| Hotline: 0983.970.780

Ai rót tiền vào các dự án điện gió tỷ đô của Tài Tâm?

Thứ Tư 29/09/2021 , 12:21 (GMT+7)

Việc các dự án điện gió nghìn tỷ của doanh nghiệp Tài Tâm phải đi vay ngân hàng đến 80% có phải là áp lực buộc triển khai dự án bằng mọi giá?

Dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm. Ảnh: Công Điền. 

Dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm. Ảnh: Công Điền. 

Cần phải xác minh những khoản vay hàng chục nghìn tỷ của Tài Tâm

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty TNHH Tài Tâm đã trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tái tạo tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như tỉnh Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau. Có một điểm chung ở các dự án điện gió liên quan đến doanh nghiệp Tài Tâm là các công ty được thành lập với vốn điều lệ khá thấp, nguồn vốn thực hiện dự án điện gió chủ yếu là đi vay, vốn góp chỉ chiếm khoảng 20%, mức thấp nhất bắt buộc chủ đầu tư phải huy động được theo quy định.

Cụ thể, Nhà máy điện gió Tài Tâm tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, cơ cấu vốn dự án gồm 20% vốn góp huy động, 80% là vốn vay tương đương 1.440 tỷ đồng. 

Nhà máy điện gió Hưng Bắc ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Sài Gòn – Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc đề xuất, tổng mức đầu tư 3.566 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện đa phần là đi vay ngân hàng.

Các chủ đầu tư liên quan đến doanh nghiệp Tài Tâm cùng lúc thực hiện hàng loạt dự án điện gió nghìn tỷ. Ảnh: Công Điền. 

Các chủ đầu tư liên quan đến doanh nghiệp Tài Tâm cùng lúc thực hiện hàng loạt dự án điện gió nghìn tỷ. Ảnh: Công Điền. 

Nhà máy điện gió Hoàng Hải ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị đầu tư tổng mức 1.700 tỷ đồng (chủ đầu tư góp 340 tỷ đồng, còn lại 1.360 tỷ đồng là đi vay).

Nhà máy điện gió Phương Bắc – Trà Vinh 1 ngoài khơi xã Tường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc và Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Hưng Bắc, tổng mức đầu tư 15.931 tỷ đồng, 80% là tiền đi vay.

Nhà máy điện gió Thạnh Phú tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre do liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4.996 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay nước ngoài với lãi suất vay 4%/năm trong 12 năm.

Nhà máy điện gió Viên An tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau do liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phương Bắc đầu tư 7.296 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư là 20% vốn tự có, còn lại là vốn vay với lãi suất 10,5%/năm.

Tính ra các ngân hàng trong và ngoài nước đã rót vào những dự án điện gió của Tài Tâm hàng chục nghìn tỷ đồng, bất chấp thủ tục pháp lý, tiến độ thực hiện dự án và phương án tài chính của doanh nghiệp này khó có thể đáp ứng so với kế hoạch ban đầu.

Điều đáng chú ý là báo cáo tài chính hàng năm của Công ty TNHH Tài Tâm không đề cập đến các khoản đầu tư, góp vốn vào các dự án điện gió. Điều này khiến những nghi vấn về việc doanh nghiệp này xin chủ trương đầu tư các dự án điện gió sau đó đem bán không phải là không có cơ sở. Mặt khác, những quy định về tài chính, vốn góp của các doanh nghiệp liên quan đến Tài Tâm cũng có những dấu hiệu không rõ ràng.

Đơn cử như dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải, báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Trị thể hiện, thời điểm thẩm định dự án, Sở Tài chính Quảng Trị thông tin nhà đầu tư chưa cung cấp cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính và tài liệu thuyết minh năng lực tài chính theo quy định. Sau đó chủ đầu tư có cung cấp bổ sung cam kết hỗ trợ tài chính của các công ty mẹ là Công ty CTCP ĐTTM và kinh doanh BĐS Thăng Long cam kết góp 250 tỷ đồng, Công ty CP ĐTXD&PT Phương Bắc cam kết góp vốn 250 tỷ đồng, ông Đỗ Lê Quân cam kết góp 11 tỷ đồng...

Đáng lưu ý đây cũng là những pháp nhân đang thực hiện hàng loạt dự án điện gió nghìn tỷ khác.

Tại dự án Nhà máy điện gió Tài Tâm đứng tên Tổng Giám đốc Đỗ Lê Quân có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 15/6/2020. Ý kiến của Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng vào thời điểm đó nhà đầu tư chưa cung cấp cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính theo quy định.

