Trước thềm kỷ niệm 5 năm thành lập Chi nhánh Agribank Tây Nghệ An, cán bộ và nhân viên Chi nhánh nhận được Thư chúc mừng của ông Phạm Đức Ấn, Bí thư Đảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Việt Nam.
Trong thư ông Ấn khẳng định, hoạt động tại khu vực miền núi, biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn, Agribank Chi nhánh Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực vượt khó, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp phần thay đổi toàn diện tích cực các huyện vùng cao Nghệ An. Những kết quả đạt được của Agribank Tây Nghệ An đã góp phần vào thành công chung của Agribank.
Tổng nguồn vốn và dư nợ đạt hơn 20.000 tỷ đồng
Nhân dịp này NNVN cũng xin được chúc mừng về những thành tựu của Agribank Chi nhánh Tây Nghệ An trong hành trình xây dựng và phát triển. Để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn, NNVN có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Giám đốc Agribank Tây Nghệ An về chặng đường 5 năm qua và đường hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Theo ông Hoàn, hoạt động tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một bộ phận cấu thành trong sự phát triển nền kinh tế. Quyết định của HĐTV Ngân hàng NN – PTNT Việt Nam trong việc chia tách Agribank Chi nhánh Nghệ An thành 3 đơn vị cấp I hoạt động độc lập đã mở ra một sức bật mới cho hoạt động tín dụng tại địa bàn này kể từ 2018 đến nay.
Sức bật mới đó là gì và vì sao lại phải chia tách, thưa ông?
Sức bật mới nhất, theo tôi đó chính là tạo ra được không khí làm việc có động lực trong mỗi cán bộ, nhân viên. Để có được điều này chính là ở sự tập hợp khối đoàn kết trong cơ quan và vai trò của người đứng đầu ở các bộ phận được coi trọng.
Agribank Tây Nghệ An ở địa bàn miền núi không ít khó khăn, hoạt động chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của bà con nông dân là chính, vì thế Agribank Tây Nghệ An luôn nỗ lực, sáng tạo. Nhờ đó nguồn vốn huy động và dư nợ của đơn vị năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ nợ xấu thấp, đời sống người lao động được nâng lên.
Còn lý do chia tách là thực hiện theo lộ trình cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của Agribank. Đặc biệt là tổ chức mạng lưới các Chi nhánh để quản lý, phục vụ khách hàng tốt hơn, sâu sát hơn; nhất là quản lý đồng vốn và quản trị rủi ro.
Nghệ An là tỉnh lớn, quy mô gần như lớn nhất cả nước tại thời điểm đó nên việc chia tách Agribank Nghệ An thành 3 đơn vị cấp 1 là hoàn toàn đúng đắn. Lúc đó Nghệ An có 22 chi nhánh cấp 2, tổng nguồn vốn hơn 20.000 tỷ đồng; tổng dư nợ hơn 18.000 tỷ đồng. Do quy mô lớn nên muốn tốt hơn nữa thì phải chia tách.
Tại thời điểm chia tách thì vùng Tây Nghệ An có 9 đơn vị cấp 2, tổng nguồn vốn 5.100 tỷ đồng; dư nợ 5.600 tỷ đồng, có 262 cán bộ, nhân viên.
Sau 5 năm chia tách, nhìn lại thấy quy mô tăng trưởng hàng năm đều rất tốt. Đến 31/10/2022, tổng nguồn vốn đạt 9.870 tỷ đồng; dư nợ 10.260 tỷ đồng; Nợ xấu chiếm 0,5%; dịch vụ thu được 40 tỷ đồng/năm 2022.
Đêm đầu tiên nhiều người khóc
Khu vực có 10 huyện miền núi, trong đó có 4 huyện thuộc 30a rất khó khăn. Địa bàn rộng, cách trở, đi lại khó khăn, mật độ dân cư thấp, doanh nghiệp ít và chủ yếu rất nhỏ nên hoạt động của chi nhánh cũng tập trung cho tam nông. Vậy đâu là điểm nổi bật của Chi nhánh trong 5 năm qua, thưa ông?
Trong 10.260 tỷ đồng tiền vốn thì có 90% tổng nguồn vốn cho vay tam nông. Vì thế điều nổi bật trong 5 năm nhìn lại là quy mô tăng trưởng khá. Công tác quản lý ngày càng tốt hơn, bài bản; nợ xấu thấp. Tinh thần đoàn kết cao; sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền càng ngày gắn kết chặt chẽ. Công tác chăm sóc khách hàng trách nhiệm cao được người dân tin tưởng, đồng hành, ủng hộ.
