| Hotline: 0983.970.780

Bồng Miêu sa khoáng hại người

Thứ Năm 07/04/2011 , 09:44 (GMT+7)

Tận mắt chứng kiến bãi vàng, tôi thấy cả khu rừng nguyên sinh mênh mông chỉ còn lại trơ gốc. Khắp các sườn núi, hàng trăm hầm hố sâu hoắm như bẫy người...

Nhờ người thỏa thuận và kèm theo một số cam kết như tiền công dẫn đường, không được tiết lộ danh tính, một nhóm người trú tại xã Tam Lãnh chuyên đi khai thác quặng vàng chui đã đồng ý đưa tôi đi vào các hang động tại mỏ vàng Bồng Miêu.

>> Những ẩn họa mang tên ''Lèn Cờ''

Tôi lập tức vượt gần 50 cây số bằng xe máy, cuốc bộ gần chục cây số đường rừng để có mặt tại vực AD, ngách Chụm thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam - nơi cách đây chưa lâu, ngày 14/3 đã xảy ra vụ sập hầm khiến một phu vàng chết thảm, một người khác bị thương nặng.

Tại khu vực mỏ núi đá cheo leo, vách đá sừng sững này, khi trời vừa tối, trong vai người khai thác quặng, tôi bắt đầu chuyến hành trình đi vào chốn vàng tặc. “Khu vực nầy mênh mông, với hàng trăm hang ngách ăn sâu vào núi hàng cây số, liên hoàn với nhau như một ma trận, nếu không thông thạo địa hình thì chỉ có nước ở lại luôn trong hầm lò này!” – một người trong nhóm cho hay. Anh này cũng cho biết, khai thác quặng chui tại mỏ vàng Bồng Miêu, kinh sợ nhất là ở trong các hầm lò lạnh mà người Pháp trước đây để lại.

Thực tế khi chui vào, tôi thấy còn đáng sợ hơn những gì họ nói. Dọc theo các hang động này, đá lởm chởm, ánh đèn pin không đủ sáng, nhiều chỗ khi quét đèn thấy động nứt nẻ toang hoáng, nước từ trên khe động nhỏ xuống tong tong khiến tôi ớn lạnh sởn da gà. “Sập hầm là chuyện thường. Bởi hang động đã hàng trăm năm, hơn nữa nhiều người vào đây giựt trụ!” - một phu vàng cho tôi biết thêm. Giựt trụ, theo giải thích là đục sập các trụ mà người Pháp khai thác trước đây chừa lại để chống, gánh hầm. Đảo mắt quan sát, tôi thấy nhiều chỗ sau khi phá trụ đã rộng như hội trường. Nguy cơ đổ sập là rất cao.

Những ngày cao điểm, khu vực hang động này có hàng trăm con người chui lủi khai thác quặng vàng trái phép. Lực lượng chức năng không rành hang ngách bằng họ, nên khi truy quét họ nấp đâu đấy, khi lực lượng này đi rồi thì họ tiếp tục công việc của mình. Minh chứng, trong hang động này, tôi vẫn thấy bóng nhiều người vác quặng di chuyển.

Tờ mờ sáng hôm sau, tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình đi đến bãi khai thác quặng lộ thiên tại bãi Đồi Sim. Ở đây, cho dù các cơ quan chức năng liên tục xuất hiện truy quét nhưng khi trời chưa sáng hẳn, đã có hàng trăm người hì hụi khai thác quặng vàng. Cũng như các bãi vàng khác ở Bồng Miêu, hình thức khai thác quặng ở Đồi Sim rất đa dạng. Có những người khai thác độc lập nhưng cũng có những nhóm thuê nhân công khai thác quặng vàng. Tất cả họ đều không có bảo hộ lao động, thậm chí đến chiếc khẩu trang cũng không có.

Anh Nguyễn Dũng, người Tam Ngọc, TP Tam Kỳ không có nghề nghiệp, bí bách đã dẫn cả gia đình gồm 3 cha con lên đây khai thác quặng. "Chẳng biết làm gì để kiếm sống thì phải lên đây thôi chú ơi! Chứ nghề ni gian khổ lắm, chết như bỡn” – ông Dũng nói. Qua tìm hiểu tôi còn được biết, ban ngày ở những khu vực Cty vàng bồng Miêu đánh mìn khai thác quặng, mìn vừa nổ, khói thuốc chưa tan, chưa kiểm tra độ an toàn hầm lò, những người săn vàng vẫn bất chấp hiểm nguy lao vào cướp quặng.

