Lá phổi xanh Đồng Tháp Mười
Vườn Quốc gia Tràm Chim, nằm trải mình trên địa bàn 5 xã của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích 7.313ha, không chỉ là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học, mà còn lưu giữ văn hóa, lịch sử vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Câu thơ và cũng là câu ca “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…” đã in sâu vào lý trí, thấm vào máu của nhiều người nhưng có lẽ vẻ đẹp của Tràm Chim cũng không thua kém.
Tháng tư, thời tiết Nam bộ chuyển mùa, cái nắng ganh mưa như đổ lửa trên đầu. Nhiều người tìm đến Vườn Quốc gia Tràm Chim để hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, tận hưởng cái mát của vườn và vẻ đẹp của chim chóc, muông thú…
“Các hoạt động cải tạo, phục hồi bãi ăn, bổ sung các giống loài cây, con quý hiếm, bổ sung thức ăn cho các loài chim, sếu... đã giúp gia tăng về số lượng và thành phần loài, đặc biệt là một số loài quý hiếm, góp phần duy trì đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Tràm Chim”.
Ông Trần Hào Hiệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, Tràm Chim được Thế giới công nhận là khu Ramsar, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Đặc biệt nơi đây có hơn 130 loài thảm thực vật khác nhau, có 231 loài chim nước, với nhiều loài chim quý như: Sếu đầu đỏ, ngan cánh trắng, cốc đế, già sói... Về thủy sản có 130 loài cá nước ngọt, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá lóc, trê vàng, cá dày, thát lát... Tại vườn còn có 29 loài lưỡng cư, bò sát, có nhiều loài đặc hữu của vùng nước ngọt ĐBSCL.
“Với sự đa dạng sinh học cao, Vườn Quốc gia Tràm Chim còn là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười. Ngày nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim là một điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng, cùng một màu xanh của rừng tràm ngút ngàn không thể bỏ qua khi đến Đồng Tháp”, ông Hòa cho biết.
Theo chân anh Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế thuộc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Tràm Chim, chúng tôi được dịp tìm hiểu kỹ hơn về sự đa dạng sinh học tại đây.
Theo anh Hải, ở Tràm Chim có 2 loài thực vật đặc hữu, có giá trị bảo tồn cao là cây lúa ma (lúa trời) và quần xã năng kim. Nếu như cây lúa ma tạo chuỗi thức ăn cho các loài động vật trong mùa nước nổi thì ngược lại cây năng kim là trong mùa không hạn.
Anh Hải cho biết, cây lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (có tên khoa học là Oryza rufipogon) là giống lúa bản địa có khả năng thích nghi rất cao với mùa nước nổi lên nhanh tại vùng Đồng Tháp Mười và đặc biệt là không có dịch hại. Giống lúa này có thể tăng thêm chiều cao từ 10 - 20cm mỗi ngày, để vượt theo con nước nổi. Thân cây có thể cao tới vài mét để trổ bông trên mặt nước. Khi nhiều loại cây thân thảo bị nhấn chìm thì lúa ma chính là nguồn thức ăn nuôi sống các loài chim và một số loài động vật khác cư ngụ tại Vườn.
Ngược lại, quần thể năng kim lại tồn tại khi môi trường khắc nghiệt nhất vào mùa khô. Mùa nắng nóng, làm nước cạn nhanh, phèn sắc lại nhiều loài thực vật chết khô thì cây năng kim vẫn phát triển và tạo ra vô số củ bên dưới mặt đất. Đây chính là thời điểm mà đàn sếu đầu đỏ thường tìm về Vườn Quốc gia Tràm Chim để sinh sống.
“Sếu đầu đỏ có tập tính ăn tạp. Chúng ăn cả cua, cá, thậm chí là chuột nhưng củ năng kim là thức ăn yêu thích nhất. Một số loài động vật khác như kiến, chuột… cũng chọn củ năng kim là nguồn thức ăn chính để có thể vượt qua thời điểm khắc nghiệt của mùa khô”, anh Hải giải thích.
Khu Vườn hội tụ nhiều tiêu chí Ramsar
“Vườn Quốc gia Tràm Chim được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar vào tháng 5/2012. Đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới. Công ước Ramsar có tất cả 9 tiêu chí và theo quy định vùng đất ngập nước chỉ cần đạt 1 trong 9 tiêu chí mà công ước này đề ra thì có thể được xét công nhận. Trong đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim đạt tới 6/9 tiêu chí khu Ramsar”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim tự hào cho biết.
Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được khai thác và phát huy thế mạnh của vùng Đất Sen hồng. Trong đó, tiêu biểu là loại hình du lịch trải nghiệm tại khu Ramsar Vườn quốc gia Tràm Chim. Nơi đây, khi hoàng hôn buông xuống, ngồi ngắm những đàn chim nối đuôi nhau bay về tổ, nghe tiếng chim ríu rít gọi bày… Hay đón ánh bình minh khi mặt trời vừa ló dạng, ngồi trong căn nhà mộc mạc, được thưởng thức trà ướp sen, thả hồn vào không trung bao la tĩnh lặng chốn ruộng sen, đồng lúa, du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim đang nhận được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Mạng lưới Châu Á Thái Bình Dương về Quản lý rừng bền vững và Phục hồi rừng (APFNet), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF)… Anh Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế cho biết, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân sống quanh vùng đệm của Vườn.
Đặc biệt là mô hình chia sẻ lợi ích, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên từ rừng. Anh Hải bảo, thực hiện mô hình này, Vườn đã nghiên cứu, chọn những loài có khả năng phục hồi, tái tạo nhanh để cho khai thác. Đồng thời, khoanh vùng quản lý khai thác một cách hợp lý.
Theo anh Hải, người dân sống quanh vùng đệm được phép khai thác các loài cá trắng trong những tháng mùa lũ (khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm). Người dân phải chịu sự quản lý ra, vào khu vực khai thác, kiểm tra kỹ các dụng cụ khai thác, chỉ được vào rừng đánh bắt cá từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, không được sử dụng các phương pháp khai thác hủy diệt. Ngoài thủy sản, người dân còn được khai thác một số loại cỏ để làm nguyên liệu đan lát các mặt hàng thủ công…
Không chỉ sống dựa vào tài nguyên rừng, người dân còn được tập huấn về kỹ năng, hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế như kết hợp trồng lúa – nuôi cá, trồng sen – nuôi cá trong mùa nước nổi. Hỗ trợ thùng ong giống để nuôi ong lấy mật trong khu vực vùng đệm, đan sản phẩm thủ công từ nguyên liệu lục bình. Các hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ khoan giếng nước ngầm, máy lọc nước… Từ đó, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm áp lực vào rừng khai thác tài nguyên.
Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, thời gian thực hiện 10 năm (từ năm 2022-2032). Đặc biệt, với sự hỗ trợ, kết nối của Tổ chức Sếu quốc tế, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPO) đã ký biên bản thỏa thuận chuyển giao sếu đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, để thuần dưỡng sau đó thả về tự nhiên. Theo thỏa thuận, trung bình mỗi năm ZPO sẽ chuyển giao cho phía Việt Nam 5 con sếu, trong 10 năm là 50 cá thể sếu.
UBND tỉnh Đồng Tháp giám sát về mặt chính quyền, cung cấp tài chính và quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim trong việc thực hiện phục hồi đàn sếu đầu đỏ. Các Tổ chức sẽ hỗ trợ đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Với mong muốn sẽ tạo ra quần thể sếu cũng như thu hút đàn sếu tự nhiên quay về Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ có tổng diện tích 1.138 ha, thuộc địa bàn xã Phú Đức và Tân Công Sính, nhằm tạo môi trường trong sạch để sếu sinh sống. Đồng thời, thống nhất khu thả Sếu ra thiên nhiên tại khu A4 Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo các các đơn vị liên quan phải nhanh chóng hoàn thành hồ sơ phê duyệt tổng thể, gấp rút tập trung cải tạo tốt phân khu A4, khu nuôi sếu sinh sản, khu nuôi thả sếu phải phù hợp môi trường sống tự nhiên của sếu và phải có sinh cảnh tốt nhất cho sếu sinh trưởng và phát triển. Tất cả phải thực hiện nhanh chóng, đúng tiến độ đề ra, chứ không được chần chừ bỏ lỡ cơ hội tốt…
“Khi được công nhận là Khu Ramsar thì sẽ có nhiều thuận lợi, được Chính phủ, các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư, bảo tồn và được du khách biết đến nhiều hơn. Trước đây, mỗi năm Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đón khoảng 5 - 10 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, từ khi được công nhận là khu Ramsar, lượng du khách tăng lên 60 - 70 ngàn lượt, cao điểm lên tới 100 ngàn lượt/năm”, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm.