| Hotline: 0983.970.780

Ai cũng bật khóc khi đến nơi này

Thứ Tư 07/05/2014 , 13:27 (GMT+7)

Tỉnh Điện Biên có ba nghĩa trang liệt sĩ là nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sỹ đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Rất khó để kìm được nước mắt khi đến đây.

Đó là các Nghĩa trang Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên và Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam.

Nước mắt trần gian, nụ cười chốn vĩnh hằng

Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên nằm ngay dưới chân đồi A1 (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ). Trước mặt là con đường lớn nhất thành phố vừa được đổi tên từ đường 7-5 thành đường Võ Nguyên Giáp cách đây mấy ngày.

Nhìn bên ngoài, nghĩa trang giống như một tòa thành cổ trầm mặc, yên bình, linh thiêng. Hai bên cổng là những bức phù điêu chạy dài mô phỏng nhiều sự kiện trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đài tưởng niệm màu trắng hình chữ A cách điệu bên cạnh lầu chuông cao vút. Những bức tường lưu danh hàng ngàn cái tên của những anh hùng đang yên nghỉ.

Bức tường thường được gọi là bảng vàng, chỉ có tên thôi, còn phần mộ thì không phân biệt được ai với ai cả. Mà kể cả trên bảng vàng, tên tuổi, năm sinh năm mất, quê quán cũng không thể nào đầy đủ được.

Có những liệt sĩ chỉ có vỏn vẹn một thông tin duy nhất: Đồng chí Nặn, đồng chí Thị Bảy... Rất nhiều liệt sĩ không rõ quê quán ở đâu cho dù khi dựng lên bảng vàng người ta đã cố gắng phân chia danh sách các liệt sỹ theo từng tỉnh thành.

Nhưng có lẽ không sao cả. Những anh hùng ngã xuống cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... có thể đến từ nhiều vùng quê, nhiều dân tộc khác nhau rồi nằm lại đất này có chung một lý tưởng: Vì Tổ quốc Việt Nam. Ngoài 4 ngôi mộ lớn nhất nằm gần tượng đài của 4 người anh hùng lừng lẫy Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn và Trần Can thì hơn 640 ngôi mộ còn lại, rất ít bia đá có đề tên, nhưng chắc chắn họ không vô danh.

15-39-30_nh6
15-39-30_nh7
Mộ anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn

Từ hơn 10 ngày trước, tôi đã thấy nhiều người ngồi khóc bên những ngôi mộ không tên như vậy. Có người già, người trẻ. Có những cựu chiến binh, có cả những người dân lao động bình thường...

Nguyễn Hoàng Long, một thanh niên quê ở Quảng Ninh, sau khi đi thắp hương một lượt hàng trăm ngôi mộ đã chia sẻ thế này: "Hầu hết các liệt sĩ còn quá trẻ, chỉ mới mười chín đôi mươi.

Có những người mới nhập ngũ vài ngày đã ngã xuống. Khi họ mất, nhiều người còn ít tuổi hơn cả em bây giờ. Lên đây với các anh mới thấy rằng, những bon chen, tính toán trong cuộc sống trở thành điều em cảm thấy vô cùng xấu hổ". Tôi hơi bất ngờ khi thấy Long rơi nước mắt.

Bó hương trên tay người cựu binh già Nguyễn Hữu Chấp lần lượt vơi đi rồi hết nhẵn. Hết bó này đến bó khác cho đến khi thắp hết 644 ngôi mộ và một nén hương trên đài tưởng niệm, ông ngồi trầm ngâm, nước mắt lặng lẽ rơi.

Ông Chấp từng là khẩu đội trưởng khẩu đội cối 82, Sư đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng Năm lịch sử ông lại lặn lội lên với những đồng đội đã nằm lại lòng chảo Mường Thanh, an nghỉ tại nghĩa trang đồi A1.

“Ngay trước ngày giải phóng Điện Biên Phủ, khẩu đội tôi có 12 người thì đã hi sinh mất 8. Xương cốt họ chắc chắn nằm đâu đó trong nghĩa trang liệt sĩ này. Họ có tên trên bảng vàng, có quê quán, có gia đình, nhưng có lẽ ai cũng muốn nằm lại nơi này với đồng đội. Nhiều lúc tôi tự dặn lòng không khóc nữa, vì những sự hi sinh của đồng đội rất đáng để tự hào. Nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cảm giác họ ngã xuống ở giây phút chiến thắng cận kề lại không cầm nổi nước mắt”, ông Chấp gạt nước mắt.

Có lẽ tôi không đủ trải nghiệm để có thể chia sẻ cảm xúc với những người như ông Chấp, nhất là khi ông kể một câu chuyện. 10 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên.

Nơi đầu tiên Đại tướng đến là Nghĩa trang đồi A1. Gặp gỡ những cựu binh năm xưa, Đại tướng có nói một câu khiến mọi người ôm nhau khóc òa: Chúng ta gặp lại nhau đây là hạnh phúc rồi.

15-39-30_nh4Hàng trăm nấm mồ chưa biết tên

Một người đàn ông khác cũng lặng lẽ ngồi khóc, nhưng là bên một ngôi mộ được đề tên tuổi hẳn hoi. Ông Nguyễn Hữu Kính, người dưới mộ là cha ông, liệt sĩ Nguyễn Hữu Coong, hi sinh ngày 4/10/1953.

Ông Kính kể với tôi rằng, phải đến năm 2000 gia đình ông mới tìm được mộ cha mình ở đây. Bao nhiêu vất vả, bao nhiêu cảm xúc dồn nén nhưng gia đình ông quyết định để liệt sĩ Coong nằm lại đồi A1, nơi ông đã hi sinh, nơi ông có những đồng đội của mình.

Đi cùng đoàn Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), bà Lư Thị Hải Đường cầm theo một bức di ảnh. Chồng bà trước khi mất có dặn vợ con cố gắng tìm được mộ của ông chú là liệt sĩ Lê Đình Tam nên lần lên Điện Biên này bà đã cố dò la, bỏ công đi tìm. Nhưng cũng giống như hàng ngàn gia đình khác, tâm nguyện của bà chưa thực hiện được.

Mới đầu tôi cứ tưởng ông Bùi Vị Lương (1946) quê ở thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh là người lẩn thẩn.

Bởi vì khi tôi đến nơi này thì nhiều người nói rằng đã thấy ông nấu cơm để lên các phần mộ liệt sĩ, chia đều hương cho các ngôi mộ, ngày nào cũng ngồi khóc ở các nghĩa trang độ hơn chục ngày nay rồi.

Nhưng không phải. Ông Lương từng là bộ đội đi vác lựu đạn, tải gạo ở chiến trường Quảng Trị, lại cùng quê với anh hùng Phan Đình Giót nên nhiều lần muốn lên Điện Biên mà chưa có điều kiện.

Đợt này, cả nước kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên nên ông quyết tâm đi dù trong túi chỉ có 200 ngàn đồng. Xe thì của các đoàn cựu chiến binh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm.

Không quan trọng, miễn là ông được lên đây một lần với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ở lại với Điện Biên lịch sử

Phải ngồi đợi rất lâu tôi mới gặp được vợ chồng anh Vương Xuân Thấm (1967) và chị Nguyễn Thị Miến (1970), những người đang thay nhau trông coi nghĩa trang đồi A1 và nghĩa trang Độc Lập. Chuyện của họ giống như một nén hương thơm mà lớp hậu thế hôm nay gửi đến những bậc tiền nhân anh hùng.

15-39-30_nh3
Chị Miến đang chăm sóc nghĩa trang đồi A1

Những ngày này, các khu nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên lúc nào cũng tấp nập biển người. Công việc của vợ chồng Thấm vất vả hơn gấp bội. Hết giúp người đến viếng dâng hương lại dọn dẹp, nhặt nhạnh để lúc nào nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ cũng được gọn gàng, sạch sẽ.

Vợ chồng Thấm vốn là cán bộ xã Thanh Nưa. Anh là Trưởng ban Văn hóa, chị làm Hội Phụ nữ xã. Một ngày cách đây hơn 10 năm, sau khi cùng gia đình lên viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang đồi A1 về, họ bàn nhau xin nghỉ việc ở xã, tình nguyện ra trông coi các nghĩa trang.

“Những người đang nằm sâu dưới lòng đất kia, họ đã cống hiến xương máu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay.

Chúng tôi là thế hệ đi sau, cảm thấy mình cần làm điều gì đó để góp một phần nhỏ công sức của mình thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà thôi”, cả hai vợ chồng đều giải thích với tôi như thế.

Hơn 10 năm làm việc ở nghĩa trang, chưa bao giờ họ cảm thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình, ngược lại, cả hai vợ chồng đều cảm nhận được cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn, nhân văn hơn. “Làm việc ở đây, chứng kiến nhiều người lên Điện Biên với một ước nguyện duy nhất là được thắp một nén nhang cho người thân của mình nhưng không tìm được. Chứng kiến nhiều câu chuyện vừa cảm động, vừa xót xa giúp chúng tôi cảm nhận thêm những mất mát, hi sinh mà chiến tranh mang đến”.

Khi tôi dự Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ Điện Biên Phủ ngày 25/4 vừa rồi tại nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 có nghe Thượng tọa Thích Đức Thiện, Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng: Đây là sự tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để những người anh hùng dân tộc tộc được siêu thoát, mỉm cười ở cõi vĩnh hằng.

Thấm kể, cách đây 3 năm, hai vợ chồng anh gặp một bà cụ quê tận trong Hà Tĩnh lên nghĩa trang đồi A1 gào khóc thống thiết.

Thì ra, trước lúc mất, chồng của bà có một tâm nguyện được thắp nén nhang cho người anh trai đã nằm lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi còn quá trẻ.

Nhà họ nghèo đến nỗi, cuối đời, ước nguyện đó vẫn không thực hiện được. Chồng mất, bà quyết định bán nốt thóc trong nhà để thuê xe lên Điện Biên thực hiện tâm nguyện.

Đi hết nghĩa trang Độc Lập, nghĩa trang đồi A1, nghĩa trang Him Lam bà gào lên khóc. Khóc vì không tìm được mộ anh chồng, khóc vì chứng kiến hàng ngàn ngôi mộ không thể tìm được tên tuổi. Chứng kiến cảnh ấy, vợ chồng Thấm giữ bà ở lại vài ngày rồi bỏ tiền túi để bà về quê.

Hay như trường hợp ông Minh (60 tuổi) ở TP Hải Phòng, con trai duy nhất của một liệt sỹ đã hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bố ông lên đường nhập ngũ khi ông mới 3 tháng tuổi rồi hi sinh.

Mẹ ông một mình nuôi con, trước lúc mất bà muốn ông thực hiện lời hứa đưa hài cốt bố mình về quê an táng. Nhưng cả trăm lần đi lại, ông Minh không có cách nào tìm được bố mình giữa một rừng mộ chưa biết tên ở chiến trường Điện Biên.

Thấm dẫn tôi lên phía trên nghĩa trang một đoạn, đỉnh đồi A1. Ở đó có một ngôi mộ chung của 4 chiến sĩ Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102. Không tên, không tuổi, không năm sinh. Chỉ biết họ đã cùng nhau hi sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954.

Anh ngậm ngùi: Dưới lớp đất đá, cỏ cây trên ngọn đồi A1 này không biết còn bao nhiêu hài cốt chưa được quy tập, còn bao nhiêu liệt sĩ chưa biết tên thì còn chừng đó nỗi đau thương, mất mát của của gia đình. So với họ, công việc của vợ chồng tôi có thấm tháp vào đâu.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm