| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong kịch độc để lấy… thịt

Thứ Tư 14/10/2020 , 08:42 (GMT+7)

Lưỡi dao trên tay Hòa vừa xắn vào tổ là cả ngàn con ong kịch độc bay túa ra, giương ngòi bổ nhào vào mặt, vào mắt tôi, xả ướt cả ống kính máy ảnh...

Một thợ săn ong đang kiểm tra tổ ong trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một thợ săn ong đang kiểm tra tổ ong trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những chiếc kim độc cách mặt người chỉ 1cm

Chúng đập cánh dữ dội còn tôi thì nín thở bởi bộ đồ bảo hộ dù bao kín toàn thân nhưng chỗ mặt lại chỉ là một lớp lưới mỏng mảnh, nếu khẽ phập phồng cánh mũi là có thể chạm vào hàng chục mũi kim đang căng đầy nọc độc, đốt chết cả trâu mộng. Nhưng đối với Dương Văn Hòa ở xóm Tân Thành, xã Tân Mộc (Lục Ngạn, Bắc Giang) - người đang sở hữu 200 đàn ong vò vẽ, ong đất, ong bầu treo thì đây là công việc hàng ngày.

Mặt chi chít vết đốt đến thối thịt để lại những lỗ sâu nho nhỏ, dấu tích của những tháng ngày chưa có bộ đồ bảo hộ, Hòa cười: “Bình thường thì chúng quen hơi, em có thể dùng tay trần chạm vào tổ hay để cho đậu trên tay được nhưng khi cắt tổ thì ong lại rất hung dữ, sẵn sàng tấn công”.

Cận cảnh tổ ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh tổ ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

21 tuổi đời nhưng chàng trai này đã có tuổi nghề bắt các loại ong kịch độc 7 - 8 năm. Từ tháng 5, tháng 6, Hòa thường cùng anh họ là Dương Văn Díu lang thang khắp đồi, núi của hai huyện Lục Nam, Lục Ngạn để tìm tổ ong. Buổi sáng, dưới ánh mặt trời những cánh ong phản quang lấp lánh bắt mắt thợ săn. Họ còn phân biệt được rõ con nào ngậm miếng vỏ cây tha về làm tổ, con nào treo giọt nước tròn vo ngay dưới chân tha về để dự trữ.

Cứ theo hướng bay mà quan sát khi nào thấy “đường đi” có nhiều ong lên, ong xuống chính là nơi hang ổ. Có những tổ treo tít trên ngọn cây cao Hòa phải chặt cành làm thang tự chế, bám vào những cái mấu mà leo lên như khỉ, như vượn. Trước đây, dân làng chỉ lấy nhộng ong về để ăn nhưng dăm năm trước khi thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua thì giá cả cứ thế leo thang, có vụ lên tới 380.000 đồng/kg. Năm nay do dịch Covid-19, không xuất khẩu được nên giá nhộng ong tụt xuống còn chỉ 300.000 đồng/kg.

Có nhiều loại ong lấy thịt như vò vẽ, bầu đất, bầu treo trong đó nhộng to nhất phải kể đến ong đất, kế tiếp bầu treo, cuối cùng mới là vò vẽ nhưng năng suất nhất vẫn là vò vẽ bởi một vụ có thể 3 lần thu hoạch trong khi các loại kia chỉ cắt được 1 lần. Đầu hạ, tổ ong chỉ to như cái bát cơm nhưng sang thu đã to tròn như cái nón, cái thúng.

“Quả bưởi”, “quả xoài” to như cái rổ, cái rá

Ong độc bu kín người cắt tổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ong độc bu kín người cắt tổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy khai thác mãi cũng cạn kiệt nên đầu hè năm nay hai anh em họ Dương mới bàn nhau mộng nuôi ong kịch độc lấy nhộng. Họ bắt những tổ ong nhỏ như cái bát đem về để trong vườn bưởi, vườn xoài. Có cây xoài cổ thụ treo đến 13 tổ ong, dưới đất là ong đất, lưng chừng là ong vò vẽ, trên cao là ong bầu treo. Những cái tổ to như cái rổ, cái rá, nhìn xa trông như những hoa quả khổng lồ.

Tiếng là nuôi nhưng ong được tự do kiếm mồi. Nhờ đó, bao nhiêu loại sâu đo, sâu khoang trong vườn biến mất, không phải phun thuốc. Chỉ những hôm trời mưa to ong không bay đi kiếm ăn được thì Hòa mới xắt cá ra thành từng khúc nhỏ treo lên cây để chúng cắn, tha về. 

Tổ ong lớn rất nhanh, chỉ hơn 1 tháng đã gấp sáu, bảy lần, thu lứa nhộng đầu tiên, hễ nghe tin là có thợ buôn săn đón. Khi cắt bao giờ Hòa cũng chừa lại một tầng để cho chúng có thể tái tạo. Hiện cả hai đã thu được hơn 1 tạ nhộng, dự kiến đến hết tháng 9 âm cuối mùa, có thể được thêm 1 tạ nữa. Lúc bấy, ong thợ đã chết rét hết, chỉ còn toàn ong chúa với ong đực. Chúng giao phối với nhau xong rồi ong đực cũng chết để lại ong chúa bơ vơ đi trú đông đến đầu hạ năm sau sẽ tự mình lập tổ mới...

