| Hotline: 0983.970.780

‘Ăn lộc trời’ ngày tết

Thứ Hai 18/01/2021 , 15:15 (GMT+7)

Mùa xuân đến, khi hoa điều, hoa cao su bung nụ là thời điểm mùa mật ong chính thức bắt đầu. Người dân Bình Phước lại rộn ràng quay ong lấy mật chờ đón tết...

Bình Phước vào mùa khai thác mật ong. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước vào mùa khai thác mật ong. Ảnh: Trần Trung.

“Thiên đường” của loài ong

Những ngày này, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, xen kẽ giữa những tán rừng cao su rộng bạt ngàn, những vườn điều xum xuê hoa trái là những đàn ong tranh nhau lấy mật. Khi những chiếc cầu ong quay đều, từng giọt mật nhỏ xuống cũng là lúc người nuôi ong tính toán được lời hay lỗ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết khá thuận lợi, báo hiệu báo một mùa mật bội thu khi tết đang cận kề.

 Men theo con đường đất đỏ quanh co giữa rừng cao su xanh mát, chúng tôi tìm đến trại nuôi ong lấy mật của ông Mai Xuân Kiểu, thôn 3 xã Thiện Hưng (Bù Đốp), một người trong những người tiên phong đưa ong về tỉnh Bình Phước. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm thùng nuôi ong được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, mùi thơm của mật ong phảng phất ngay từ ngoài cổng. Gần đó, những người thợ tấp nập lấy mật ong khi đến kỳ, chiếc máy quay mật cứ đều đều làm việc để những giọt mật vàng óng từ từ chảy ra xóa đi bao nỗi nhọc nhằn sau bao ngày chăm sóc để nhận lại thành quả ngọt.

Ông Mai Xuân Kiểu chủ trại ong tại Bù Đốp phấn khởi vụ mùa bội thu . Ảnh: Trần Trung.

Ông Mai Xuân Kiểu chủ trại ong tại Bù Đốp phấn khởi vụ mùa bội thu . Ảnh: Trần Trung.

Vừa quay mật, ông Kiểu vừa kể, ông sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tuyên Quang, nơi mệnh danh là thủ phủ nghề nuôi ong của các tỉnh phía Bắc. Do nghề nuôi ong tại địa phương phát triển mạnh, đầu ra của mật ong ngày càng bó hẹp. Năm 2010, ông quyết định Nam tiến và Bù Đốp được ông chọn làm nơi lập nghiệp. Sau hơn 15 năm, đến nay ông Kiểu đã gây dựng được cơ ngơi mà nhiều người trong nghề mơ ước với 3 trại ong cùng hơn 1.000 thùng, trung bình mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng.

Người nuôi ong phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để thuận tiện bắt ong. Ảnh: Trần Trung.

Người nuôi ong phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để thuận tiện bắt ong. Ảnh: Trần Trung.

Đưa chúng tôi thăm những thùng ong nối dài thẳng tắp, ông Kiểu cho biết, nước ta được người trong nghề gọi là thiên đường của loài ong khi có điều kiện tự nhiên lý tưởng. Ở Tây nguyên có cây cà phê, ở miền Đông Nam bộ có cây ăn trái là nguồn mật dồi dào cho người nuôi ong khai thác. Riêng ở Bình Phước, ngoài là vựa điều, cao su của cả nước, nơi đây còn có khí hậu ôn hòa, không rét hại như phía Bắc, không lũ lụt như miền Trung, không ngập mặn như miền Tây. “Đặc biệt, năm nay khí hậu khá thuận lợi, hầu hết các vườn điều và cao su trên địa bàn đều nở hoa trắng xóa, không chỉ có người trồng điều, cao su phấn khởi, những người nuôi ong cũng được thơm lây”, ông Kiểu phấn khởi nói.

Người nuôi ong phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để thuận tiện bắt ong. Ảnh: Trần Trung.

Người nuôi ong phun sương nước cho ong ướt cánh ít bay và xông khói để thuận tiện bắt ong. Ảnh: Trần Trung.

Nghề 1 vốn 4 lời

Theo ông Kiểu, nghề nuôi ong có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời”, vì nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác và ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày người nuôi chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Tuy vậy, ong là loài vật rất nhạy cảm với thời tiết, dễ nhiễm bệnh nên quá trình chăm sóc lại đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ. “Mình phải sống với ong như bạn thì mới nuôi ong được bởi chỉ cần thiếu quan tâm, chúng có thể đói chết, lạnh chết, thậm chí bay vào các khu vực vừa phun thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến chết cả đàn”, ông Kiểu cho biết thêm.

