| Hotline: 0983.970.780

Giữa cánh rừng vàng

Kho báu dưới tán rừng lá rộng thường xanh

Chủ Nhật 30/04/2023 , 13:45 (GMT+7)

Những người làm bảo tồn ở Xuân Liên đến giờ vẫn chưa thể quên ngày ghi nhận được sự tồn tại của loài mang Roosevelt sau khoảng 100 năm vắng bóng trên toàn thế giới.

CP-63

Cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng. Mỗi người đều mang tư trang gọn nhẹ, thiết bị đủ cho khoảng 5 - 7 ngày đi rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Yêu biết mấy những tầng rừng

Bài liên quan

Rong ruổi chừng một giờ chạy xe từ TP Thanh Hóa về phía Tây Nam, những ngọn núi đá vôi dường như đã dừng chân cả lại bên dãy Tam Điệp. Anh Ngô Xuân Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên hồ hởi bảo, khu bảo tồn rộng chừng 24.000ha này “đặc biệt” lắm, vì nó là nơi quan trọng nhất của Bắc bộ còn giữ được hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên núi thấp.

Nhìn từ trên cao, toàn bộ khu bảo tồn Xuân Liên như lọt thỏm giữa vùng núi thấp miền Trung. Dãy núi chạy từ Sầm Nưa (Lào) qua Thường Xuân về đến Như Xuân, tạo ra nhiều đỉnh cao nổi trội như Tà Leo (1.400m), Pù Gió (1.620m), Pù Hòn (1.208m)…

Theo hướng tay anh Thắng chỉ, chợt nghĩ nếu có một tay quay phim mạo hiểm nào đó đu dây từ trên trực thăng xuống, rồi lia máy xuống tận hồ Cửa Đạt hẳn sẽ có một góc tuyệt đẹp xuyên qua từng rặng dẻ, sa mu, pơ mu trước khi chạm nhóm chè hoa vàng, sồi Xuân Liên đặc hữu của vùng.

Đến năm 2019, Xuân Liên ghi nhận có 1.228 thực vật bậc cao thuộc 659 chi, 181 họ của 5 ngành. Nhiều loài trong số này thuộc sách đỏ Việt Nam như re hương, sa mu dầu, pơ mu, sến mật...

“Để công tác quản lý được sâu, sát, chúng tôi đã triển khai ứng dụng GPS - Photo Link trong việc ghi nhận các cây cổ thụ quý hiếm với các loài như bách xanh, pơ mu, sa mu, dẻ tùng sọc trắng, sến mật…Thậm chí lấy những thân gỗ quý làm điểm mốc, đánh dấu các tiểu khu”, anh Thắng nói.

Chừng muốn trình diễn những điều vừa nói, Phó Giám đốc Thắng đưa cả đoàn về hướng cầu Bù Đồn, tới Trạm kiểm lâm Hón Can để giới thiệu “người bạn công nghệ” của lực lượng kiểm lâm suốt thời gian qua. Ban đầu, một chiến sĩ trong trạm đề nghị đi đường vòng nhưng anh ngăn, yêu cầu phải cắt rừng theo đường ngẫu nhiên để có thể ghi nhận nhiều nhất thực trạng rừng.

CP-66

Thiết bị GPS được các cán bộ kiểm lâm sử dụng khi đi tuần tra rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Đầu tháng Tư, trời chưa vào mùa mưa nhưng những cơn mưa rừng bất chợt vẫn đủ làm ướt áo. Dặn dò kỹ chuyện quấn xà cạp, đi giày, tất cẩn thận để tránh muỗi, vắt, anh Thắng gọi thêm nhóm của anh Nguyễn Văn Bình, người dân thôn Quạng, xã Vạn Xuân để hướng dẫn cách sử dụng GPS trong thực tế. Bằng cọc nhọn, dây thừng, bà con trong thôn cố gắng chia rừng thành từng ô nhỏ 1.000m² để tính, đo bán kính các cây và bấm tọa độ.

“Hồi mới cầm máy GPS, tôi run lắm. Những ô đầu tiên, tôi mất đến hàng giờ để tính”, anh Bình nhớ lại. Giờ thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều, thông thường chỉ tốn 30 - 40 phút. Mỗi thân cây to, có giá trị đều được lấy tọa độ và ghi chép lại cẩn thận. Chẳng hạn, điểm 100 tiểu khu 484 có cây bách xanh.

42

Cá thể mang Roosevelt được ghi nhận tại Khu bảo tồn Xuân Liên. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ trăn trở không biết đến cuối đời có đếm hết số cây trong rừng Xuân Liên hay không, những người như anh Bình giờ đã coi các chuyến tuần tra như công việc thường ngày. “Hôm nào không đi thăm gia tài của mình là thấy thiếu”, anh bảo. Và khi biết “đếm rừng”, biết “kho báu” của bản thân giá trị đến nhường nào, anh càng thêm yêu 5 tầng rừng thường xanh.

Thấy niềm say mê của bà con thôn Quạng, anh Ngô Xuân Thắng tủm tỉm: “Không có cách nào để người dân hiểu nhanh bằng cách để họ tự hướng dẫn nhau. Chúng tôi ưu tiên hướng dẫn một số có tiếng nói trong bản, để rồi họ tự một đồn mười, mười đồn trăm”. Giờ thì công tác bảo vệ rừng, kể cả trong hơn 10.000ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đã nhàn đi nhiều vì chỉ cần “nhìn lên bản đồ là rõ”.

