| Hotline: 0983.970.780

Ai giám sát hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng?

Thứ Hai 01/06/2020 , 11:10 (GMT+7)

Do thiếu cơ chế giám sát, nên hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có nguy cơ thiếu minh bạch, mất công bằng giữa các địa phương, giữa các chủ rừng.

Quang cảnh tại hội thảo.

Quang cảnh tại hội thảo.

Vấn đề này được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo: “Tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam tổ chức mới đây.

Nguy cơ thiếu minh bạch

 Ông Nguyễn Bá Ngãi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được đánh giá là một trong những chính sách lâm nghiệp đột phá của Việt Nam thông qua nhiều thành tựu có ý nghĩa sau gần 10 năm áp dụng trong toàn quốc.

Bên cạnh những đóng góp đáng ghi nhận về mặt kinh tế hay sinh kế người dân, thực tiễn chi trả DVMTR cho thấy chính sách này cũng đã có những tác động đáng kể đến sắp xếp tổ chức và thể chế quản lý lâm nghiệp tại các địa phương theo hướng xã hội hoá – tăng cường sự tham gia của nhiều bên theo cơ chế đảm bảo chi trả dựa vào kết quả bảo vệ rừng.

Ông Ngãi cho hay, bình quân hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cả nước thu được 1.300 tỷ đồng, chiếm 22% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp.

Số tiền này đã được chi trả cho 418.731 chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng, trong đó có 417.676 hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư và 1.055 tổ chức. Qua đó, quản lý và bảo vệ hiệu quả khoảng 5,98 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích rừng cả nước.

“Mặc dù trong 9 năm thực hiện chi trả DVMTR trên phạm vi 45 tỉnh, gần 500 huyện, 4.750 xã, nhưng chi trả DVMTR đang thiếu cơ chế và hệ thống giám sát đánh giá; thiếu quy định chung về bộ chỉ số giám sát; thiếu quy định ràng buộc về trách nhiệm giám sát và báo cáo giữa các cấp, giữa các bên liên quan”.

 Tại hội thảo nhiều chuyên gia nêu vấn đề, do thiếu cơ chế giám sát, nên việc chi trả DVMTR đang có nguy cơ thiếu minh bạch, mất công bằng giữa các địa phương, giữa các chủ rừng.

Có trường hợp, hai mảnh rừng ở rất gần nhau, nhưng vì thuộc hai tỉnh khác nhau, nên một bên thì được trả 600 nghìn đồng/ha tiền DVMTR, nhưng rừng ở tỉnh bên cạnh chỉ được trả 100 nghìn đồng/ha. Việc không có cơ chế, công cụ đánh giá và giám sát, có nguy cơ tạo kẽ hở dẫn đến việc “rút ruột” khoản tiền này.

 Ông Nguyễn Chiến Cường, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, hướng tới mục tiêu đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của chính sách, từ năm 2014, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện các nghiên cứu độc lập cũng như phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các tỉnh nhằm thiết kế, thử nghiệm hệ thống giám sát – đánh giá tuân thủ, thực hiện và tác động của chính sách chi trả DVMTR.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tiến trình này tại Việt Nam cũng đã và đang vướng phải nhiều câu hỏi và thách thức.

Vấn đề đặt ra là, các nguyên tắc và tiêu chuẩn giám sát – đánh giá cho chính sách này cần được hiểu và thiết kế như thế nào để vừa thể hiện được tính đặc thù vừa hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế, đạt được các mục tiêu kỳ vọng, đồng thời duy trì tính bền vững và cải thiện hiệu quả của chính sách?

Cần xây dựng hệ thống giám sát nhất quán

 Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature nêu vấn đề, các số liệu phục vụ cho việc giám sát, đánh giá chi trả DVMTR hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ. Hệ thống chi trả DVMTR chưa lồng ghép được vào các hệ thống giám sát môi trường và giám sát rừng khác hiện có (ví dụ như hệ thống kiểm lâm, FOMIS hay REDD+).

Một số Quỹ của các tỉnh hiện đang sử dụng số liệu về diễn biến rừng từ kiểm lâm nhưng số liệu này chưa phải là số liệu giám sát thực hiện chi trả DVMTR. Bên cạnh đó, theo chia sẻ của nhiều cơ quan cấp tỉnh, các hướng dẫn hiện hành về giám sát, báo cáo, đánh giá chi trả DVMTR và sinh kế địa phương tương đối khó khăn, dẫn đến việc không thể xây dựng hệ thống nhất quán từ địa phương.

 Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN- PTNT chia sẻ: “Từ khi bắt đầu xây dựng cơ chế chi trả DVMTR, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề giám sát đánh giá. Tuy nhiên, thời điểm đó đã chưa thể đưa ra được những quy định cụ thể (cho đến ngày tôi nghỉ hưu).

Lý do thì có nhiều, nhưng đây là vấn đề mới, một vấn đề không dễ và cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Khi nói tới giám sát – đánh giá, có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Ai là người có nhu cầu giám sát đánh giá? Giám sát đánh giá ai? Nội dung cũng như phạm vi giám sát đánh giá  là gì? Các kết quả và các vấn đề sau giám sát đánh giá sẽ được xử lý ra sao?”.

 Ông Hứa Đức Nhị cho rằng, chi trả DVMTR tại Việt Nam, khi xây dựng  trình Chính phủ ban hành Nghị định, về bản chất, là việc người (hay đối tượng) sử dụng DVMTR chi trả tiền cho người có rừng (hay chủ rừng). Do đó, chi trả DVMTR là mối quan hệ chi trả dịch vụ giữa hai bên, tức là giữa người sử dụng dịch vụ và người có rừng để tạo ra dịch vụ đó.

 Với mối quan hệ có tính dân sự, nhưng đã được luật hóa, nhu cầu giám sát – đánh giá do đó sẽ cần có ở 3 đối tượng tham gia và kiểm tra chéo giữa các đối tượng. Người nhận chi trả, tức là các chủ rừng (hoặc người tham gia quản lý, bảo vệ rừng) và người chi trả có thể giám sát lẫn nhau về việc thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Người chi trả và người nhận chi trả cũng có thể giám sát tổ chức mà mình ủy thác, ở đây là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng về việc thực hiện những nội dung được ủy thác cũng như các quy định liên quan của luật pháp.

Xuất phát từ yêu cầu thực hiện chi trả DVMTR, các đại biểu, các chuyên gia kiến nghị Bộ NN- PTNT cần kịp thời xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR thống nhất trên phạm vi cả nước. Hệ thống giám sát và đánh giá chi trả DVMTR cần thiết lập bộ chỉ số cho 4 nhóm chỉ tiêu: thể chế, kinh tế, xã hội và môi trường, phát triển phương pháp và bộ công cụ phù hợp và hình thành hệ thống tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá chi trả DVMTR.

Kiến nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trung ương cần phối hợp với các quỹ tỉnh và các chương trình, dự án tiếp tục nghiên cứu, thí điểm, tổng kết, tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn giám sát và đánh giá chi trả DVMTR.

  • Tags:
Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.