| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học để hướng tới xuất khẩu: [Bài 1] Bắt kịp xu thế của thế giới

Thứ Năm 06/06/2024 , 07:00 (GMT+7)

An toàn sinh học, dịch bệnh gắn liền với tự động hóa trong chăn nuôi được ví như lá chắn vững chắc trong kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi, thuận đường xuất khẩu.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc cung cấp sản phẩm chăn nuôi và là bếp ăn của thế giới. Ảnh: Lê Bình.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc cung cấp sản phẩm chăn nuôi và là bếp ăn của thế giới. Ảnh: Lê Bình.

Nhìn ra thế giới từ thực tế

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 26% giá trị ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi nhanh, quy mô đàn vật nuôi rất lớn. Đàn lợn là 28,6 triệu con, gia cầm là 558 triệu con, bò sữa khoảng 400.000 con, bò thịt là 6,5 triệu con, dê cừu 2,8 triệu con và trâu 2 triệu con.

"Sau nhiều năm tái cơ cấu, đến nay ngành chăn nuôi có được nền tảng tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ, đó là xuất khẩu còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ. Để giải quyết tiềm năng, lợi thế to lớn của chăn nuôi phải hướng đến xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thế nhưng, để xuất khẩu, nhất là sang những thị trường khó tính, Việt Nam cần phải đảm bảo được việc tuân thủ những “luật chơi” chung. Ngoài việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi không sử dụng kháng sinh, ngành chăn nuôi còn nhiều việc phải làm.

“Ngành chăn nuôi chúng ta cần phải giải quyết đồng bộ tất cả các khâu, từ phúc lợi động vật, thức ăn chăn nuôi, môi trường và khâu chế biến thực phẩm. Đặc biệt, ngành chăn nuôi cần chú trọng ứng dụng vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cao và an toàn sinh học”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Hà Lan là một đất nước nước nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới. Hà Lan cũng đã từng “đau đầu” trước bài toán giải quyết lương thực trong nước. Thế nhưng, giờ đây, họ trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai thế giới với năng suất đáng kinh ngạc.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc toàn cầu De Heus tiết lộ, nguyên nhân là do Hà Lan thực thi chiến lược “đầu tư cao - sản xuất nhiều”. Nhờ đó, Hà Lan có kết cấu hạ tầng nông nghiệp rất tốt.

“Chúng tôi tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp có hạn tại một quốc gia mà tổng diện tích cả nước chưa đầy 42.000km2. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao cũng giúp chúng tôi thuận tiện trong việc kiểm soát dịch bệnh, nâng cao sản lượng và chất lượng.

Tất cả những điều này luôn song hành với nhau. Điều này cũng được De Heus đang áp dụng tại các trang trại của mình ở Việt Nam”, ông Gabor Fluit chia sẻ.

Khu vực vận hành hệ thống giám sát thông minh mọi hoạt động sản xuất của CPV Food Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực vận hành hệ thống giám sát thông minh mọi hoạt động sản xuất của CPV Food Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Tại Nhật Bản, việc áp dụng kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi không chỉ mang đến chất lượng sản phẩm cao, năng suất gia tăng. Với đặc điểm có nhiều đảo nhỏ, biệt lập nên các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư các trang trại bài bản tại đây, điều này lại cực kỳ thuận tiện trong việc phòng tránh dịch bệnh trên vật nuôi.

Theo ông Trần Khánh Huy, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Koyu & Unitek, máy móc tự động và trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại nhiều trang trại chăn nuôi của Nhật Bản. Việc ứng dụng này không chỉ giúp vật nuôi được chăm sóc một cách tối ưu, mà còn nâng cao hiệu suất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Thậm chí, máy móc tham gia luôn vào khâu kiểm soát tình trạng sức khỏe, hướng xử lý mà ít phải can thiệp bằng thuốc.

Nhiều 'ông lớn' trong ngành chăn nuôi cùng hợp tác với kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và xuất sang nhiều thị trường mới, khó tính. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều "ông lớn" trong ngành chăn nuôi cùng hợp tác với kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và xuất sang nhiều thị trường mới, khó tính. Ảnh: Lê Bình.

Cái bắt tay của các “ông lớn” ngành chăn nuôi

Tại Đông Nam Bộ, các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi Đông Nam bộ cũng đang bắt tay với nhau để có thể rộng đường xuất khẩu.

Từ năm 2013, để chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, một nhóm doanh nghiệp đã cùng phối hợp thực hiện chuỗi với từng khâu riêng biệt.