Ngay từ những năm 2015, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã sưu tập, chuyển hóa và nhân giống một số loài như giổi, quế ngọc, vàng tâm… để chọn cây trội làm giống gốc, tăng cường lượng cây bản địa cho việc phục hồi sinh thái rừng.

Niềm vui của những người làm bảo tồn

Quá giữa trưa nhưng phải tinh mắt mới thấy vài vạt nắng soi tỏ nền rừng. Phó Giám đốc Ngô Xuân Thắng bảo, ngay cả những ngày nhiệt độ cao nhất và bị ảnh hưởng bởi gió Lào, nhiệt độ trong khu tuần tra rừng cũng chưa bao giờ quá 40oC.

Với độ ẩm không khí luôn ở ngưỡng từ 85 - 86%, cùng lượng mua trung bình năm trên 2.000mm, Xuân Liên trở thành nơi cư ngụ của 1.811 loài động vật, trong đó có 29 loài ở mức đe dọa toàn cầu được ghi trong Danh lục đỏ IUCN và 50 loài ở mức đe dọa của Việt Nam trong Sách đỏ Việt Nam.

Chọn một bãi đất tương đối bằng để nấu bữa trưa, anh Thắng tay lượm rau dại, miệng chầm chậm kể về những loài đặc trưng, đặc hữu của Xuân Liên như vượn đen má trắng, voọc xám, mang Roosevelt, khỉ mặt đỏ, rùa hộp trán vàng miền Bắc... Có những loài anh có may mắn nhìn thấy, nhưng phần đông chỉ được xem chúng ngoài tự nhiên thông qua hình ảnh trong bẫy nhiệt.

Kỷ niệm đáng nhớ bậc nhất với những người làm bảo tồn Xuân Liên chính là việc phát hiện mang Roosevelt hồi năm 2012, 2013. Lúc ấy, nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và cán bộ khu bảo tồn đã mất nhiều năm ròng lặn lội trong rừng để khẳng định sự tồn tại của hai loài mang tồn tại ở Xuân Liên là loài mang thường và mang Roosevelt.

Trước đó, hồi thập niên 1990, tại vùng tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên - Khu bảo tồn Pù Hoạt, Nghệ An - hai loài này cũng được phát hiện. Nhưng do thông tin chưa thông suốt, một thời gian dài, mang Roosevelt được mô tả như một loài mới và đặt tên là mang Pù Hoạt.

XL-11

Công tác tuần tra, bảo vệ rừng hiện được giao khoán cho nhiều hộ dân sinh sống tại vùng đệm. Ảnh: Tùng Đinh.

Phải tới cuộc điều tra năm 2012, khi phân tích 6 hộp sọ thu được tại Xuân Liên với các hộp sọ của mẫu lưu tại bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Field Chicago và giải trình tự gen của hàng chục mẫu di truyền thu được ở Xuân Liên, Pù Hoạt, các nhà khoa học mới đi tới kết luận, mang Pù Hoạt là mang Roosevelt.

“Tôi vẫn nhớ ngày ấy”, anh Nguyễn Văn Bình vừa gắp bó rau dại ra đĩa vừa nói. Theo lời anh, khi Khu bảo tồn Xuân Liên được ghi nhận có loài mang Roosevelt, ai cũng vui. Những người dân tham gia giữ rừng như anh thì cảm thấy như vừa được tặng thưởng “huân chương chiến công” vì đã góp phần giữ gìn môi trường sống cho muôn loài, nhất là mang Roosevelt - loài có vùng phân bố hẹp và giới hạn ở một số khu rừng kín thường xanh ít bị tác động bởi con người tại phía Tây Nam khu bảo tồn.

Bên cạnh việc ghi nhận sự tồn tại của mang Roosevelt sau khoảng 100 năm vắng bóng trên toàn thế giới, công tác bảo tồn của Xuân Liên còn cho thấy hiệu quả khi tăng số lượng vượn đen má trắng từ 41 đàn 129 cá thể (năm 2013) lên 62 đàn 200 cá thể (năm 2020), xác định 8 đàn voọc xám với khoảng 151 - 224 cá thể.

Ngoài ra, 2 loài thực vật mới đã được phát hiện tại đây là: loài thuộc họ Nam mộc hương (Aristolochiaceae) và đã được đặt tên khoa học là Aristolochia xuanlienensis (mộc hương Xuân Liên); loài còn lại thuộc chi chi Giác đế - họ Na (Annonaceae) và đang chờ kết quả phân tích DNA.

Những thông tin ăm ắp khiến bữa cơm dù nấu vội giữa rừng và chỉ có một món khô mặn, ít rau vẫn khiến mỗi người như thêm yêu từng gốc cây, ngọn cỏ Xuân Liên. Vùng lõi này không những có mùi ngai ngái, ẩm ướt đặc trưng của rừng nhiệt đới mà còn giữ trong mình cả một kho báu vô giá về đa dạng sinh học.

Trải qua nhiều lần thay đổi, hiện diện tích rừng và đất lâm nghiệp Khu bảo tồn Xuân Liên quản lý là 24.728,6ha, trong đó 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37ha quy hoạch rừng sản xuất. Tại Xuân Liên, rừng tự nhiên chiếm trên 97%.

Sau khi quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2025, diện tích đất rừng sản xuất của khu bảo tồn tăng 92,77ha. Các phân khu chức năng của khu bảo tồn được phân chia tương đối liền vùng và được đánh giá là thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sóc Trăng đề nghị các địa phương đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển

Sóc Trăng đề nghị 28 tỉnh, thành đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.