Đơn vị đã xây dựng được nền tảng văn hoá phục vụ tốt cho sự nghiệp chung để lại dấu ấn tốt đẹp đối với khách hàng, đặc biệt là đồng bào dân tộc, miền núi. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên hoạt động hiệu quả, vững mạnh. Công tác an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm và được xã hội ghi nhận. Hàng năm đơn vị được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bên cạnh thuận lợi, khó khăn cũng còn nhiều. Mặt bằng môi trường kinh doanh khó khăn vì địa bàn miền núi, có 4 huyện nghèo, không có nhiều doanh nghiệp và số doanh nghiệp nhỏ chiếm phần lớn. Không có doanh nghiệp chủ lực trụ cột.
Trình độ cán bộ chưa đạt yêu cầu chung hiện đại hóa của khách hàng. Khi tuyển dụng thì lên vùng này vài ba năm lại xin về xuôi nên tình trạng không ổn định, dẫn đến thiếu hụt lao động. Những năm đầu rất khó khăn nên để khắc phục rất vất vả. Sau đó Chi nhánh đặt mục tiêu tuyển dụng tại chỗ, huyện nào tuyển người tại địa bàn đó để giữ chân.
Bây giờ thì yên tâm. Chi nhánh đặc biệt quan tâm chọn lọc cán bộ giỏi để đào tạo. Thời gian đầu chọn được 20 người xuất sắc từ xét tuyển của các trường uy tín. Giờ lớp này làm rất tốt, một số đã trưởng thành làm lãnh đạo. Việc trẻ hóa chất lượng cán bộ được chú trọng ngay từ đầu vì thế mà tạo động lực và từng bước giải quyết dứt điểm thiếu hụt, giữ chân được người giỏi phục vụ khách hàng.
Tôi còn nhớ khi chia tách, Chi nhánh không có đội ngũ tin học. Sau một thời gian ngắn cũng giải quyết dứt điểm việc này. Mấy năm gần đây đội ngũ tin học đã có nhiều sáng kiến để Agribank áp dụng, ví dụ như phần mềm thiết lập hồ sơ cho vay APC. Khi thẩm định hồ sơ được chuyên môn hóa trong toàn chi nhánh và được nhiều chi nhánh áp dụng. Hay như phần mềm thi nghiệp vụ cả 100 người, chấm tự động nhằm tăng trình độ năng lực cán bộ, nhân viên.
Xin hỏi ông điều này, thời gian đầu sau chia tách, tâm tư của anh em cán bộ thế nào và toàn đơn vị đã có những giải pháp căn cơ gì để nhanh tạo được nền tảng có uy tín và thương hiệu mạnh như hiện nay của ngành ngân hàng khu vực miền Tây Nghệ An?
Khi mới chia tách, cán bộ chủ chốt từ thành phố Vinh sôi động, tráng lệ lên đây, anh em rất tâm tư vì khó khăn nhiều mặt, nhất là đi lại, điều kiện ăn ở, sinh hoạt… Đêm đầu tiên nhiều người khóc vì xa nhà và lo lắng. Thực tế nhìn không gian là vất vả hơn nhiều. Sau mấy tháng thì họ thấy được niềm vui để gắn bó. Họ xem như một thay đổi cho sự phát triển.
Song, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhất là HĐTV cũng như người đứng đầu Agribank nên chúng tôi đã nhanh chóng có các giải pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để vừa trang bị, sửa chữa và bố trí phòng làm việc khang trang, sạch đẹp để anh em yên tâm làm việc.
Cùng với đó là chuẩn bị chu đáo chỗ ở cho anh chị em (số ở xuôi lên đây công tác). Sau 1 tháng toàn bộ không gian làm việc và nhà ở công vụ được sửa sang lại hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu hoạt động của đơn vị. Đến giờ phút này, có thể khẳng định, chúng tôi đã làm tốt sứ mệnh được giao của Agribank tại miền Tây Nghệ An. Tin tưởng tương lai sẽ có nhiều khởi sắc.
Xin chúc mừng và trân trọng cảm ơn ông!
Đề cập đến một kiến nghị, ông Hoàn chia sẻ, Tây Nghệ An là Chi nhánh duy nhất sau chia tách trụ sở ở xa trung tâm và xa trụ sở cũ đến 90km. Các tỉnh khác, sau chia tách thì hội sở cũng quanh quanh hoặc ở ngay trong thành phố, gần với trụ sở cũ.
Hiện vùng Tây Nghệ An vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng nên việc tạo đột phá mạnh mẽ là truân chuyên lắm. Để có quy mô đồng vốn lớn hơn cần mở rộng địa bàn vay hoặc hợp vốn với các Chi nhánh trong cùng hệ thống. Mong muốn Agribank có chính sách đặc thù cho những địa bàn tương tự như Chi nhánh Tây Nghệ An. Có như vậy trong những việc chung anh em không cảm thấy thua thiệt.