“Thầy lang” của các loại máy
Nói như búa máy gõ trên đe, ánh mắt màu đồng như lửa tóe ra từ lò bễ, những ngón tay dùi đục cứng ngắc, “chất cơ khí” toát ra từ con người anh đậm đặc, không thể giấu giếm. Anh Nguyễn Sinh Tài (thôn Ứng Hòa, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đến với nghề từ rất sớm và nhanh chóng trở thành một nhà sáng chế chân đất nổi tiếng ở xứ đồng chiêm trũng này. Máy bừa “thủy phi cơ” là một trong rất nhiều sáng chế của anh.
Anh Nguyễn Sinh Tài |
Theo thiết kế nguyên bản chiếc máy chỉ có thể bừa trên ruộng có bùn sâu 10-20cm, ít rơm rạ và cỏ dại. Nếu vận hành ở các ruộng nhiều bùn, nhiều rơm rạ và cỏ dại sẽ liên tục bị quấn bánh, quá tải, thậm chí gặp những ruộng rau muống dày sẽ không chạy nổi quá 3-4 m.
Bằng một loạt những cải tiến như bánh lồng kép nan to và thưa, bánh đuôi to vượt càn giúp máy chạy bình thường ở độ sâu 40cm bùn, 60cm nước, rất đắc dụng cho vùng trũng nhiều cỏ dại hay bừa ở các đầm sen. Không dừng lại ở đó, anh Tài đang dự tính bịt kín hộp số và động cơ để máy bừa được sâu hơn hay thậm chí có thể cho nó… bơi trên sông để vớt bèo, dẹp loạn nạn bèo tây đang lan tràn khắp xứ sở.
Anh hào hứng kể về 12 sáng kiến của mình nào là máy bóc tách hạt ngô non, hạt đậu leo, bộ san ruộng nước lắp cho tất cả các máy bừa nông nghiệp, bánh hướng lái cho máy 4 bánh rẽ lái chống cồn ruộng, bánh lồng chống lầy cho máy bừa 4 bánh… Thuộc tính nết của nhiều loại máy nông nghiệp còn hơn cả lòng bàn tay mình nên anh nổi tiếng là một “thầy lang” khéo chữa những bệnh nan y như nóng máy của MTZ50 Liên Xô cứ vừa chạy vừa nghỉ hay bệnh côn dầu của máy Nhật cứ vừa chạy vừa hỏng.
Người nông dân những mong có máy móc thay thế cho những công đoạn khó nhọc, phải sấp ngửa suốt ngày trên cánh đồng. Vậy mà, mua về chạy chưa hết mùa, bìa đỏ nhà đất vẫn còn cắm ở ngân hàng vì vay nợ mà máy móc đã đắp đống nằm chết. Đón thầy, đón thợ khắp nơi về nhưng có bệnh chỉ chữa vài ba bữa đã lại hỏng.
Anh Tài lặn lội chạy xe máy một mạch từ Hà Nội về tận Hải Phòng chỉ để chữa ca đầu tiên về bệnh côn dầu. Bởi chưa bao giờ vấp phải một chiếc máy mới của Nhật nên mất đến 20 hôm vừa tìm hiểu vừa sửa mà hỏng vẫn hoàn hỏng. Gia chủ từ nể nang, cảm phục đã chuyển sang chán nản bởi vì cứ phải bao cơm nuôi suốt mới nói toạc ra: Thôi bác đừng sửa nữa mà tôi thêm sốt ruột.
Dẹp sự tự ái đang dâng trào lên trong lòng, anh khảng khái hứa ngày một, ngày hai mà không sửa được sẽ không lấy một đồng tiền công. Cuối cùng căn bệnh hiểm cũng được anh bắt, lôi ra ánh sáng, đó là bị mất áp lực đường dầu nên thợ cứ sửa xong, chạy trên thực địa lại hỏng tiếp. Anh khắc phục và làm sống lại cái máy tưởng như đã kề miệng Tề Lỗ (nơi chuyên phá dỡ máy móc ở miền Bắc) của người nông dân nọ theo một cơ chế mà chính những kỹ sư chế tạo ra nó cũng không hình dung ra.
|
Chuẩn bị xuống ruộng lầy |
Anh chìa cho tôi một lá thư cảm ơn, trong đó có mấy dòng mộc mạc thế này: “Tên tôi là Nguyễn Văn Thắng, trú quán tại thôn Hàm Dương, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 2015, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi bàn bạc mạnh dạn vay ngân hàng mua chiếc máy bừa Kubota 45 mã lực để bừa thuê cho xã viên, tăng thu nhập cho gia đình.
Niềm vui tài lộc đến với gia đình tôi không được như mong đợi, số tiền gia đình tôi mua máy 200 triệu bừa chưa được một vụ máy đã hỏng bộ ly hợp (côn dầu). Đại lý bán máy có bảo hành, cho thợ lên chữa cũng không được. Sau khi tìm hiểu tôi được biết máy có côn dầu của tôi rất khó chữa. Tôi đã tìm hiểu thông tin và tìm nhiều thợ chữa máy trong Nam ngoài Bắc cũng chưa chữa được.
Được anh em làm máy ở huyện Vĩnh Bảo giới thiệu cho tôi anh Nguyễn Sinh Tài ở Phúc Tiến, Phú Xuyên (Hà Nội) chữa được. Tuy anh không học qua trường cơ khí nhưng đã chữa sống lại máy của tôi và một số anh em khác như anh Mấm ở xã Hòa Bình, anh Mầm ở xã Cổ Am đều là những bệnh khó không tìm được thợ chữa…”. Để xác tín cho những sự việc trong lá thư cảm ơn là dấu đỏ của UBND xã Hòa Bình và mấy dòng bút phê do Phó Chủ tịch Đoàn Như Roãn ký.
Xin đặc ân từ bà Nguyễn Thị Doan
Anh Tài bảo, các loại máy gặt đập liên hợp đang bò như cua trên đồng khắp Bắc, Trung, Nam của Nhật Bản vốn được đánh giá là rất tốt rồi nhưng cũng vẫn sợ gặt lúa ướt hay lúa nếp. Chúng không mấy khi dám xuống ruộng lúc trời còn tờ mờ sáng mà phải đợi nắng lên, ráo sương mới hoạt động. Lượng sương bám vào cây lúa khiến bộ phận sàng tách hạt của máy hoạt động không hiệu quả, thổi ra ruộng lẫn cả rơm và thóc.
Từ dụng cụ quen thuộc của nhà nông là cái sảo và cái sàng anh Tài nghĩ đến cách cải tạo máy. Sảo có tiết diện lỗ thoáng lớn hơn sàng nên lúa ướt có thể lọt qua còn sàng thì không nên bộ phận sàng của máy gặt đập liên hợp muốn gặt được lúa khi còn ướt phải có lỗ rộng hơn. Còn về bệnh sợ lúa nếp của máy là bởi cuống hạt rất dai nên phải cải tạo tăng tỷ số đập cũng như chiều dài của khoang buồng đập…
Máy gặt đập liên hợp còn có bệnh chung là rất sợ ruộng lầy. Một số đồng trũng máy không thể di chuyển mà có đi được cũng phá ruộng khủng khiếp, tạo thành rãnh, thành hào. Bởi thế mà khát vọng tột bậc của anh Tài là cải tiến cho máy vận hành được trên ruộng lầy thụt bằng một loạt những thay đổi như thay xích cao su bằng xích sắt, tăng bản xích rộng và dài để tăng ma sát sinh công, tạo vấu bám cao và thưa hoặc cho 3 dải xích chạy đồng tốc với nhau (thêm 1 xích ở giữa máy)...
|
Ngập sâu vẫn chạy tốt |
Tất cả các giải pháp đó đã có sẵn ở trong đầu, chỉ cần gọi cái là ra nhưng lại vấp phải khó khăn muôn thủa: tiền bởi sẽ phải mất khoảng 200 triệu đồng và 4 tháng để thi công.
Mấy chục năm gắn bó với đời cơ khí nhưng nhà cửa vẫn đơn sơ, xưởng sản xuất vẫn tạm bợ, đời sống của anh vẫn còn nhiều vất vả. Đi vay không được, đi xin hỗ trợ không biết cách nên mới đây anh đánh liều viết một bức thư gửi cho bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Trong bức thư đó, người đàn ông xấp xỉ 50 tuổi này viết: “…Cháu xin được gặp các cấp lãnh đạo hoặc viết thư nhưng rất khó gặp, cháu mong bà đặc ân giúp liên hệ với Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội hay nhà tài trợ hợp tác giúp cháu có nguồn ngân sách để cải tiến máy gặt đập chạy được hết mọi diện tích. Các loại máy nhỏ như bóc tách ngô non, bóc tách hạt đậu leo, máy san ruộng của cháu được sớm đến với người nông dân”.
Bởi niềm vui lớn nhất trong đời của người thợ cơ khí này là không phải nhìn thấy các cháu nhỏ phải lao động cực nhọc trên đồng, là được ngắm các cụ già nghỉ ngơi khi đến tuổi yếu mòn.