| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về chàng kiểm lâm thương binh

Thứ Tư 03/05/2023 , 10:44 (GMT+7)

Bị nhóm lâm tặc 'xin' nhầm một cánh tay lúc mới 26 tuổi, khi đó, ai cũng nghĩ anh sẽ không còn can đảm để tiếp tục công việc giữ rừng nữa, nhưng không...

Dương Quang Hùng kể lại câu chuyện mất một cánh tay cách nay 14 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Dương Quang Hùng kể lại câu chuyện mất một cánh tay cách nay 14 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Đó là chàng kiểm lâm viên Dương Quang Hùng, công tác tại trạm kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước mà tôi tình cờ gặp trong chuyến công tác.

Chuyện 14 năm trước

Chuyến đi thực tế vào rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập của tôi khá thuận lợi vì được anh Đinh Duy Thắng, cán bộ phòng kỹ thuật của VQG lên kế hoạch và dẫn đường. Sau nửa ngày rong ruổi, quá trưa, hành trình đưa chúng tôi đến chốt barie bảo vệ rừng ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, thuộc quốc lộ 14C.

Lúc chúng tôi đến, thấy mấy người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ đang lúi húi trồng lại 1 trụ barie bị xe ô tô đụng phải. Trong số này, có một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, nước da sạm nắng gió, mặc đồng phục kiểm lâm, đang dùng 1 tay hỗ trợ mọi người. Còn bên tay trái, tôi chỉ thấy tay áo lòng thòng.

Thấy tôi đang ngạc nhiên, tò mò muốn biết, Thắng giới thiệu tôi với Hùng, sau đó quay sang tôi, nói: “Đây là anh Hùng, kiểm lâm viên trạm số 2. Cánh tay anh ấy bị một nhóm lâm tặc chặt đứt năm 2009”. Nghe Thắng nói, tôi nhìn Hùng kỹ hơn, để rồi vừa ngạc nhiên vừa nể phục, bởi nhìn cách anh làm, dù chỉ còn 1 tay, tôi cảm giác Hùng là một người rất nghị lực, quyết đoán.

Lúc này, Hùng cũng quay sang chào tôi, nói: “Đây là chốt bảo vệ của tổ cộng đồng nhận khoán, em ở trạm kiểm lâm gần đây. Cái barie hỏng nên em đến phụ sửa. Chút mời anh ghé trạm uống nước”.

Hùng đang nghiên cứu, sửa barie bị xe ô tô đụng hư ở chốt bảo vệ rừng Bù Rên. Ảnh: Phúc Lập.

Hùng đang nghiên cứu, sửa barie bị xe ô tô đụng hư ở chốt bảo vệ rừng Bù Rên. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi chiếc barie sửa xong, Hùng rửa tay, mặt rồi lên chiếc xe máy cùng chúng tôi về trạm kiểm lâm số 2, cách đó khoảng 3 cây số. Tại đây, chúng tôi ngồi nghe Hùng kể lại những câu chuyện xảy ra năm nào.

Dương Quang Hùng là người dân tộc Tày ở Cao Bằng, năm nay 40 tuổi. Sau khi học xong trung cấp lâm nghiệp, cuối năm 2004, Hùng vào Bù Gia Mập lập nghiệp. Năm 2005, anh chính thức khoác bộ đồng phục kiểm lâm, bắt đầu công việc của người giữ rừng ở trạm kiểm lâm số 2.

Cũng như các đồng nghiệp, Hùng yêu rừng, yêu công việc giữ rừng, dù khi đó, cuộc sống không chỉ vất vả gấp trăm lần thời điểm hiện nay, mà còn có thể gặp rủi ro, nguy hiểm bất cứ lúc nào bởi tình trạng phá rừng xảy ra thường xuyên, các đối tượng lâm tặc rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm.

Dương Quang Hùng: 'Cây mã tấu rất bén, cánh tay đứt rồi mà không thấy đau, chỉ thấy ê ê, một hồi sau máu mới tuôn xối xả'. Ảnh: Trần Trung.

Dương Quang Hùng: "Cây mã tấu rất bén, cánh tay đứt rồi mà không thấy đau, chỉ thấy ê ê, một hồi sau máu mới tuôn xối xả". Ảnh: Trần Trung.