Theo Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, nhà đầu tư đã cung cấp báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của công ty, trong đó, vốn chủ sở hữu là 7.043 tỷ đồng, vốn luân chuyển ròng đạt 5.769,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 5 tỷ đồng. Tuy nhiên không hiểu độ xác thực của các báo cáo tài chính này đến đâu, bởi Công ty TNHH MTV ĐT năng lượng Tài Tâm Quảng Trị mới chỉ được cấp phép hoạt động từ 15/6/2020?

Điều này có nghĩa là các công ty liên quan Tài Tâm đã cùng lúc cam kết góp vốn ở nhiều dự án điện gió khác nhau với tổng mức lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên năng lực tài chính và hồ sơ góp vốn của doanh nghiệp này vào các dự án vẫn là dấu hỏi lớn.

Dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm cày nát đất lâm nghiệp. Ảnh: Kiên Đồng. 

Dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm cày nát đất lâm nghiệp. Ảnh: Kiên Đồng. 

Cũng theo quy định của pháp luật, sau khi được cấp chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết huy động vốn, thỏa thuận ký quỹ để thực hiện dự án (thông thường là 30 ngày kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư), tuy nhiên, đối với 2 dự án điện gió của Tài Tâm ở Quảng Trị là dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải và Nhà máy điện gió Tài Tâm thì tới sát thời hạn phải đóng tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện theo Luật Đầu tư 2020 các pháp nhân dự án đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét miễn thực hiện quy định pháp luật nêu trên. 

Cụ thể, theo quy định nêu tại Luật Đầu tư 2020, 2 dự án đều thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nên phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện dự án. Tổng số tiền phải ký quỹ của 2 dự án được xác định là 61 tỷ đồng, do thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP nên số tiền ký quỹ của 2 dự án này được giảm trừ 50%, còn lại 30,5 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia tài chính cho biết, cần phải làm rõ, minh bạch các báo cáo tài chính và cam kết góp vốn của các doanh nghiệp liên quan đến Tài Tâm để tránh tình trạng sử dụng một hồ sơ để cam kết góp vốn nhiều dự án khác nhau.

Đó còn chưa kể, cả 2 dự án trên của Tài Tâm thường xuyên bị các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Trị bêu tên khi chưa đủ thủ tục pháp lý đã thi công, xảy ra mâu thuẫn, xô xát với người dân và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mùa mưa lũ.

Hàng loạt bê bối sao vẫn lọt đăng ký COD của EVN?

Mặc dù dính hàng loạt bê bối như đã nêu ở trên, tuy nhiên theo số liệu mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về thông tin cập nhật về tình hình công nhận vận hành thương mại (COD) đối với các nhà máy điện gió đến thời điểm 31/08/2021, cả 2 dự án điện gió Tài Tâm và Hoàng Hải đều lọt danh sách đăng ký.

Cụ thể, dự án Nhà máy điện gió Tài Tâm đăng ký công suất thử nghiệm COD là 48MW, Nhà máy điện gió Hoàng Hải đăng ký 49,60MW.

Cần phải kiểm tra, rà soát năng lực và trình tự thủ tục thực hiện các dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm. Ảnh: Công Điền. 

Cần phải kiểm tra, rà soát năng lực và trình tự thủ tục thực hiện các dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm. Ảnh: Công Điền. 

Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến các dự án điện gió đứng tên ông Đỗ Lê Quân, Đỗ Kim Ngọc liên tục xảy ra xung đột với người dân địa phương. Việc chưa hoàn thành thủ tục thuê đất nhưng đã triển khai thi công, rõ ràng các dự án điện gió của Tài Tâm đã vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù cả chính quyền lẫn người dân tỉnh Quảng Trị đều quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp điện gió thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng thực tế vẫn xảy ra những bất cập.

Mới đây nhất, vào ngày 25/9, xe chở cánh quạt gió của Nhà máy điện gió Tài Tâm trong quá trình vận chuyển đã vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện đường dây 110kV Khe Sanh - Tà Rụt gây sự cố mất điện gần 3.500 hộ dân khu vực huyện Đakrông, gây ảnh hưởng đến việc phát điện của Nhà máy Thủy điện Đakrông 4.

Đây không phải là sự cố đầu tiên của dự án điện gió Tài Tâm gây ra đối với người dân và chính quyền sở tại. Trước đó, ngày 18/5, công an huyện Hướng Hoá đã phải vào cuộc xử lý việc đơn vị Tài Tâm thuê nhóm 20 người xăm trổ tới địa điểm thực hiện dự án để “vung tay chỉ mặt” để thị uy người dân xã Húc (huyện Hướng Hóa).

Với hàng loạt bê bối như vậy, thiết nghĩ cần phải có những hình thức xử lý mạnh tay đối với những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án điện gió của doanh nghiệp Tài Tâm nhằm tránh những bức xúc trong nhân dân.  

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất