| Hotline: 0983.970.780

An toàn hồ chứa nước: Lo ngại lớn từ Nghệ An

Thứ Năm 22/08/2013 , 09:05 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An xác nhận: Công tác đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa nước ở địa bàn tỉnh Nghệ An là rất đáng lo ngại.

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, địa phương này đang quản lý tổng cộng 625 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó, các công ty TNHH MTV thủy lợi quản lý 59 hồ chứa nước có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên. Các hồ chứa nước còn lại đã được phân cấp cho địa phương cấp huyện và xã trực tiếp quản lý...

THỰC TRẠNG

Ông Nguyễn Văn Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An xác nhận: Công tác đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa nước ở địa bàn tỉnh Nghệ An là rất đáng lo ngại. Trong các nguyên nhân chính, thứ nhất là phần lớn các công trình hồ chứa nước đã qua nhiều năm khai thác sử dụng (từ 30 đến 40 năm, cá biệt có hồ chứa được xây dựng từ thời Pháp thuộc) nên đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Thứ hai là các hồ chứa nước trước đây thường được xây dựng không đồng bộ các hạng mục công trình, lại sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật khác nhau nên chất lượng không đảm bảo (phần lớn đập đất đắp bằng thủ công, đầm nén kém, nhiều hồ không được xử lý móng ở lòng khe). Một số hồ trong quá trình quản lý được đắp cao chống lũ bằng cách đắp vuốt mái đập làm giảm chiều rộng mặt đập và không đảm bảo mặt cắt theo tiêu chuẩn kỹ thuật; cống lấy nước chủ yếu bằng ống bê tông lắp ghép, cửa cống hầu hết là cửa phẳng, không kín nước; tràn xả lũ phần lớn là tràn bãi, sau được gia cố dần và mở rộng thêm, có tràn phải mở rộng thêm 3 - 4 lần tràn cũ, có tràn trước đây chỉ rộng 4 - 8 m, nay phải mở rộng 25 - 40 m. Hiện nay vẫn còn nhiều hồ sử dụng tràn bãi, quá trình sử dụng bị xói sâu làm giảm dung tích hiệu quả của hồ.


Đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT kiểm tra hồ Khe Làng (Hưng Nguyên, Nghệ An)

Thứ ba, do thiếu kinh phí nên công tác duy tu, sửa chữa hàng năm chưa đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo an toàn trong mùa lụt bão - ông Hoa xác nhận.

Đánh giá về thực trạng hồ chứa nước tại Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho rằng: Ngay cả những hồ chứa nước do nhà nước đầu tư xây dựng, đã được khảo sát, thiết kế theo quy trình, quy phạm kỹ thuật của ngành hiện khả năng phòng lũ lớn vẫn chưa đảm bảo mức an toàn cao. Nhiều hồ chứa chỉ an toàn chống lũ với tần suất P = 3 - 5% hoặc thấp hơn.

Các hồ chứa nước do xã, HTX quản lý (phần lớn được xây dựng trong phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc do dân tự xây dựng) là các hồ nhỏ, dung tích thường dưới 1 triệu m3 nước lại càng thiếu an toàn hơn do công tác quản lý còn nhiều tồn tại như: Việc duy tu, sửa chữa thường xuyên không thực hiện hoặc chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra nên công trình bị xuống cấp, rò nước, tổn thất nước lớn. Nhiều địa phương quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu mất mát, thất lạc, không có quy trình kỹ thuật quản lý, công tác đo đạc, quan trắc (quan trắc mực nước lũ, quan trắc lún, xê dịch) thực hiện không đầy đủ.

Mỗi năm tỉnh Nghệ An cấp kinh phí từ 7 đến 10 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa nhỏ các công trình hồ chứa nước, nhưng do số lượng hồ chứa nước quá nhiều nên chỉ mới tu sửa được một số hạng mục công trình trọng yếu, hư hỏng nặng. Cũng vì lý do thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa thường xuyên nên phần lớn hồ chứa nước do địa phương quản lý tại Nghệ An đều đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao...

Ông Phùng Thành Vinh, Trưởng BQL dự án ngành NN-PTNT Nghệ An trao đổi với PV: Tình trạng hồ chứa nước hiện không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão tại Nghệ An đang chiếm tới 60%, đa số đều nằm trong số đã được phân cấp cho địa phương (cấp xã và HTX) quản lý. Một thực tế lâu nay ai cũng biết là mặc dù được giao quản lý trên dưới 70 hồ chứa nước các loại, nhưng mỗi huyện chỉ có 1 kỹ sư thủy lợi, thậm chí có huyện không có cả biên chế này. Lực lượng cán bộ kỹ thuật chuyên ngành ở cấp xã lại càng thiếu, nên khi công trình xảy ra sự cố thì việc xử lý, ứng cứu hết sức lúng túng.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.