Đầu tháng 4/2009, Hùng được điều động đến tăng cường cho trạm kiểm lâm số 1. “Hôm đó là ngày 9/4, tức sau 1 tuần về tăng cường, khoảng 9 giờ tối, trạm có 5 người, gồm 4 kiểm lâm viên và trạm trưởng ở trong phòng, tụi em ăn tối xong, đang mỗi người một việc thì thấy có 2 người đàn ông đi trên 1 xe máy chạy vào. Chúng ngó nghiêng, hỏi bâng quơ mấy câu, rồi lên xe đi. Vài phút sau chúng lại quay vào, lần này là 2 xe, 6 đối tượng, sau khi dừng xe, 5 đối tượng bước vào, tay lăm lăm mã tấu, rựa, gậy gộc. Chúng hỏi có Hùng, Bộ ở đây không? Bộ là người cũ của trạm, chúng biết mặt, còn em tên Hùng thật, nhưng chua từng giáp mặt chúng. Nghe hỏi vậy, em nói Hùng đây, các anh hỏi có việc gì? Còn Bộ cũng từ trong phòng chạy ra, bị mấy tên lôi ra ngoài dùng tay, gậy đánh tới tấp. Em thấy vậy vào can, thì mấy tên quay sang em, vừa đánh vừa đạp em ngã xuống chiếc võng. Đúng lúc đó thì 1 tên cầm cây mã tấu dài lao tới chém xuống đầu em. Theo phản xạ, em giơ tay lên đỡ, làm cánh tay gần đứt lìa, chỉ còn dính 1 chút da”, Hùng kể.

Theo lời khai của các đối tượng chém Hùng trước toà, thì chúng không mâu thuẫn, cũng chưa từng gặp Hùng, chỉ nghe người nhà nói lại bị Hùng kiểm lâm trạm số 1 bắt bớ, gây khó dễ, nên sau khi nhậu say, chúng bàn nhau đến trả thù. Thực chất, người chúng muốn đánh là kiểm lâm viên Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng đã chuyển đi, Dương Quang Hùng là người mới đến tăng cường.

Dù thiếu 1 cánh tay, Hùng vẫn làm tốt mọi công việc hằng ngày. Ảnh: Phúc Lập.

Dù thiếu 1 cánh tay, Hùng vẫn làm tốt mọi công việc hằng ngày. Ảnh: Phúc Lập.

Một điều đáng tiếc là cánh tay của Hùng lẽ ra không mất, nhưng do sự bảo thủ, hoặc chuyên môn kém của bác sĩ, đã gián tiếp khiến anh mất cánh tay. Hùng kể, ban đầu định đi thẳng xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nhưng do mất máu quá nhiều khiến anh bất tỉnh, phải ra bệnh viện tỉnh để cấp cứu, tiếp máu, sau đó mới chuyển xuống Bbệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Nhưng tại bệnh viện tỉnh, sau khi khám cho Hùng, bác sĩ khẳng định bệnh viện có thể thực hiện ca phẫu thuật này. Do Hùng bất tỉnh, lại không có người nhà nên đồng nghiệp không ai dám quyết, đành nghe theo bác sĩ. Tối hôm đó, đài truyền hình tỉnh đưa tin ca phẫu thuật thành công.

“Sau 2 ngày phẫu thuật, tay em chuyển màu thâm tím, sau khi bác sĩ khám, hội chẩn, đã quyết định cho chuyển em xuống Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng lúc đó quá muộn rồi. Cánh tay đã bị hoại tử, không thể cứu vãn”, Hùng trầm ngâm nhớ lại.

Còn một tay vẫn giữ rừng

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ cánh tay bị hoại tử, Hùng được chuyển về bệnh viện tỉnh nằm điều trị 2 tháng thì xuất viện, nhưng do di chứng hoại tử, vết thương hở, khiến anh phải mất tới 3 năm, tức năm 2012 mới chấm dứt việc mỗi tháng 2 lần đi Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khám, lấy thuốc.

Bữa trưa của Hùng và anh em ở trạm kiểm lâm số 2, VQG Bù Gia Mập. Ảnh: Trần Trung.

Bữa trưa của Hùng và anh em ở trạm kiểm lâm số 2, VQG Bù Gia Mập. Ảnh: Trần Trung.

Điều an ủi lớn nhất đối với Hùng sau đó là suốt những năm tháng điều trị ngoại trú, lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh, hỗ trợ mọi thứ có thể, từ chi phí điều trị đến công việc hàng ngày. Anh được sắp xếp công việc phù hợp ở văn phòng trụ sở, ngoài ra, những việc khó khăn do thiếu một cánh tay, luôn có đồng đội giúp đỡ.

