| Hotline: 0983.970.780

Bệnh sởi gia tăng: Chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Thứ Hai 18/11/2024 , 15:43 (GMT+7)

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính diễn biến mạnh vào mùa Đông - Xuân. Trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém mắc sởi dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Gia tăng bệnh nhân mắc sởi tại nhiều địa phương

Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.Tại TP HCM, trong tuần 45 (4-10/11), thành phố ghi nhận 167 ca mắc sởi, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 1.635, tập trung tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức.

Tại Hà Nội, 25 ca mắc sởi được ghi nhận trong tuần qua (từ 9/11 đến 15/11), tăng 9 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi của toàn thành phố là 87 ca; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Theo CDC Hà Nội, số mắc sởi tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng, chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân được ghi nhận rải rác trên các địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vacxin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Các tỉnh khác cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân mắc sởi. Tại Bình Thuận, số ca sởi trong tháng 10 chiếm gần 80% tổng ca bệnh từ đầu năm, với 157 trường hợp tính đến ngày 7/11. tỉnh Bạc Liêu báo cáo 393 ca sởi từ đầu năm đến nay, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu tại thị xã Giá Rai và TP. Bạc Liêu.

Đặc biệt, tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay tỉnh ghi nhận gần 1.900 ca bệnh, trong khi đó cùng kỳ năm 2023 chỉ có 3 ca. Ngày 18/11, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bé trai 8 tuổi ở TP Biên Hòa tử vong do bệnh sởi.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Không chỉ trẻ em, người lớn nếu chưa được tiêm vacxin phòng sởi, bị suy giảm miễn dịch hay đang mắc bệnh nền… cũng có nguy cơ mắc bệnh sởi. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu nam bệnh nhân (56 tuổi, ở Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng và chuyển biến suy hô hấp nặng.

Trước tình hình bệnh sởi gia tăng tại một số địa phương, để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 116/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sởi. Công điện nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về tiêm vacxin phòng bệnh; tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch; đảm bảo đủ vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời tổ chức tiêm vét tại các khu vực nguy cơ cao.

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan nhất

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và rất dễ lây lan qua các giọt hô hấp. Nó có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch.Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: sốt cao, phát ban lan rộng trong cơ thể (phát ban có thể bắt đầu ở đầu và sau đó lan sang phần còn lại của cơ thể), ho, mắt đỏ, đau họng, sổ mũi, đốm trắng bên trong miệng…

Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu từ 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Dấu hiệu đặc trưng là phát ban, đặc biệt bắt đầu trên mặt và lan xuống dưới, bao gồm các đốm đỏ phẳng có thể hợp nhất khi bệnh tiến triển. Ngoài ra, người bệnh có thể nhạy cảm với ánh sáng, đau họng và có những đốm trắng nhỏ bên trong miệng.

Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh minh họa

Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh minh họa

Tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây cũng là bệnh dễ lây lan nhất và cũng là một trong những bệnh có thể phòng ngừa. Tiêm hai liều vacxin sởi khi còn nhỏ có khả năng bảo vệ 97%.

Trẻ em không tiêm vacxin đúng lịch có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não và có thể tử vong. Để phòng ngừa bệnh sởi lây lan cần đảm bảo mọi người trong gia đình đều được tiêm vacxin phòng sởi. Tại nước ta, lịch tiêm vacxin sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.

Tại TP HCM, số ca mắc gia tăng cả ở trẻ dưới 9 tháng tuổi - đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, ngày 6/11/2024, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vacxin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP HCM. Mũi vacxin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vacxin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.

Ngoài tiêm vacxin sởi đầy đủ, người dân cần tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh; giữ vệ sinh đúng cách như rửa tay, khử trùng…; rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự thực hiện trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mắt, mũi, miệng và tắm hàng ngày cho trẻ; cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả ép… Khẩu phần của trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu đạm và vitamin A.

Trường hợp có người bị nhiễm bệnh sởi, nên tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan. Người mắc bệnh sởi phải cách ly cho đến khi hết triệu chứng. Mọi người không đi đến những nơi đông người trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.