| Hotline: 0983.970.780

Hơn 60 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thiếu 'lệnh bài' về môi trường

Thứ Tư 13/11/2024 , 07:01 (GMT+7)

HÀ TĨNH Gần 80% trang trại chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh thiếu Giấy phép môi trường do yêu cầu của giấy phép cao hơn nhiều so với báo cáo đánh giá tác động môi trường...

16/80 cơ sở được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xả thải

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT đều quy định rất chi tiết về điều kiện bắt buộc các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả chất thải ra môi trường phải lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Đặc biệt, với chăn nuôi lợn quy mô lớn, giấy phép này là một trong những loại thủ tục quan trọng, bắt buộc phải có. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trang trại tại Hà Tĩnh được cấp giấy phép môi trường đang rất hạn chế.

Giấy phép môi trường là yêu cầu bắt buộc phải có đối với cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn. Ảnh: Thanh Nga.

Giấy phép môi trường là yêu cầu bắt buộc phải có đối với cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn. Ảnh: Thanh Nga.

“Hiện có 80 cơ sở chăn nuôi lợn đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (quy mô chăn nuôi gia súc trên 500 con thì đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP - PV). Các cơ sở này đều thuộc nhóm đối tượng cần phải thực hiện cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 16/80 cơ sở được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xả thải (được xem là GPMT thành phần), đạt tỷ lệ 20%”, thông tin Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết.

Bài liên quan

Theo sở này, tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt giấy phép môi trường đang chậm bởi hiện trạng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở hầu như chưa đảm bảo, không đồng bộ, không đúng quy trình kỹ thuật như: hồ xử lý nước thải chưa được lót bạt chống thấm; hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo, vận hành bể biogas không hiệu quả... Các cơ sở chăn nuôi cần phải có thời gian để xây dựng bổ sung hoặc cải tạo đảm bảo theo quy định, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường mới đủ điều kiện được cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Ngoài ra, tại nhiều cơ sở không có nhân viên phụ trách môi trường, chỉ có cán bộ hành chính kiêm nhiệm nên việc thực hiện thủ tục, hồ sơ theo quy định còn khó khăn. Ý thức về thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường đảm bảo theo đúng quy định của một số chủ cơ sở, doanh nghiệp vẫn chưa cao dù đã được thông tin, tập huấn.

Tuy nhiên hiện có đến 80% cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh cho có 'tấm lệnh bài' này. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên hiện có đến 80% cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh cho có "tấm lệnh bài" này. Ảnh: Thanh Nga.

Trang trại chăn nuôi chưa mặn mà

Theo đánh giá của các chủ trại, sở dĩ họ chưa mặn mà với việc xin cấp giấy phép môi trường là do yêu cầu của giấy phép cao hơn nhiều so với báo cáo đánh giá tác động môi trường.

“Ngoài đầu tư nguồn lực điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, quá trình trình làm hồ sơ thủ tục đạt tiêu chuẩn khi kiểm nghiệm, đánh giá cũng phức tạp hơn nhiều. Do đó chúng tôi cần thời gian để cân đối hài hòa hoạt động sản xuất với tái đầu tư, bảo vệ môi trường”, chủ trang trại nuôi 1.000 con lợi thịt tại huyện Hương Khê nói.

Công ty CP chăn nuôi Mitraco là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh được cấp giấy phép môi trường. Ảnh: Thanh Nga.

Công ty CP chăn nuôi Mitraco là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh được cấp giấy phép môi trường. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng quan điểm, ông N.T.H, chủ trang trại nuôi lợn nái tại huyện Đức Thọ đang trên hành trình xin cấp giấy phép môi trường, cho biết, để được cấp giấy phép môi trường cần thực hiện nhiều công đoạn, hồ sơ, báo cáo các loại. Đặc biệt, hệ thống nước thải phải đạt tiêu chuẩn; các hồ, bể, chuồng ở vị trí nào, khoảng cách bao nhiêu đều cần đúng quy hoạch đã lập 100%. Dù cơ sở muốn thực hiện đúng quy định nhưng cũng còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, quy định, cần sự hướng dẫn của các cấp, các ngành.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Hà Tĩnh - một trong những đơn vị tư vấn thực hiện cấp giấy phép môi trường cho nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà..., thực trạng phổ biến hiện nay là hầu hết các trang trại xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian.

Ví như Công ty CP Chăn nuôi Mitraco, dù đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải nhưng cũng phải mất 2 – 3 năm mới được cấp giấy phép môi trường cho cả 2 cơ sở chăn nuôi gồm Trung tâm Sản xuất lợn giống tại huyện Kỳ Anh (cấp năm 2022) và trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc (cấp năm 2024).

Điều kiện để được cấp giấy phép môi trường khá cao nên nhiều cơ sở chưa mặn mà. Ảnh: Thanh Nga.

Điều kiện để được cấp giấy phép môi trường khá cao nên nhiều cơ sở chưa mặn mà. Ảnh: Thanh Nga.

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép môi trường, ngoài việc phát văn bản đôn đốc, hướng dẫn quy trình thực hiện, thời gian tới Sở TN-MT Hà Tĩnh sẽ tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi lợn do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sẽ xử phạt nghiêm nhằm tăng tính răn đe.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và các văn bản pháp lý về quản lý bảo vệ môi trường cho các cán bộ địa phương; cơ sở chăn nuôi.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.