Đó là những lý do khiến anh không chỉ yêu công việc, mà còn coi những thành viên trong đơn vị như người thân một nhà. “Lúc đó, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị, đồng đội, chưa chắc em đã đủ nghị lực, tinh thần để vượt qua, và chắc không có cảnh bây giờ ngồi đây để kể lại cho anh nghe”, Hùng nói.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc VQG Bù Gia Mập nhớ lại: “Hùng không có người thân, gia đình ở gần, nên sau khi sự việc xảy ra, cả tập thể đơn vị chung tay hỗ trợ mọi mặt cho Hùng điều trị. Sau đó, chúng tôi nhiều lần làm hồ sơ đề nghị nhà nước xét công nhận thương binh cho Hùng để cậu ấy có chế độ, nhưng mãi không được, dù bị mất đi một phần thân thể và gánh chịu những hậu quả nặng nề. Họ nêu lý do vụ việc xảy ra ngoài giờ hành chính nhưng những người giữ rừng như chúng tôi, làm việc 24/24, làm gì có giờ hành chính?”.

Tại đơn vị, Hùng được mọi người quý mến vì không nề hà bất cứ việc gì, và làm việc gì cũng chu đáo, trách nhiệm. Ảnh: Phúc Lập.

Tại đơn vị, Hùng được mọi người quý mến vì không nề hà bất cứ việc gì, và làm việc gì cũng chu đáo, trách nhiệm. Ảnh: Phúc Lập.

Sau nhiều kiến nghị, năm 2014, Hùng cũng nhận được một phần công lao, đó là “được hưởng chính sách như thương binh”. Hùng cho biết: “Thời gian đầu mỗi tháng em được hơn 2 triệu, còn bây giờ hình như tính theo lương cơ bản, mỗi tháng được gần 3 triệu. Tiền này lâu nay vợ em lãnh nên cũng chẳng để ý bao nhiêu”, Hùng cho biết.

Nghe Hùng nhắc đến vợ, tôi không khỏi tò mò về việc anh quen vợ như thế nào, có “khó khăn” trong việc “cưa cẩm” hay không. Hùng cười: “Chắc là do duyên số. Em có người em con cô ruột, thời điểm em đang điều trị ở bệnh viện tỉnh, cô em này học ở trường nội trú, gần bệnh viện. Lâu lâu lại cùng nhóm bạn học kéo sang thăm. Trong số này có vợ em. Nhưng lúc đó em không để ý. Đến khi cô em và nhóm bạn này học xong cấp 3, lại cùng xuống Sài Gòn học đại học. Thời điểm đó, mỗi tháng 2 lần em xuống Sài Gòn khám, lấy thuốc. Sau đó lại ghé ký túc xá thăm cô em. Vợ em và cô em họ không học cùng trường, nhưng vẫn chơi chung nhóm, mỗi lần em ghé thăm, cô ấy lại hẹn cả nhóm đi chơi, đi ăn cùng. Dần dần phát sinh tình cảm, nhưng chính thức yêu nhau lúc nào thì em không nhớ”.

Dương Quang Hùng vừa hoàn thành chương trình đại học lâm nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

Dương Quang Hùng vừa hoàn thành chương trình đại học lâm nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

Năm 2014, Hùng cưới vợ, hiện anh đang có 1 gia đình hạnh phúc với 2 con, con trai đầu sinh năm 2016 và cô con gái sinh năm 2018. Vợ Hùng hiện đang công tác ở Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bù Đốp, mỗi tháng Hùng về thăm nhà 1 lần.

Sau khi cưới vợ, sinh con, Hùng ngày càng “lên phong độ”, cả tinh thần lẫn sức khoẻ. Anh quyết định xin lãnh đạo đơn vị quay trở lại rừng, sát cánh cùng anh em đi tuần tra, bảo vệ rừng.

“Hồi mới trở lại công việc, tụi em cũng hỗ trợ Hùng trong công việc, nhưng không nhiều. Vì Hùng là người có nghị lực, rất bản lĩnh, vẫn đi rừng, tuần tra và làm mọi công việc như mọi người. Anh em chỉ giúp Hùng đeo cái ba lô nhẹ hơn mọi người 1 chút, vậy thôi. Anh ấy vừa học xong, và lấy bằng đại học đấy”, anh Trần Hữu Quyết, trạm trưởng trạm kiểm lâm số 2, VQG Bù Gia Mập cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.