Hòa đang cầm trên tay 2 tầng tổ ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hòa đang cầm trên tay 2 tầng tổ ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bàn tay Hòa thoăn thoắt dùng nhíp kẹp những con nhộng béo tròn núng nính sữa. Những ô có nắp trắng bịt trên đầu là loại nhộng sạch, đã bắt đầu có chân, ruột rỗng còn nhộng non hơn, thức ăn trong ruột phải “làm thịt” bằng cách bóp nặn hết ra. Trước khi chế biến, nhộng được chần qua để cứng lại, không bị vỡ trong quá trình đun nấu. Có rất nhiều món ăn từ nhộng ong như lẩu, cháo, rang, xào... Bữa đó tôi được Hòa đãi món cháo ong, ngọt lừ, thơm lừng, béo ngậy, cảm tưởng vừa đặt lên môi đã trôi xuống họng.

Kỷ lục nhất trong xóm bắt được là tổ ong bầu giời có 15 tầng, to như cái nia, nặng phải hai người khiêng, đem về 6 người nhặt nhộng từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa được hơn 10kg. Bầu giời còn gọi là ong nhảy dù vì hễ động cái từ cái tổ trên cao chúng thả ra một cục to như cái bát tô, gần đất bỗng tỏa ra như cái ô, cắm phập ngòi vào bất cứ sinh vật sống nào trong tầm với. Khi bị mất tổ chúng cực kỳ hung dữ, có thể phục sẵn ở quanh khu vực đến mấy ngày để trả thù.

Bình thường, khi đã quen mùi thì có thể chạm tay vào ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bình thường, khi đã quen mùi thì có thể chạm tay vào ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiêm trợ tim, an thần, giãn nở phổi để cấp cứu

Anh Lan bên vườn bưởi treo đầy tổ ong dữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lan bên vườn bưởi treo đầy tổ ong dữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kinh nghiệm của thợ săn ong lão làng là buộc cào cào chết vào cây rồi đứng xa rình xem chúng đến ăn mà biết hướng bay về tổ. Hễ ong vọt lên cao là tổ ở gần còn bay thấp là tổ ở xa, tối đa khoảng cách như ong đất thường đi săn cách hang ổ 1 - 2km. Ong thường con bay đi con bay về theo hai đường riêng biệt. Lúc đi túc tắc, lúc về thì vội vã, dáng đi thường thẳng, về thường đuôi hơi cong, đến gần tổ mới ngẩng cao đầu. Trước đây, lúc chưa có những bộ quần áo bảo hộ giá 1,5 triệu kín như đồ của phi hành gia thì phải đốt lửa để đuổi ong, giờ chỉ việc cầm một nhúm bông bịt vào cửa tổ là bưng về vườn, buộc lên cây.

Đây là năm thứ hai Lý Văn Lan ở xã Vô Tranh (Lục Nam, Bắc Giang) nuôi ong độc nhưng không có ong đất, bầu treo mà chỉ vò vẽ. Năm ngoái anh có hàng trăm tổ, thu 2 tạ nhộng, bán được 60 triệu còn năm nay do bận hai đứa con nhỏ nên chỉ có 50 - 60 tổ. Mỗi tổ ong bình thường có 2 - 3 tầng nhưng có những cái tới 7 - 8 tầng, cắt được hơn 2kg nhộng. Hãn hữu lắm mới có người bị dị ứng nhộng ong còn không thì ngay cả con trẻ cũng có thể ăn vã được cả bát. Nếu nhiều quá, sau khi nhặt sạch, luộc chín để ráo nước nhộng được đóng khay cho vào ngăn đông có thể để được cả năm.

Lan bảo: “Trong xã có 7 - 8 nhà đang nuôi ong vò vẽ nhưng không ai giữ lại được qua đông như ong mật. Nếu muốn giữ chắc phải làm nhà kín rồi lắp điều hòa nhiệt độ để sưởi ấm cho chúng thôi”.

Cận cảnh nhộng ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh nhộng ong vò vẽ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đĩa ong xào rất hấp dẫn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đĩa ong xào rất hấp dẫn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ hồi nuôi ong, hơn 600 gốc bưởi nhà Lan sạch bóng sâu bọ. Ong vò vẽ ăn rất tạp, từ côn trùng, thằn lằn, cóc nhái đến gà, vịt, cá chết cũng không nề hà. Tuy được nuôi nhưng chúng vẫn giữ nguyên đặc tính hoang dã nên khoảng cách an toàn phải cách tổ 3 - 4m.

Kiêng nhất là vừa uống rượu, bia mà ra vườn xem ong. Kiêng hơn nữa là bị đốt xong mà bỏ chạy thục mạng là ong sẽ đuổi theo như chó dữ đã đành mà còn chẳng may va vào hằng hà, sa số các tổ khác. Bởi vậy cứ ngồi im chịu đau một lúc đợi qua cơn nguy khốn.

Có lần anh Lan đi săn cùng với bạn thấy một tổ ong bầu giời to như cái phuy 100 lít liền xịt thuốc muỗi vào để bắt nhưng ai dè chúng vẫn xông ra nên phải tháo lui. Vừa chạy cả hai vừa quay lại xịt thuốc muỗi tiếp để cắt mùi bởi hễ ngửi thấy mùi nạn nhân đã bị đốt là lũ ong lại càng thêm bị kích thích, điên lên. Cách xa chừng 400 - 500m rồi mà đàn côn trùng ngàn con, đen xì vẫn bám sát theo gót như hình với bóng. Đợt đó Bế Văn Thi bị đốt 19 phát phải đi cấp cứu, tiêm trợ tim, an thần, giãn phổi mới giữ được mạng.

Thế nhưng Giống Vi Đông - một thợ săn ong khác cùng xã bị đốt tới 40 phát lại không sao, âu cũng là do cơ địa. Để đề phòng tai nạn, Lan phải treo những tổ ong ra xa nhà, tránh nguy hiểm cho trẻ con và hàng xóm. Cũng vì hung dữ là thế mà không  kẻ trộm nào dám bén mảng đến vườn bưởi nhà anh dù không cần xích chó cũng như chẳng có camera.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.