| Hotline: 0983.970.780

Sân golf - Không ai quản lý

Thứ Năm 07/05/2009 , 13:36 (GMT+7)

Chưa có một Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm quy hoạch sân golf. Do vậy, ở 39 tỉnh, thành phố, có tới 141 dự án xây dựng sân golf. Tại hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hôm qua (6/5), đa số ý kiến của các nhà khoa học đều lo ngại vấn đề sân golf gây ô nhiễm môi trường và chiếm dụng đất nông nghiệp.

Chưa có một Bộ, cơ quan quản lý Nhà nước nào chịu trách nhiệm quy hoạch sân golf. Do vậy, ở 39 tỉnh, thành phố, có tới 141 dự án xây dựng sân golf.

141 sân golf- mất toi 50.000ha đất

Theo GS Tôn Gia Huyên, Hội Tài nguyên – Môi trường, thì bình quân diện tích đất tự nhiên của Việt Nam tính theo đầu người gần thấp nhất thế giới (180/200 nước). Do vậy, không thể tùy tiện lấy đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” để làm sân golf. Cả nước hiện có 141 dự án sân golf ở 39 tỉnh, thành phố với gần 50 nghìn ha đất, trong đó có tới 2 nghìn ha đất lúa. Cá biệt, tại tỉnh Long An, tỉnh chủ yếu là đất nông nghiệp, có tới 13 dự án. Ông Huyên cảnh báo, những tỉnh thuần nông như Hưng Yên, Đồng Tháp…không nên theo đuổi sân golf.

Tại hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hôm qua (6/5), đa số ý kiến của các nhà khoa học đều lo ngại vấn đề sân golf gây ô nhiễm môi trường và chiếm dụng đất nông nghiệp. PGS Nguyễn Thị Trâm, Đại học Nông nghiệp Hà Nội nêu dẫn chứng về sân golf Tam Đảo gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường và các khu dân cư lân cận. Bà Trâm nói: “Từ khi sân golf Tam Đảo hoạt động thì năng suất cây trồng, vật nuôi của nhân dân quanh vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Sau một thời gian hoạt động, hiện tượng nước ngầm nhiễm chất asen đã bắt đầu xuất hiện”.

TS Nguyễn Đức Truyến, Viện Xã hội học:

“Sự phát triển ồ ạt các sân golf là dấu hiệu của xu hướng đô thị hoá không chú ý đến quy hoạch đô thị, tất yếu sẽ dẫn đến việc sử dụng đất đai không hợp lý, lãng phí tài nguyên (đất nông nghiệp) và gây khó khăn cho chính sự phát triển lâu dài của đô thị và của đất nước. Trên bình diện xã hội-chính trị, việc phát triển các sân golf được xem là hình thức thể thao giải trí của những người giàu đô thị nên có thể được coi là dấu hiệu của sự thừa nhận những bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo trong xã hội”.

Theo GS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, phải xác định và đánh giá những ảnh hưởng của sân golf đến môi trường thì mới có những kết luận cụ thể. “Hiện hội chúng tôi chưa có được những thiết bị, kinh phí để đánh giá tác động ấy, bởi mỗi sân golf cần tới khoảng 50 triệu đồng”, ông Nguyên nói.

TS Đỗ Thanh Bái, Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất cho biết, Nhật Bản vừa kiểm tra 247 sân golf và không sân golf nào vi phạm tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Như vậy có nghĩa, các chủ sân golf đã tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Còn hiện tại, ở Việt Nam, chưa có cơ quan nào đứng ra xây dựng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của sân golf.

GS Lê Văn Tiềm, Viện KHNN Việt Nam, cho rằng, hiện nay, với 141 dự án hiện nay, đa phần các dự án đều nằm trong khuôn khổ dự án du lịch sinh thái, resort…chứ rất ít có dự án sân golf riêng rẽ. Như vậy, mục đích chính của các dự án là chiếm đất. Vả lại, để xây dựng một sân golf, cần diện tích đất rất lớn. Nhưng xét về mục đích xã hội, sân golf lại sử dụng rất ít lao động. Đó là một nghịch lý.

