Sau một thời gian tự tìm tòi nghiên cứu, nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã mạnh dạn giới thiệu chương trình âm nhạc trị liệu với khán giả TPHCM. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng từng là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị của học sinh – sinh viên Sài Gòn trước năm 1975. Dùng âm nhạc để phản đối sự hà khắc của chế độ cũ, nhạc sĩ Miên Đức Thắng từng bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tù khổ sai lưu đày Côn Đảo. Bây giờ, ở tuổi cổ lai hy, nhạc sĩ Miên Đức Thắng lại khao khát dùng âm nhạc để giảm bớt những cơn đau cho người bệnh!
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng |
Âm nhạc có tác dụng tích cực với đời sống nhân loại, là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, bộ môn âm nhạc trị liệu (Music Therapy) chỉ mới nhen nhóm trong thế kỷ 20. Giới y học Mỹ xác định âm nhạc trị liệu là phương pháp đặc trị đối với các bệnh nhân bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ, tai biến mạch máu não hoặc chậm phát triển trí tuệ. Còn giới y học Nhật cho rằng âm nhạc trị liệu là tâm lý học âm nhạc, sử dụng quan niệm nghệ thuật theo chủ nghĩa công năng làm cơ sở để nâng cao sức khỏe thân tâm, bồi dưỡng nhân cách.
Ở Việt Nam, từ thập niên 1970 tại Viện Quân y 103 đã dùng âm nhạc để chữa trị cho các bệnh nhân thần kinh tâm thần phân lập, còn tại Bệnh viện Bạch mai cũng điều trị bệnh nhân tâm thần bằng âm nhạc kết hợp thôi miên ám thị. Tuy nhiên, để khái quát âm nhạc trị liệu như một giá trị y học thì thái độ của nhạc sĩ Miên Đức Thắng chính là một gợi ý tích cực!
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng bày tỏ quan niệm: “Trị bệnh là trị từ gốc rễ. Gốc rễ của căn bệnh từ không gian, môi trường, văn hóa. Còn dân ca đã ăn sâu vào máu thịt con người Việt. Tôi dùng chất liệu dân ca để có thể xoa dịu cơn đau, xóa tan cảm giác tức tối, lay động cảm xúc trong ý thức người nghe. Tôi gợi mở nhiều về hình ảnh, âm thanh làng quê, chẳng hạn như lời mẹ ru, cánh đồng xanh, tiếng sáo cánh diều...
Trong y khoa gọi đây là đối chứng trị liệu” Tôi quan tâm một số chứng bệnh của người Việt hay mắc phải như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, tâm thần phân liệt, như cái đĩa nén được dồn tụ từ gốc rễ của gen di truyền, tác động xã hội, công việc, tình cảm... Âm nhạc giống như thuốc, tùy căn bệnh của mỗi người sẽ có liều thuốc âm nhạc phù hợp. Về mặt hòa âm phối khí, tôi cũng đo liệu sóng, âm điệu, nhịp điệu để tùy tình trạng người bệnh sẽ cho nghe bài hát phù hợp. Như người bệnh tim sẽ nghe nhạc khác người bệnh gan, người già bệnh sẽ có “phương thuốc” khác người trẻ bệnh…”.
Trước mắt, nhạc sĩ Miên Đức Thắng tạm chia âm nhạc trị liệu thành bốn nhóm: liệu pháp an thần, liệu pháp giải uất, liệu pháp bi thắng nộ và liệu pháp sôi động. Những bài hát do nhạc sĩ Miên Đức Thắng sáng tác theo xu hướng âm nhạc trị liệu như “Lạ lùng”, “Tơ đời một thoáng”, “Thực phẩm mưa” hoặc “Trùng tu giọt lệ” có thể xem như cơ sở ban đầu để các những người hoạt động âm nhạc và y tế cùng ngồi lại tìm ra giải pháp phát triển cho bộ môn này.
Âm nhạc cũng có khả năng chữa bệnh một cách tích cực (Ảnh minh họa) |
Theo nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng: “Văn hóa Phương Đông với thực thể động và nhìn nhận con người như một chỉnh thể thống nhất có tác dụng hay chí ít chỉ ra phương pháp, phương hướng trong việc điều trị bằng âm nhạc. Tựu chung, chữa trị bằng âm nhạc không phải hình thức “cưỡng chế” bằng thuốc như Y khoa, cũng không có tác dụng giải phẫu như ngoại khoa, mà hướng tới sự thay đổi nội giới, từ đó ảnh hưởng tới hệ thần kinh, năng cao khả năng miễn dịch… tác động một cách tự nhiên lên cơ thể, đặc biệt về phương diện tâm lý.
Vì thế, cơ tầng văn hóa đặc biệt lưu ý trong phương pháp điều trị nhằm thiết kế lộ trình, thời gian, cách thức điều trị, liệu pháp… phù hợp. Âm nhạc đa dạng bao nhiêu thì chủng loại bệnh nhân cũng phức tạp bấy nhiêu. Mức độ xâm nhập nội giới người bệnh của âm nhạc không hề được định lượng hay tiên liệu trước kết quả cũng như mong muốn. Nên, người hướng dẫn phải nắm bắt phương châm “Tùy duyên hóa độ” đối với từng trường hợp cụ thể có “Căn duyên” khác nhau dựa trên khả năng định hướng, tiên liệu của mình thông qua công cụ hỗ trợ trung gian nhằm giúp người bệnh và người điều trị gặp nhau trên giao lộ âm nhạc!”
Vài năm gần đây, quá trình tiếp cận những thành tựu mới trên thế giới, nhiều bệnh viên phụ sản ở nước ta đã tự tin áp dụng “Hiệu ứng Mozart”, dùng âm nhạc của thiên tài Mozart để kích hoạt trí thông minh cho trẻ em ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Sự có mặt của âm nhạc trị liệu càng bức thiết hơn, vì nhịp sống hiện đại hối hả và căng thẳng đang tác động không tốt đến sức khỏa của cộng đồng. Rất nhiều căn bệnh đến từ áp lực ngày thường, khiến người Việt hao tốn rất nhiều của cải và thời gian để ứng phó. Nếu âm nhạc trị liệu được hình thành một cách bài bản, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người Việt thời hội nhập!
Âm nhạc trị liệu đâu chỉ xoa dịu những cơn đau thể xác, mà còn xoa dịu những cơn đau tinh thần. Tương lai âm nhạc trị liệu còn giúp ngăn chặn lòng tham, ngăn chặn thói xấu, ngăn chặn cái ác đang bủa vây mỗi người!