Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP
Theo thống kê, hiện Thái Nguyên là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn thứ 2 trong khu vực các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với tổng đàn khoảng 600.000 con lợn, 16 triệu con gia cầm, trên 95.000 con trâu, bò, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 124.000 tấn.
Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiện nay, ngành nông nghiệp Thái Nguyên xác định, việc triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Theo đó, thời gian qua, tại “Thủ đô gió ngàn, chiến khu Việt Bắc”, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng hữu cơ được nhân rộng, qua đó đảm bảo sức khỏe và giúp đàn vật nuôi phát triển tốt hơn. Điển hình, có thể nhắc đến huyện Đồng Hỷ.
Tại Đồng Hỷ, chăn nuôi gà là ngành nghề đang phát triển của người dân địa phương do sản phẩm thịt gà là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và đáp ứng được nhu cầu lớn của xã hội. Từ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, đến nay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo mô hình gia trại quy mô từ 500 con trở lên, có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 - 10.000 con. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với phương thức chăn nuôi truyền thống, đàn gà sẽ không được đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là với bệnh cúm gia cầm.
Nhận thức được vấn đề, thời gian qua, các hộ chăn nuôi thuộc Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thả vườn tại xã Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ) đã triển khai nuôi gần 10.000 con gà theo tiêu chuẩn VietGAHP.
Xác định công tác phòng chống dịch bệnh sẽ có vai trò quyết định đến hiệu quả trong chăn nuôi, ông Phạm Văn Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, bà con chủ động sử dụng những chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giữ vệ sinh, phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.
“Trước đây, chúng tôi chăn nuôi theo phương thức truyền thống, gà rất dễ nhiễm bệnh và phải dùng nhiều thuốc kháng sinh. Nhưng giờ đây triển khai chăn nuôi chú trọng đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đã giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh và hạn chế đến mức tối đa các loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh Gumboro, Newcastle, cúm gia cầm…”, ông Phạm Văn Định chia sẻ.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, để triển khai có hiệu quả quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, đồng thời đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, người dân cần đảm bảo chuồng trại, vườn quây được tách biệt với sinh hoạt của con người và các loài động vật khác. Đồng thời, cần vệ sinh khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và thuốc sát trùng trước khi nhập gà giống, cần phun thuốc khử trùng hàng tuần.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn cần sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi thối, các khí độc trong chuồng nuôi, qua đó đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, giúp vật nuôi ít bệnh và lớn nhanh, không có khí độc làm vật nuôi giảm ho hen, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
“Việc đáp ứng những yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là sử dụng những chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi đã góp phần tăng cường sức khỏe, giảm tỉ lệ mắc bệnh, nâng cao tỷ lệ nuôi sống của đàn gia cầm từ 90 - 100% cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm gia cầm”, ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, cho biết.
Xây dựng vùng, xã, huyện an toàn dịch bệnh
Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 700 trang trại chăn nuôi, trong đó có hơn 260 trại lợn, gần 450 trại gà, đàn trâu, bò được duy trì trên 95.000 con. Hầu hết các trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi đã sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 28 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, 80 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực.
Đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi Xanh (phường Lương Sơn, TP Sông Công), hiện đang vận hành trang trại chăn nuôi với khoảng 300 con lợn và 3.000 con gà.
Với những người dân có quy mô chuồng trại không hề nhỏ như ông Ngữ, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong chăn nuôi là phải đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm và phòng chống những dịch bệnh động vật nguy hiểm.
Nhấn mạnh yếu tố then chốt để có thể chăn nuôi một cách hiệu quả, không cách nào khác là phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, ông Ngữ cho biết, hiện nay, nhằm đáp ứng những yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, nhiều trang trại đã triển khai việc thiết lập vành đai khép kín để bảo vệ chuồng trại.
“Trong vòng bán kính 10m xung quanh chuồng trại, người chăn nuôi đã phát quang bụi rậm, chặt bỏ cây cối, láng bê tông đường, đổ bê tông đậy kín các nắp cống, quây lưới ngăn chuột cũng như nhiều loại côn trùng có thể mang mầm bệnh nguy hiểm khác như ruồi, muỗi, gián…”, Giám đốc HTX Chăn nuôi Xanh chia sẻ.
Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Đồng thời, triển khai quản lý dịch bệnh, tiêm phòng vacxin đạt các chỉ tiêu để hướng tới xây dựng vùng xã, huyện an toàn dịch bệnh.
“Tỉnh Thái Nguyên hiện có nhiều chương trình, mô hình nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai việc hỗ trợ đệm lót sinh học cũng như hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học. Tỉnh cũng đã xây dựng các cửa hàng giới thiệu các sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Đỗ Đình Trung thông tin.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT Thái Nguyên tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát trở lại. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất chăn nuôi, nhất là chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.