| Hotline: 0983.970.780

Anh tài trợ 3,4 triệu Bảng giải quyết tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam

Thứ Năm 29/08/2024 , 14:16 (GMT+7)

Vương quốc Anh và Việt Nam đều đã cam kết trở thành đối tác quốc tế có trách nhiệm trong công tác quản lý kháng thuốc.

Quỹ Fleming đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc. Ảnh: TT.

Quỹ Fleming đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc. Ảnh: TT.

Ngày 28/8, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp với Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360) đồng tổ chức Lễ công bố giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming trị giá 3,4 triệu Bảng Anh do Vương quốc Anh tài trợ để tiếp tục giải quyềt tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam.

Quỹ Fleming, được Chính phủ Anh quản lý, nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cải thiện hệ thống giám sát kháng thuốc, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm và thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu có chất lượng để đưa ra quyết định giải quyết vấn đề kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Giai đoạn II của Chương trình thể hiện cam kết của Vương quốc Anh với Việt Nam trong nỗ lực tiếp tục giải quyết tình trạng kháng thuốc. Sự kiện này cũng đã củng cố vai trò và tầm quan trọng của hệ thống quốc gia về giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh trong các lĩnh vực y tế, thú y và môi trường.

Với sự tham gia của đối tác chính phủ, các tổ chức phát triển và các bên liên quan, sự kiện nhấn mạnh tinh thần hợp tác - kim chỉ nam trong cách tiêp cận của Chính phủ Anh trong cuộc chiến chống kháng thuốc, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và thể hiện cam kết chung trong việc giải quyết một trong những thách thức y tế cấp bách hàng đầu của nhân loại.

Đại sứ Anh tại Việt Nam lain Frew ghi nhận vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc. Ảnh: Thanh Thủy. 

Đại sứ Anh tại Việt Nam lain Frew ghi nhận vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc. Ảnh: Thanh Thủy. 

Đại sứ Anh tại Việt Nam lain Frew ghi nhận vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc. Đại sứ cho biết: "Vương quốc Anh và Việt Nam đều đã cam kết trở thành đối tác quốc tế có trách nhiệm trong công tác quản lý kháng thuốc. Giai đoạn II của Quỹ Flemming sẽ tiếp tục những nỗ lực của hai bên không chỉ nâng cao công tác quản lý kháng thuốc tại Việt Nam mà còn thiết lập hình mẫu cho các quốc gia khác đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nhằm tăng cường hợp tác kháng thuốc trên toàn cầu".

TS. Nguyễn Thị Thu Nam, Giám đốc quốc gia Tổ chức FHI 360 tại Việt Nam chia sẻ, Quỹ Fleming đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc. FHI 360 cam kết sát cánh cùng với các đối tác, thúc đẩy thành tựu đạt được và nỗ lực tạo ra tác động bền vững trong tương lai.

Từ tháng 5/ 2019 đến tháng 4/ 2024, FHI 360 đã phối hợp với các cơ quan chính phủ và các đối tác triển khai tại Việt Nam để tiến hành thành công giai đoạn I của Chương trình với nguồn tài trợ trị giá 8,8 triệu Bảng Anh.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết trong giai đoạn I của Chương trình, các phòng thí nghiệm đều được tăng cường năng lực kỹ thuật trong quản lý và báo cáo dữ liệu, tăng cường an toàn sinh học và an ninh sinh học. Ảnh: Thanh Thủy. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết trong giai đoạn I của Chương trình, các phòng thí nghiệm đều được tăng cường năng lực kỹ thuật trong quản lý và báo cáo dữ liệu, tăng cường an toàn sinh học và an ninh sinh học. Ảnh: Thanh Thủy. 

Về phía Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, trong giai đoạn I của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming cho Việt Nam, dưới sự điều phối của FHI 360 Việt Nam, ba phòng thí nghiệm về thú y đã được hỗ trợ và tham gia vào hệ thống giám sát kháng kháng sinh quốc gia trong lĩnh vực thú y.

Trong suốt chương trình, các phòng thí nghiệm đều được tăng cường năng lực kỹ thuật trong quản lý và báo cáo dữ liệu, tăng cường an toàn sinh học và an ninh sinh học và quản lý thông tin. Bên cạnh đó, các phòng thí nghiệm đã nhận được hỗ trợ trong việc cải tạo cơ sở hạ tầng và mua sắm thiết bị.

Cho đến nay, hoạt động giám sát AMR chủ động trên toàn quốc được Cục Thú y tiến hành hàng năm tại 15 tỉnh trong giai đoạn 2021-2023 với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming. Dữ liệu kháng kháng sinh đã được báo cáo lên cổng thông tin AMR và được phần mềm WHONET (chương trình phân tích và quản lý dữ liệu phòng thí nghiệm vi sinh) phân tích.

Dữ liệu kháng kháng sinh đã được chia sẻ với các cơ quan chức năng của 15 tỉnh và ba phòng xét nghiệm AH và được các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai và TP HCM sử dụng làm tài liệu tham khảo để lập kế hoạch, xây dựng và triển khai giám sát kháng kháng sinh chủ động của tỉnh vào năm 2023.

Mạng lưới giám sát kháng thuốc quốc gia đã được thành lập tại 17 phòng xét nghiệm, 3 Phòng xét nghiệm Tham chiếu Quốc gia ngành y tế và 3 phòng xét nghiệm ngành thú y. Trong đó, thành tựu chính là việc tăng cường năng lực kỹ thuật, quản lý và báo cáo dữ liệu, thực hành an toàn và an ninh sinh học, cải thiện hệ thống quản lý thông tin, cải tạo cơ sở hạ tầng và cung ứng trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm.

Sự kiện cũng ghi nhận hiệu quả của các chương trình tập huấn và hội thảo chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các tài liệu và hướng dẫn quy trình vận hành về giám sát kháng thuốc.

Những nỗ lực này đã tạo tiền đề cho hoạt động giám sát kháng thuốc chủ động trên lợn và gà, hỗ trợ chiến lược quốc gia theo phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất trong chia sẻ kiến thức về kháng thuốc.

Giai đoanh II của Chương trình cam kết triển khai tại Việt Nam từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2025. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực, khả năng chẩn đoán và báo cáo về sự kháng thuốc của vi khuẩn và củng cố Hệ thống quốc gia về giám sát vi khuẩn kháng thuốc, quản lý sử dụng và tiêu thụ kháng sinh trong ngành y tế, thú y và môi trường thông qua các tiếp cận Một sức khỏe.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.