Lượn một vòng bãi Đồi Sim, tôi cuốc bộ thêm 7 cây số đường rừng để trở lại Thác Trắng, thuộc khu vực mỏ Bồng Miêu. Cả khu rừng nguyên sinh mênh mông chỉ còn lại trơ gốc. Khắp các sườn núi, hàng trăm hầm hố sâu hoắm như bẫy người. Anh Nguyễn Thanh Phong, một phu vàng quê ở xã Tam Đại (Phú Ninh) cho hay, hàng trăm người vừa chạy bán sống bán chết vì bị lực lượng chức năng đẩy đuổi. Nhưng khi lực lượng này rút, họ lại quay về mỏ cũ để đào bới. "Mỗi ngày vào đây, nguy hiểm chút nhưng còn kiếm dăm chục một trăm kiếm sống, chứ ở nhà vô công rồi nghề, vợ con khổ lây”- Phong than thở.

Mỏ vàng Bồng Miêu cách đây vài năm chỉ vài chục người đến khai thác trộm, nhưng đến thời điểm này, số lao động lên kiếm sa khoáng lên đến hàng nghìn. Lán trại mọc lên khắp nơi, máy nổ, máy khoan rình ràng cùng những phu mỏ. Trong số lao động làm những công việc nặng nhọc không ít người là phụ nữ. "Không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà tệ nạn xã hội cũng phát sinh đầy rẫy. Chính quyền địa phương cùng với công an tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng như muối bỏ bể. Về phần xã thì đã bất lực trước nạn khai thác trái phép vàng” - ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận.

Chỉ trong năm 2010, trên địa bàn hai huyện Phước Sơn và huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra gần 30 vụ sập hầm vàng, làm chết và bị thương hàng chục người. Mới đây nhất, ngày 14/3 tại ngách AD thuộc mỏ vàng Bồng Miêu đã sập hầm khai thác vàng làm Lê Văn Thủy (SN 1974, quê ở xã Tam Lãnh) chết tại chỗ và Nguyễn Văn Nhân (quê ở xã Tam Sơn, huyện Núi Thành) bị thương nặng.

Cũng trong ngày này, tại một hầm khai thác vàng trái phép ở thôn 5, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam đã xảy ra vụ sập hầm chết 2 người gồm Tống Phước Thuận (SN 1986, ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) và Trần Văn Tình (SN 1987, trú tại thôn 5, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam). Như vậy, chỉ trong một ngày (14/3), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hai vụ sạt lở hầm vàng khai thác trái phép làm thiệt mạng 3 “phu vàng” và một người bị thương.

Bồng Miêu chỉ là một trong những điểm đến của "vàng tặc". Tại Quảng Nam, rất nhiều mỏ vàng ở đây đang được các chủ bưởng phân chia khai thác. Các ông chủ này chẳng cần xin phép cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cứ mua sắm các phương tiện, công cụ, tuyển dụng lao động trái phép rồi vào đào núi, bạt rừng kiếm sa khoáng.

Sập hầm, chết người đã trở nên chuyện thường ngày ở các bãi vàng tỉnh Quảng Nam. Đơn cử như trường hợp Đinh Văn Phượng (SN 1968) cùng với em vợ là Đinh Văn Luân (SN 1979), cùng trú xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, rủ nhau vào Nghệ An thuê 10 nhân công đưa vào Quảng Nam để khai thác. Ngày 25/8/2010 Phượng và Luân đang tổ chức khai thác vàng trái phép tại thôn 10, xã Phước Hiệp thì bất ngờ đất sạt lở đè chết 2 nhân công. Tuy nhiên, những vụ như trên chỉ được xếp vào diện "lẻ tẻ" không thèm tính. 

Lớn hơn phải kể đến những vụ "chết tập thể" như như tháng 11/2009, tại khu vực sông Nước Vin thuộc xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, lở núi, sạt hầm khiến 13 người tử vong. Hay vụ xảy ra tháng 10/2008 khu vực Sũng Mùn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh đã chôn vùi 6 người dân trong xã đi tận thu vàng sa khoáng. Trước đó, tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn vào năm 2003 đã từng xảy ra vụ lở núi làm chết tại chỗ 15 công nhân đang ngủ, ba công nhân đang trực bị lũ cuốn trôi mất tích, bốn công nhân khác bị thương nặng...

Vùng đất Quảng Nam đã trở thành miền đất hứa trong mắt những người nghèo khổ. Điều này lí giải vì sao, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tiến hành truy quét, đẩy đuổi, nhưng ngay sau đó, số lượng phu vàng tìm đến lại càng đông gập bội. Trật tự bao giờ vãn hồi? Câu hỏi này đến nay chưa có lời đáp!

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm