| Hotline: 0983.970.780

An Giang hướng mục tiêu hơn 6.000ha rau màu tập trung, công nghệ cao

Thứ Tư 16/03/2022 , 10:07 (GMT+7)

An Giang đặt kế hoạch xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô khoàng 6.062ha.

Mục tiêu đến 2025, An Giang nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 1.628 ha. Ảnh: LHV.

Mục tiêu đến 2025, An Giang nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 1.628 ha. Ảnh: LHV.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định về kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu và rau màu công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện hơn 48 tỷ đồng.

An Giang định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh rau màu quy mô lớn, rau màu công nghệ cao trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất, xây dựng mã vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất theo chứng nhận.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô hàng hóa lớn, có sự liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - người sản xuất...

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát nguồn cung, dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi dần sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Campuchia, Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng như EU, Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển ngành chế biến rau màu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 hiệu quả, an toàn, bền vững và đáp ứng khả năng cung ứng trong sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô khoàng 6.062ha, bao gồm rau ăn lá (1.487ha), rau ăn quả (1.365ha), rau ăn củ (445ha), bắp các loại (2.185ha), đậu phộng (200ha) và khoai cao (380ha). Trong đó diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 2.965ha.

An Giang sẽ xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô khoàng 6.062ha. Ảnh: Hương Huệ.

An Giang sẽ xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô khoàng 6.062ha. Ảnh: Hương Huệ.

Nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đến năm 2025 đạt 1.628ha; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 1.344ha; diện tích được chứng nhận GlobalGAP 350ha.

Thúc đẩy, phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị chủ lực vùng sản xuất chuyên canh của tỉnh. Đến năm 2025, củng cố 16 HTX/tổ hợp tác và thành lập mới 4 tổ hợp tác và 4 HTX chuyên sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm rau màu theo tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xây dựng thành công 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (hoặc dự án) cho rau màu, rau màu công nghệ cao đến 2025 với quy mô diện liên kết đạt 775ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng; giá bán và giá trị sản xuất tăng của nông dân trồng rau màu trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung tăng tối thiểu từ 20% so với sản xuất ngoài vùng chuyên canh tại thời điểm năm 2021; thu nhập rau màu công nghệ cao tăng tối thiểu 40%.

An Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư vào chế biến, bảo quản rau màu thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Mục tiêu của tỉnh, tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,8%. Nâng cao vị thế ngành hàng rau màu tỉnh An Giang một cách bền vững, hiệu quả, có đủ sức cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.