| Hotline: 0983.970.780

Anh nông dân biến đầu kéo máy nông nghiệp thành máy đa dụng

Thứ Hai 08/04/2024 , 08:00 (GMT+7)

BẮC KẠN Từ đầu máy kéo nông nghiệp, anh Duẩn cải tiến thành chiếc máy đa dụng có thể gắp, nâng, hạ nông lâm sản, giúp cải thiện vượt trội năng suất lao động.

Giải pháp sáng tạo giàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy nông nghiệp của anh Duẩn. Ảnh: Đình Hợi. 

Giải pháp sáng tạo giàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy nông nghiệp của anh Duẩn. Ảnh: Đình Hợi. 

Đi lòng vòng qua nhiều con ngõ nhỏ, xưởng cơ khí của anh Hoàng Văn Duẩn (xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) hiện lên lọt thỏm dưới gầm ngôi nhà sàn. Trong không gian nhỏ hẹp, các loại linh kiện máy móc nằm la liệt, mùi dầu mỡ nồng nặc.

Gặp chúng tôi, anh Duẩn hồ hởi kể về hành trình biến máy đầu kéo nông nghiệp thành chiếc máy đa dụng của mình.

Vốn sẵn niềm đam mê máy móc, cuối năm 2018, anh đã tháo 2 đầu máy nông nghiệp của gia đình với hi vọng cải tiến, lắp thêm giàn nâng thủy lực để trở thành chiếc máy đa dụng, nhiều chức năng.

“Hai đầu máy nông nghiệp là tài sản lớn của gia đình, lúc đầu vừa làm cũng vừa lo, sợ không thành công, máy móc hỏng hết thì không biết lấy gì sản xuất. Nhưng vì niềm đam mê, mong muốn tạo ra chiếc máy có hiệu suất làm việc cao, đa dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên tôi vẫn quyết tâm làm”, anh Duẩn chia sẻ.

Hệ thống giàn nâng thủy lực gắn trên máy nông nghiệp của anh Duẩn đạt nhiều giải thưởng. Ảnh: Đình Hợi. 

Hệ thống giàn nâng thủy lực gắn trên máy nông nghiệp của anh Duẩn đạt nhiều giải thưởng. Ảnh: Đình Hợi. 

Theo anh Duẩn, khi bắt tay vào làm, nhiều phụ tùng phải lặn lội tìm tận các bãi máy cũ ở miền xuôi. Nhiều lần làm xong, chạy thử nghiệm thất bại, gia đình hết lời khuyên ngăn anh bỏ cuộc, tìm công việc làm thuê ở gần nhà để có thu nhập.

“Thất bại là mẹ của thành công, mình vẫn kiên trì, sai chỗ nào mình lại lên mạng tìm hiểu cải tiến. Sau nhiều tháng mày mò, chiếc máy đầu tiên sau khi cải tiến đã thành công, mình thực sự vỡ òa cảm xúc. Từ đầu máy kéo ban đầu, sau cải tiến đã có thể nâng gắp các loại gỗ, đồ nông sản khác”, anh Duẩn kể.

Với chi phí đầu tư bộ gắp tốn 64 triệu đồng, thùng máy 330 triệu đồng, từ khi hoàn thiện chức năng nâng gắp và ủi cho chiếc máy, công việc ngày càng nhiều nên thu nhập của anh Duẩn dần ổn định. Chỉ tính việc vận chuyền rơm rạ cho trại nuôi bò và chuyên chở phụ phẩm lâm sản ở các xưởng gỗ bóc gần đó cũng mang lại cho anh thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh Duẩn nhận giải nhất 'Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX'. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Anh Duẩn nhận giải nhất “Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX”. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Sáng kiến của anh Duẩn đã giúp chiếc máy có thể giải quyết được 3 công đoạn là gắp, nâng, hạ nông sản, hàng hóa, vật liệu xây dựng; xúc ủi đất, phục vụ sửa đường. Mặt khác, chiếc máy này cũng dễ dàng chuyển đổi chức năng để trở thành máy kéo nông nghiệp thông thường.

Giàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy nông nghiệp của anh Hoàng Văn Duẩn đã đạt giải nhất cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IX” (năm 2021 - 2022). Anh cũng là một trong 62 cá nhân được tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" năm 2022 và là hội viên nông dân duy nhất của tỉnh Bắc Kạn lọt vào danh sách nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Chia sẻ dự định tương lai, anh Duẩn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm để chiếc máy vận hành tốt hơn, có điều kiện sẽ sản xuất hệ thống dàn nâng, gắp phục vụ mục đích thương mại.

“Hiện cũng có nhiều người đến xem, đặt hàng nhưng vì xưởng còn nhỏ, vốn chưa nhiều nên chưa thể sản xuất đồng loạt. Thời gian tới tôi sẽ kêu gọi thêm nguồn lực để thỏa mong ước, cũng như sản xuất thêm nhiều chiếc máy cung cấp cho bà con với giá thành cạnh tranh nhất”, anh Duẩn cho biết thêm.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...