Những cầu nuôi ong nặng trĩu mật ngọt. Ảnh: Trần Trung

Những cầu nuôi ong nặng trĩu mật ngọt. Ảnh: Trần Trung

Khi chúng tôi thắc mắc về việc người tiêu dùng có nghi vấn các hộ nuôi ong sử dụng nước đường cho ong ăn để tạo mật, ông Kiểu cười rồi dẫn chúng tôi ra rừng cao su. Kéo một cành cao su xuống chỉ cho chúng tôi thấy những giọt như giọt nước nhỏ xíu ở các gốc lá, nếm có vị ngọt, ông Kiểu vừa giải thích: mật ong được tạo ra chủ yếu là do ong hút các giọt này. Còn thức ăn dùng để cho ong ăn thực tế là bột đậu nành trộn với phấn hoa và nước đường có tác dụng để nuôi nhộng và ong non. “Có những thời điểm giá mật hạ xuống còn có khoảng 13.000 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá đường nữa. Nếu cho ong ăn đường thì lấy đâu ra mà có lãi. Mà thực ra người nuôi ong cũng chỉ cho ong ăn thêm vào các thời điểm cây không ra hoa, ong không lấy được phấn hoa thôi, chứ bình thường không ai cho ong ăn làm gì cả”, ông Kiểu phân tích.

Những cầu nuôi ong nặng trĩu mật ngọt. Ảnh: Trần Trung.

Những cầu nuôi ong nặng trĩu mật ngọt. Ảnh: Trần Trung.

Theo tính toán của ông Kiểu, một thùng ong cho từ 10 - 15 kg mật/lần quay, mỗi năm quay 4 lần và được thương lái đến thu mua tận nơi. Khác với mật ong rừng, mật ong nuôi được bán theo cân chứ không bán theo lít với giá bình quân khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. “Chỉ cần sở hữu 100 thùng ong, mỗi gia đình thu được không dưới 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, so với làm nông thì nghề này cho thu nhập khá hơn nhiều”, ông Kiểu tiết lộ.

Người nuôi ong háo hức tổ chức quay mật. Ảnh: Trần Trung.

Người nuôi ong háo hức tổ chức quay mật. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm ong “made in Bình Phước”

Trên địa bàn Bình Phước hiện có rất nhiều cơ sở nuôi ong nhưng nhìn chung vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, từ đó thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, những thực phẩm, chế phẩm từ ong phục vụ nhu cầu tăng cường sức khỏe của con người hiện tại rất ít. Nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nuôi ong, thời gian qua, Sở KH-CN Bình Phước đã tổ chức triển khai nhiều dự án nhằm thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển.

Những thùng ong thẳng tắp dưới tán rừng cao su. Ảnh: Trần Trung.

Những thùng ong thẳng tắp dưới tán rừng cao su. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, bên cạnh dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển nghề nuôi ong, Sở KH-CN Bình Phước vừa hướng dẫn, hỗ trợ Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm thực phẩm chức năng từ ấu trùng ong chúa và sữa ong chúa”.

Được biết, Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước được thành lập năm 2006. Mỗi năm, công ty thu mua trên 1.000 tấn mật cho người nuôi ong tại địa phương, xuất bán sang nhiều nước trên thế giới. Nối tiếp thành công, đề tài lần này nhằm tập trung nghiên cứu hệ thống công nghệ sản xuất các chế phẩm bột sữa ong chúa đông khô, bột ấu trùng ong chúa từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm tạo ra sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe dạng viên nang, giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Những thùng ong thẳng tắp dưới tán rừng cao su. Ảnh: Trần Trung

Những thùng ong thẳng tắp dưới tán rừng cao su. Ảnh: Trần Trung

Ông Đặng Hà Giang Giám đốc Sở KH–CN tỉnh Bình Phước chia sẻ, Bình Phước là thủ phủ cây công nghiệp của cả nước, những năm qua, tận dụng lợi thế về thiên nhiên, người dân trong tỉnh đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, để phát triển nghề này theo hướng bền vững, đòi hỏi phải có những cách làm cụ thể để vừa tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, vừa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

“ Với nguyên liệu sẵn có, thị trường cũng nhiều, hy vọng đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm thực phẩm chức năng từ ấu trùng ong chúa và sữa ong chúa” Made in Bình Phước thành công sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Từ đó góp phần quảng bá thương hiệu, thương mại sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế và du lịch của địa phương”, ông Giang kỳ vọng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.