“Ba không” trong quản lý sân golf

“Đó là không ai quản, không có quy hoạch và không có chuẩn kỹ thuật”, PGS – TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN- MT (Bộ TN- MT) cho biết. Ông Chinh nêu câu hỏi: “Sân golf thuộc ngành nào quản lý?”, rồi lại tự đưa ra câu trả lời: Không ngành nào cả. Lý giải điều này, ông cho rằng, các Bộ chủ quản được lập quy hoạch sử dụng đất cho ngành mình như Bộ Xây dựng, Bộ TN- MT, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch…đều không đưa sân golf vào danh mục. Do vậy, chắc chắn sẽ không thể có quy hoạch sân golf trong bất cứ một quy hoạch của chuyên ngành nào.

Theo thống kê của Hàn Quốc, quốc gia coi chơi golf là môn thể thao thịnh hành, lượng hóa chất dùng cho các sân golf đang có xu hướng tăng lên.

Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo, năm 2000, lượng hóa chất dùng cho 149 sân golf trên toàn đất nước đã tăng 2,2% so với năm 1999. Cường độ sử dụng hóa chất ở Hàn Quốc cũng tăng 2,3% (từ 10,2 kg/ha năm 1996 lên13,2 kg/ha năm 2000).

Còn tại Thái Lan, nước có đặc trưng khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, một năm người ta sử dụng trung bình khoảng 1.500 kg hóa chất là phân bón và thuốc trừ sâu cho 1 sân golf (cỡ trung bình), và một lượng nước ngang bằng với 60 nghìn dân ở nông thôn Thái Lan.

Điều đó cũng có nghĩa không có những quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cho từng loại sân golf. “Không khó khăn gì để khẳng định điều này, bởi lẽ hỏi bất cứ chủ sân golf nào, họ cũng sẽ trả lời là đang áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của Hàn Quốc, Nhật Bản, hoặc một nước nào đó, chứ không phải của Việt Nam, vì Việt Nam làm gì có tiêu chuẩn mà áp dụng”, ông Chinh bộc bạch. Từ đầu tháng 4/2009, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố có dự án sân golf phải báo cáo về quy hoạch và cấp phép sân golf. Tháng 5/2009 các cơ quan chức năng sẽ trả lời Chính phủ, song điều đáng nói là chưa một địa phương nào có quy hoạch sân golf gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch kinh tế - xã hội.

Không có quy hoạch sân golf sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu, trong đó có sự đánh giá không công bằng về tiện ích của sân golf, thậm chí tẩy chay nó kể cả khi nó đem lại những lợi ích cho cư dân lân cận. Song có thể phần nào khắc phục bằng việc sớm lập một bản đồ đánh giá môi trường và các quy định về bảo vệ các tài nguyên môi trường, hệ thống thuỷ lợi của khu vực và cần thiết hơn thế nữa là quy hoạch sân golf một cách bài bản ở tầm quốc gia.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

 “Không thể so sánh Việt Nam quá ít sân golf so với Thái Lan hay Nhật Bản. Thái Lan có số sân golf nhiều gấp đôi chúng ta, nhưng GDP/người của họ lại cao hơn chúng ta tới 4 lần. Số người có nhu cầu chơi golf của họ cũng nhiều hơn ta. Chẳng lẽ họ phải có số sân golf gấp chúng ta 4 lần?”

“Những rắc rối của vấn đề sân golf hầu như bắt đầu từ việc thu hồi đất. Chúng ta cho chính quyền lạm dụng quyền thu hồi đất quá mức, buộc nông dân phải trả đất lại cho Nhà nước. Hiến pháp chúng ta nói rõ Nhà nước chỉ thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, vì mục đích an ninh quốc phòng. Thu đất để phục vụ lợi ích kinh tế quốc gia thì chỉ có thể là khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu…Thu đất để giao cho nhà đầu tư làm sân golf chẳng lẽ cũng gọi là “phục vụ lợi ích kinh tế quốc gia!?”          

Ông Robert Bicknell – GĐ điều hành Cty CP Đầu tư và golf Tam Đảo:

 “Tôi lấy làm tiếc chỉ vì một CLB golf mà thời gian qua báo chí phải lên tiếng quá nhiều. Chúng ta có cần nhiều sân golf nữa không? Câu trả lời là có. Nhưng chỉ nên có thêm khi nhu cầu chơi golf tăng lên. Xây sân golf nhưng không ai chơi không có ích gì”

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.