Cả tháng mới tiêm xong vacxin lở mồm long móng
Ông Hồ Văn Thuần, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết, do tập quán thả rông trâu, bò trong rừng nên đến dịp triển khai công tác tiêm phòng tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi có vacxin lở mồm long móng từ các nguồn, địa phương đã ra thông báo để bà con nhốt trâu bò sau đó tập trung tại một vài điểm để tiêm phòng. Tuy nhiên, đa phần chuồng nuôi nhốt đều không đảm bảo, trâu bò chủ yếu chăn thả trong rừng nên đến thời điểm tiêm phòng cũng chỉ được một vài hộ dắt trâu bò về điểm tập trung. Số còn lại, UBND xã Đakrông phải thành lập tổ đến tận từng nhà tiêm. Thế nhưng, khi đến nhà đa số trâu bò lại đang ở trong rừng.
Để đảm bảo tiến độ tiêm phòng, các tổ tiêm phòng phải kéo nhau lên rừng tìm trâu, bò. Trâu, bò thả rông, đa phần không có dây thừng nên việc tiếp cận không hề dễ dàng. Khi đã tiếp cận được đàn vật nuôi thả rông, việc đầu tiên là phải dồn chúng vào những điểm thuận lợi và dựa vào các gốc cây để tiêm.
Trời miền núi vào mùa thu thường xuất hiện những cơn mưa rừng. Vì thế, kế hoạch của tổ tiêm phòng thường xuyên bị gián đoạn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ tiêm phòng không như mong đợi. Có những xã miền xuôi việc tiêm phòng có thể chỉ triển khai trong 1 tuần đã xong nhưng ở huyện Đakrông có khi cả tháng trời chưa xong.
“Đồng bào thậm chí còn không biết nhà mình có bao nhiêu con trâu bò vì quanh năm suốt tháng thả rông trong rừng, khi được giá mới lùa về để bán. Tập quán chăn nuôi của đồng bào rất khó thay đổi. Ý thức về phòng chống dịch bệnh cũng là một điều khiến chúng tôi rất trăn trở. Có lẽ vì thế mà tỷ lệ tiêm phòng tại một số địa phương miền núi thường thấp và thường chậm hơn những huyện đồng bằng”, ông Thuần cho hay.
Ông Hoàng Đình Chiến, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông cho hay, ngành Thú y rất lo lắng vì tiến độ tiêm phòng diễn ra chậm. Lại sắp bước vào mùa rét, nếu không đạt tỷ lệ tiêm phòng nguy cơ dịch bệnh phát sinh là rất cao.
Cũng theo ông Chiến, Đakrông là một trong những địa phương hoàn thành công tác tiêm phòng muộn nhất tỉnh Quảng Trị. Ngày 28/8, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện nhận được 11.500 liều vacxin lở mồm long móng và theo kế hoạch sẽ hoàn thành việc tiêm phòng vào ngày 10/9. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 10 kế hoạch mới cơ bản hoàn thành.
Nguyên nhân, theo ông Chiến là có rất nhiều nhưng tựu trung là do ý thức người dân về công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao, trâu bò thả rông khó tiếp cận, chuồng trại nuôi nhốt không đảm bảo. Vì vậy, cán bộ thú y huyện, nhân viên thú y xã đã tranh thủ làm cả ngày nghỉ, ngày mưa nhưng vẫn không đạt tiến độ đề ra.
“Tiến độ tiêm phòng vacxin tại Đakrông hàng năm đều chậm hơn những huyện khác; năm nay có nhanh hơn nhưng vẫn chậm nhất tỉnh. Vì vậy chúng tôi rất lo cho sự an toàn của đàn vật nuôi”, ông Chiến chia sẻ.
Thực trạng Đakrông cũng là thực trạng đang diễn ra tại huyện Hướng Hóa cũng như một số xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.
Các ổ dịch đã cơ bản được khống chế
Từ ngày 29/6 đến ngày 7/9, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đã xảy ra tại 186 hộ dân ở 26 thôn, bản ở 10 xã, thị trấn của 4 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh và Cam Lộ.
Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 572 con gồm 210 trâu, 362 bò. Số trâu bò mắc bệnh chết buộc phải tiêu hủy là 27 con. Nặng nhất là 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông với tổng số trâu bò mắc bệnh là 501 con và tiêu hủy 25 con.
Sau khi nhận được nguồn vacxin đề xuất hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, ngành Thú y và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiêm phòng từ trong ra ngoài, triển khai quyết liệt các biện pháp bao vây dập dịch. Công tác đấu thầu mua sắm vacxin sau đó cũng đã triển khai để đảm bảo vật tư cần thiết cho công tác phòng chống dịch.
Các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Vĩnh Linh lần lượt công bố dịch. Mọi hoạt động mua bán, vận chuyển trâu, bò đều phải dừng đến khi có thông báo đồng ý của ngành chức năng.
Tính đến nay, Quảng Trị đã tiêm phòng được trên 51.000 con trâu, bò, đạt tỷ lệ trên 77% kế hoạch. Trong đó, tại các ổ dịch tiêm phòng được trên 7.400 con. Hiện, các địa phương vẫn tiếp tục rà soát tiêm phòng bổ sung vacxin lở mồm long móng cho trâu, bò chưa tiêm đợt đầu.
Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được thực hiện nghiêm tại các khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực lân cận. Quảng Trị cũng đã cấp 75 lít xanh methylen điều trị triệu chứng và hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng kháng sinh phòng bội nhiễm tại các vết lở loét, tiêm trợ sức trợ lực tăng cường sức đề kháng, chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý.
Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dịch lở mồm long móng tại Quảng Trị từng bước được khống chế. Tuy nhiên, khi triển khai tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò ngành Thú y tiếp tục phát hiện tại xã Mò Ó và Hướng Hiệp (huyện Đakrông) có 10 con trâu bò có biểu hiện của bệnh lở mồm long móng và 14 con bò có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục. Đây là số trâu bò chăn thả trong rừng nên chưa được tiêm vacxin.
Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng UBND huyện Đakrông và cơ quan chuyên môn huyện trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi tích cực phòng, trị. Đến nay, số gia súc trên đã trở lại bình thường và không lây lan.
Như vậy, sau hơn 3 tháng tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đến ngày 17/10/2024 các ổ dịch lở mồm long móng trên địa bàn Quảng Trị đã qua 21 ngày. Hai huyện Vĩnh Linh và Hướng Hóa đã công bố hết dịch. Huyện Đakrông đã thẩm định và đang được đề nghị công bố hết dịch. Huyện Cam Lộ không đủ điều kiện công bố dịch nên không công bố hết dịch. Mọi hoạt động mua bán, vận chuyển trâu bò trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị cho hay, thời tiết đang bước vào mùa mưa, nắng đan xen, độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh lây lan, nhất là tại các huyện miền núi. Trước tình hình đó, Quảng Trị đang tích cực tiêm phòng vacxin lở mồm long móng và viêm da nổi cục cho số trâu bò còn lại, đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc này.
Để bao vây dập dịch, trong điều kiện chưa thể mở các gói thầu mua sắm vacxin, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ 27.000 liều vacxin lở mồm long móng 2 type O và A và 3.500 lít hóa chất Benkcid.