| Hotline: 0983.970.780

Anh nông dân chế tạo ra máy thu hoạch mía bằng 70 công lao động

Thứ Năm 12/10/2017 , 09:45 (GMT+7)

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nông dân Phi Anh Đệ ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) đã chế tạo thành công máy thu hoạch mía có công suất làm việc bằng 70 công lao động chặt thủ công.

Anh Đệ cho biết, ý tưởng sáng chế máy thu hoạch mía được anh nghĩ đến cách đây 10 năm xuất phát từ việc chặt mía thủ công của nông dân quá vất vả. Thế nhưng do kinh tế gia đình khó khăn nên anh chưa có điều kiện bắt tay vào thực hiện từ lúc đó. Cho đến những năm gần đây khi công lao động chặt mía ngày càng khan hiếm, thuê mướn tăng cao đã thôi thúc anh phải chế tạo ngay. Dù chỉ học hết lớp 5 nhưng nhờ có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở TP.HCM về lĩnh vực cơ khí, tháng 12/2016 anh bắt tay vào thực hiện...

“Trước khi cho ra đời máy thu hoạch mía tôi đã đi nhiều nơi học hỏi, sang cả Thái Lan xem máy nông nghiệp của họ trình diễn. Đến tháng 10/2017 tôi đã chế tạo thành công chiếc máy liên hợp thu hoạch mía đáp ứng nhu cầu của nông dân. Theo đó, máy hoạt động liên tục theo dây chuyền khép kín từ khâu cắt, cuốn, băm khúc đúng theo yêu cầu của nhà máy đường là mỗi đoạn 20cm, sau đó đổ xuống xe tải cùng chạy song song đưa vào nhà máy. Hơn nữa máy còn chặt được sát gốc mía, chứ chặt bằng tay thì bỏ gốc hơn 10cm. Còn rác mía cũng được băm gần vụn để làm phân cho vụ mía tới…”, anh Đệ chia sẻ.

10-40-45_1
Anh Đệ trình diễn máy thu hoạch mía

Dẫn chúng tôi tham quan máy cắt mía, anh Đệ còn giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy là cơ thủy lực, nhưng phần cơ nhiều hơn. Các chi tiết từng bộ phận của máy được lắp đặt, sửa chữa dễ dàng với chi phí thấp. Tổng trọng lượng của máy khoảng 3 tấn, với chi phí đầu tư từ 1 - 1,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với máy nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, ưu điểm của máy là hoạt động không kén đất, trong địa hình trồng mía nhỏ lẻ với diện tích vài sào, kể cả ruộng nằm ở độ dốc từ 10 - 15 độ.

Về năng suất làm việc của máy, theo anh Đệ trung bình 1 giờ có thể thu hoạch được 8 tấn mía (1 ngày thu hoạch từ 80 - 100 tấn mía), tương ứng bằng 70 công lao động chặt thủ công hiện nay.

Để chứng minh cho bà con và 5 nhà máy đường trong và ngoài tỉnh được “mắt thấy tay sờ” về hiệu quả của máy, mới đây anh Đệ đã đưa ra ruộng mía trình diễn.

Theo đánh giá nhiều nông dân về máy thu hoạch này được gói gọn với 2 từ "tuyệt vời." Máy hoạt động êm và việc thu hoạch mía rất gọn gàng. Nếu vài người có diện tích mía lớn cùng góp tiền sở hữu được máy này sẽ tiết kiệm nhiều nhiều chi phí về công thu hoạch.

10-40-45_2
Máy thu hoạch mía có ưu điểm cắt thành đoạn 20cm chở thẳng luôn vào nhà máy

Ông Trần Văn Tuấn ở xã Sơn Nguyên cho biết: “Mấy năm gần đây chúng tôi thuê nhân công chặt mía rất khó khăn. Khi thu hoạch xong phải tốn thêm công thực hiện nhiều công đoạn khác như bốc vác lên xe, rồi băm... mới vận chuyển được vào nhà máy. Trong khi máy thu hoạch mía do anh Đệ sáng chế đã làm xong các công đoạn này, giúp bà con giảm chi phí, tăng lợi nhuận”.

Còn ông Đặng Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên đánh giá, qua buổi trình diễn ông thấy máy của anh Đệ sáng chế hoạt động như vậy là quá tốt, không kém gì máy móc của nước ngoài. Người dân xã Sơn Nguyên nói riêng và người trồng mía nói chung từ nay sẽ đỡ vất vả khi thu hoạch bằng máy này.

"Việc chế tạo thành công máy thu hoạch mía không chỉ giúp nông dân giảm bớt lao động chân tay, mà còn đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, làm thay đổi tập quán SX thủ công. Chính quyền cũng khuyến khích, hỗ trợ để các sản phẩm cơ khí của anh Đệ có thể được ứng dụng rộng rãi...", ông Thiện chia sẻ.

 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Triển vọng cây ba kích tím ở vùng núi Vũ Quang

HÀ TĨNH Sau gần 2 năm thử nghiệm, mô hình trồng ba kích tím của anh Phan Đăng Vượng ở thôn 3, xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) mang lại nhiều kết quả khả quan.