Theo đó, Tập đoàn De Heus đảm nhiệm cung cấp thức ăn, Công ty CP Bel Gà (Bỉ) cung cấp giống và Hùng Nhơn Group thực hiện chăn nuôi đàn gà trong các trang trại gà đạt chuẩn Global GAHP. Công ty TNHH Koyu & Unitek nhận trách nhiệm thu mua, giết mổ và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thay vì "đối đầu" trong một cuộc đua khốc liệt, doanh nghiệp đã bắt tay để tăng thêm cơ hội tăng trưởng bền vững, tự khai thác các cơ hội kinh doanh mới, mở rộng thị trường và vươn tầm ra thế giới.

Từ cái bắt tay này, De Heus và Hùng Nhơn, Bel Gà tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác như Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng... Hàng năm, chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn xuất bán khoảng 1,6 triệu con gà thịt an toàn cho thị trường.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và Tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn, khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực Nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030. Đây là một trong những dự án được áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ.

Trước đó, thương vụ De Heus mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của tập đoàn Masan cũng được chú ý và được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” cho ngành chăn nuôi và rộng đường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Không chỉ các "đại bàng" quyết định về chung một nhà, mà nông dân và doanh nghiệp đang chủ động chung chiến tuyến để tạo ra những mô hình làm ăn có hiệu quả, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường và đơn đặt hàng của nhà tiêu thụ, hứa hẹn sẽ là một lối đi bền vững đem về tiền tỷ cho ngành nông nghiệp.

Công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh đang được ngành thú y thực hiện nghiêm túc để sản phẩm chăn nuôi rộng đường tới các thị trường mới. Ảnh: Lê Bình.

Công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh đang được ngành thú y thực hiện nghiêm túc để sản phẩm chăn nuôi rộng đường tới các thị trường mới. Ảnh: Lê Bình.

An toàn vùng chăn nuôi là động lực thúc đẩy xuất khẩu

Thú y đóng vai trò hết sức quan trọng vào tốc độ phát triển chung của ngành chăn nuôi. Đặc biệt, để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thú y tốt được coi là “giấy thông hành” để đưa các sản phẩm này tới bàn ăn thế giới.

Trong năm 2023, ngành Thú y đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và tiêm mở rộng các loại vacxin phòng nhiều bệnh trên vật nuôi. Việt Nam cũng đã nghiên cứu thành công và xuất khẩu vacxin dịch tả lợn Châu Phi, xuất khẩu chính ngạch lô yến đầu tiên sang Trung Quốc, đang xúc tiến đưa sản phẩm thịt gà sang Anh, châu Âu…

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, toàn ngành đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế như FAO, CDC, WOAH... để học hỏi, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước. Không những thế, người dân và các hộ chăn nuôi còn được tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên.

Đến nay, cả nước có 1.779 cơ sở an toàn dịch bệnh và 247 vùng an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, 714 cơ sở gia cầm, 971 cơ sở đối lợn và 94 cơ sở gia súc khác. Các vùng an toàn dịch bệnh gồm 152 vùng gia cầm, 24 vùng lợn  và 71 vùng với gia súc khác.

"Chúng tôi luôn thực hiện đúng phương châm: Muốn ăn ngon, trước hết phải ăn vệ sinh, an toàn. Các nước cũng thế, họ cũng muốn người dân của mình không chỉ được ăn ngon mà còn phải an toàn, sạch bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh càng phải được thực hiện nghiêm túc nếu muốn sản phẩm xuất khẩu đi các nước”, ông Long chia sẻ.

Chăn nuôi ứng dụng khoa học kĩ thuật không chỉ giúp tiết kiệm nhân công mà đàn vật nuôi cũng được đảm bảo, khỏe mạnh hơn. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi ứng dụng khoa học kĩ thuật không chỉ giúp tiết kiệm nhân công mà đàn vật nuôi cũng được đảm bảo, khỏe mạnh hơn. Ảnh: Lê Bình.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Sắp tới đây, Việt Nam có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu thịt gia cầm. Với thị trường 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt lên tới khoảng 400 tỷ USD/ năm, do đó dư địa để xuất khẩu thịt sang Trung Quốc rất cao.

“Trong tương lai, chúng ta có thể tiếp tục đàm phán Nghị định thư về xuất khẩu thịt lợn, thì việc đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lên hàng tỷ USD mỗi năm là điều có thể hy vọng”, Thứ trưởng Tiến bày tỏ.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 34 triệu quả trứng gia cầm, tăng hơn 3,1 lần so với năm 2022. Sau 4 năm bị cấm, trứng gia cầm của Việt Nam lại được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông và ngay lập tức, thị trường này chiếm khoảng 70% lượng trứng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam cũng đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang thị trường Mông Cổ.

Cơ hội xuất khẩu vẫn còn dư địa rất lớn. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang tạo cho ngành chăn nuôi Việt Nam thêm nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, mở đường xuất khẩu đã khó, duy trì được việc này càng khó khăn hơn. Do đó, để con đường xuất khẩu luôn “thông” vấn đề an toàn sinh học, dịch bệnh luôn cần được đặt lên hàng đầu.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.