| Hotline: 0983.970.780

An ninh lương thực nhìn từ bán đảo Đông Dương

Thứ Hai 05/01/2009 , 08:00 (GMT+7)

Trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, qua nghiên cứu 84 quốc gia có bờ biển trên thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

LTS: Sau chuyến đi công tác sang các nước láng giềng Lào và Camphuchia trở về, PGS TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đã viết bài cho NNVN xoay quanh vấn đề an ninh lương thực trước những dự báo sắp tới về ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Bài 1: Biến đổi khí hậu và di chỉ cây lúa

Ba nước Đông dương gồm Camphuchia, Lào và Việt Nam. Trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, qua nghiên cứu 84 quốc gia có bờ biển trên thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việt Nam có vị trí dọc theo vành đai bão tây bắc của Thái Bình Dương và là một trong 10 nước trên thế giới bị đe doạ thường xuyên bởi bão nhiệt đới. Trung bình có khoảng 6,9 cơn bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung.

Trong năm 1996, hơn 2.000 km2 vùng ven biển Việt Nam bị đe doạ bởi lũ lụt hàng năm, trong đó 75% là ở ĐBSCL và 10% là đồng bằng sông Hồng. Từ năm 1991 đến năm 2000, có hơn 8.000 người chết do thiên tai (bão, lụt, lũ quét, lở đất...). Thêm vào đó có khoảng 9.000 tàu thuyền bị chìm và 6 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Thiệt hại kinh tế trong khoảng thời gian này khoảng 2,8 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai chủ yếu ở dọc bờ biển rất dài của Việt Nam. Trong vòng 30 năm (1960-1990), mực nước biển ở Việt Nam dâng lên 5 cm.

Theo một số cơ quan quốc tế tính toán, từ năm 1900 đến năm 2000, mực nước biển toàn cầu gia tăng 15 cm và dự đoán với nhiều kịch bản phóng thích khí gây hiệu ứng nhà kính, ít nhất trong vòng 100 năm tới (2000-2100), mực nước biển sẽ gia tăng 28-58cm (3-6 mm/năm) và khả năng dâng cao 1 m cũng có thể xảy ra. Trong viễn cảnh nước biển dâng cao 1 mét, sẽ ảnh hưởng đến 5% diện tích đất đai, 11% dân số, 7% nông nghiệp, giảm 10% GDP. Kịch bản nước biển dâng cao 3-5 mét, Việt Nam sẽ đối mặt với thảm hoạ. Tài liệu quốc gia của Việt Nam ước đoán đến năm 2100, mực nước biển sẽ gia tăng 1 m. ĐBSCL là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 1,77 triệu ha bị xâm nhập mặn và chiếm 45% đất đai.

Bên cạnh việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, việc gia cố các đê biển và trồng rừng ngập mặn ven biển có tính chiến lược lâu dài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp, cũng không phải chỉ là nhiệm vụ của các địa phương ven biển mà là nhiệm vụ liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cả dân tộc.

Trong quá khứ, vùng Đông Nam Á trong đó có lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã từng bị ngập dần dần trong nước trong một thời gian dài. Trong vòng 10.000 năm từ 17.000 đến 7000 năm trước công nguyên, mực nước biển dâng cao 9 mm mỗi năm và tổng cộng là 90m. Có 50% diện tích đất đai vùng này đã ngập chìm trong nước biển vào thời gian đó. Chính vì đất đai bị ngập nước, diện tích rừng bị thu hẹp, việc thu hái trái cây rừng làm thức ăn trở nên khó khăn nên người Việt cổ đã tìm cách thuần hoá và canh tác nhiều loài thực vật trong đó có cây lúa. Nghề trồng lúa nước bắt nguồn từ đồng bằng sông Hồng.

Ở điểm khảo cổ Đồng đậu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ), di chỉ hạt lúa cháy dang dở đã được tìm thấy có niên đại 1328 năm trước công nguyên. Những người Việt cổ sống ở trong những hang động mà tiêu biểu nhất là những hang động thuộc nền văn hóa Hoà Bình. Ban đầu họ canh tác lúa rẫy trên đất cao ở gần những hang động nơi trú ngụ của họ. Khi nước biển dâng cao thì họ sáng tạo ra kỹ thuật trồng lúa nước bằng phương pháp gọi là: “hoả canh thuỷ đậu”. Với kiểu canh tác này, họ bóc vỏ để giết chết cây to mà không cần đốn, bụi nhỏ và cỏ dại gom lại và đốt, sau đó cho nước ngập và cấy lúa.

Người Hoà Bình biết thuần hóa trâu để cày bằng những lưỡi cày bằng đồng. Đến thời đại đồ sắt, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 việc dùng trâu cày bừa là phổ biến và dân chúng biết đắp đê trị thủy. Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long và các triều đại kế tiếp sau đó, nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là cây lúa nước tiếp tục phát triển. Vua Lê Lợi thiết lập chương trình dinh điền với nhiều nông trang hướng về phía Nam. Từ thế kỷ thứ 16, triều Nguyễn ở phía Nam đẩy mạnh chương trình này với việc thiết lập những làng xã cho binh lính và những người dân di cư trốn chạy chiến tranh ở miền Bắc. Vào thế kỷ thứ 17, triều Nguyễn chủ trương mở rộng bờ cõi đến vùng ĐBSCL, một vùng đất dân cư thưa thớt, đầm lầy, hoang hóa, nền đất yếu, thấp và môi trường rất mong manh dễ biến động. (còn nữa)

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.