| Hotline: 0983.970.780

Anh nông dân tạo dây chuyền làm miến dong trong mọi thời tiết

Thứ Bảy 09/03/2024 , 19:02 (GMT+7)

HƯNG YÊN Dây chuyền của anh Tưởng cho phép chế biến miến trong mọi điều kiện thời tiết, giảm công lao động, năng suất chế biến tăng gấp 1,5 lần.

Phải thuyết phục rất nhiều lần, anh Phạm Văn Tưởng, chủ cơ sở chế biến miến dong ở thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) mới đồng ý chia sẻ đôi nét về dây chuyền tự động sản xuất miến dong trong mọi điều kiện thời tiết do chính anh phác thảo, rồi cùng với thợ cơ khí vừa làm vừa chỉnh sửa cho tới khi máy vận hành đạt kết quả cao.

Theo anh Tưởng, quy trình chế biến miến dong thông dụng hiện nay phải tiến hành tuần tự theo các bước: Chọn mua tinh bột dong riềng tươi mới (bột vẫn còn nhựa) - lọc sạn - nấu hồ (lấy khoảng 1% khối lượng bột tươi dùng để chế biến miến trong ngày đưa vào nồi hoặc chảo khuấy đảo đều trên lò lửa cho tới khi hoá hồ thành dạng keo) - đổ bột hoá hồ vào máy trộn với 99% lượng bột sống (để lại ở trên) cho quyện đều vào nhau - đưa lên máy tráng thành bánh - mang bánh phơi nắng tới khô se - đưa vào máy thái sợi - gom sợi miến rải lên giàn tre mang đi phơi nắng cho khô kiệt. Cuối cùng, tuỳ theo yêu cầu các đơn hàng để bao gói miến theo quy cách hay giao nguyên sợi chưa bao gói cho thương lái.

Lao động đang vận hành máy thái miến. Ảnh: Hải Tiến.

Lao động đang vận hành máy thái miến. Ảnh: Hải Tiến.

Anh Tưởng cho biết, trong toàn bộ quy trình chế biến miến nêu trên, có 2 công đoạn là làm khô bánh tráng và sợi miến vẫn phải "trông trời trông đất trông mây" bởi vào những ngày không nắng hoặc nồm ẩm, các cơ sở đều không thể sản xuất miến dong vì bánh tráng không phơi se khô sẽ không thể thái thành sợi và sợi miến sau thái không phơi khô kiệt ngay sẽ bị mốc, bỏ đi. Đồng thời còn phải có đủ diện tích đất trống cho bắc giáo xếp giàn phơi khô miến dong nên các chủ cơ sở sản xuất đều phải thuê lâu dài từ 1.000- 1.500m2 đất để phơi miến dong.

Đây là những tồn tại kéo dài từ khi có làng nghề gần 100 năm nay, chưa có ai khắc phục, không những làm lỡ kế hoạch sản xuất miến cho các đơn hàng mà còn gây thua lỗ nếu không may chế biến miến gặp phải ngày mưa kéo dài bất thường. Trước đây, anh Tưởng cũng không ngoại lệ và gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Để khắc phục những trở ngại trên, anh Tưởng đã dò hỏi rất nhiều nơi nhưng cũng không thấy đâu có bán dây chuyền chế biến miến cho những ngày thời tiết xấu. Tình cờ một lần "lang thang" trên mạng, anh nhìn thấy chiếc máy làm mì gạo có bộ phận sấy khô. Tuy khác xa so với dây chuyền chế biến miến của anh Tưởng hiện nay, nhưng cũng giúp anh phác thảo ra một cỗ máy liên hoàn vừa nấu bột thành hồ, vừa đảo trộn, tráng bánh, sấy khô, thái sợi... Rồi anh Tưởng mua sắt thép, đồ điện về tiến hành làm ngay.

"May mắn, tôi có người bạn thân khéo nghề cơ khí nên khi nêu ý tưởng, cả hai đều đồng lòng, say mê cắt gọt, hàn xì, dựng máy suốt ngày đêm, chỗ nào chưa được thì quyết làm bằng được. Phải mất gần nửa năm tháo ra, lắp vào, chỉnh sửa, chạy thử mới đạt được yêu cầu. Cũng có lúc tưởng như phải bỏ cuộc, vì rất nhiều lần máy làm xong, đưa vào vận hành cho bánh tráng không đều hoặc chạy không liên hoàn. Nhưng nghĩ tới số vốn bỏ ra trên 2 tỷ đồng cho làm hệ thống máy và những lần miến mốc phải đổ đi vì không phơi được nắng, chúng tôi lại lao vào chỉnh sửa chế tạo bằng được.

Cuối cùng trời đã không phụ lòng người, ngày dây chuyền máy vận hành trơn tru, trời mưa vẫn tạo ra được cả tấn miến dong khô/ngày. Chúng tôi vô cùng xúc động, lao vào ôm nhau, nước mắt giàn giụa", anh Tưởng nhớ lại.

Vào những ngày đẹp trời, anh Tưởng vẫn phơi miến ngoài trời nhằm tiết kiệm chi phí sấy miến bằng dây chuyền liên hoàn. Ảnh: Hải Tiến.

Vào những ngày đẹp trời, anh Tưởng vẫn phơi miến ngoài trời nhằm tiết kiệm chi phí sấy miến bằng dây chuyền liên hoàn. Ảnh: Hải Tiến.

Kết quả, sau 2 năm đưa dây chuyền chế biến miến mới vào vận hành, anh Tưởng đã thu hồi đủ vốn bỏ ra ban đầu (hơn 2 tỷ đồng), công suất máy cho phép sản xuất trên 3 tấn miến khô/ngày (10h), năng suất chế biến tăng 50% so với sản xuất miến theo quy trình cũ, đồng thời bớt được 3 lao động.

Đặc biệt, dây chuyền có hệ thống cấp nhiệt làm khô bánh tráng và sợi miến nên không còn lo chế biến miến gặp phải mưa kéo dài bất thường. Trước đây, từ đưa bột vào nấu hoá hồ tới có bánh miến cho thái sợi phải nửa ngày thời tiết khô hanh hoặc nắng to, nay chỉ cần 35 – 40 phút cho thực hiện công đoạn này trong mọi điều kiện thời tiết nắng, mưa hoặc ẩm ướt.

Trong đợt mưa rét kéo dài vừa qua, anh Tưởng đã cứu thua cho một số hộ cùng làm nghề trong làng, anh chỉ xin nhận đủ tiền điện và tiền mua củi đốt vận hành lò hơi sấy khô bánh tráng hoặc miến sợi. Dự kiến trong thời gian tới, anh Tưởng sẽ đầu tư lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời song song với nguồn điện quốc gia nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện tại, vào những ngày đẹp trời, anh Tưởng vẫn mang miến ra phơi để giảm chi phí nhiên liệu sấy miến.

Vốn tính khiêm nhường, không thích khoa trương nên dù dây chuyền chế biến miến của anh Tưởng đã hoạt động hiệu quả rất cao được gần 4 năm song vẫn còn giới hạn trong phạm vi làng nghề sở tại. Mãi gần đây, anh Tưởng mới nhận được giấy mời hội thảo từ Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH - CN) nhằm bảo hộ độc quyền sáng tạo cho dây chuyền máy của anh.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm