nguyên nhân, song lý do đầu tiên là bởi điều kiện khí hậu, đất đai những vùng đó quá khắc nghiệt, cằn cỗi, nông nghiệp không nuôi nổi con người. Việc làm khác lại khan hiếm bởi quá ít doanh nghiệp - nơi tạo công ăn việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người dân địa phương, dám lên những vùng như thế để đầu tư. 

Vậy làm thế nào để các địa phương có lối thoát nghèo, thưa ông?

Đây là một bài toán không thể tự mình trả lời được. Kể cả việc cứu trợ như hiện nay cũng chỉ là giải pháp mang tình thế, không bền vững. Theo tôi, thoát nghèo phải từ chính địa phương. Chính quyền phải tạo công ăn việc làm cho người dân ở ngay tại địa phương mình.

Xin cảm ơn ông!

 

* “Để đạt được Mục tiêu năm 2015 sẽ giảm một nửa trong gần 1 tỷ người đói và nghèo cùng cực đang là một thách thức vô cùng lớn đối với cả thế giới và các khu vực nói riêng. Nguyên nhân bởi hiện nay khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, suy giảm đất nông nghiệp và tài nguyên nước vẫn chưa buông tha nhân loại…” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nêu tại Hội nghị FAO lần thứ 31.

* Trong tổng số 22 tỉnh nghèo đói cần hỗ trợ năm 2011, dẫn đầu là Nghệ An với xấp xỉ 630.000 người cần hỗ trợ; Thanh Hóa có 283.466 người; Quảng Nam có 213.221 người; Bình Định có gần 190.000 người; Thừa Thiên Huế có 180.108 người… Ít nhất là Bắc Kạn với gần 9.000 người. (Trích từ báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH)

* Một nỗi buồn bi đát hiện rõ trên gương mặt anh Lò Văn Chô, Trưởng bản Pắc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu, anh lắc đầu chán nản: Thiếu ăn và thiếu cả nước sinh hoạt, đã mấy ngày nay nước sạch không về, cả bản phải xuống suối Nặm Bon gánh nước và tắm giặt. Đói quá, bà con đang đợi tiền hỗ trợ đời sống năm 2012, nhưng cán bộ bảo chưa có tiền, chẳng biết bao giờ mới có.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.