| Hotline: 0983.970.780

Bà giáo nghèo gần 20 năm mở lớp dạy tình thương miễn phí

Thứ Năm 19/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Suốt 17 năm qua, ở vùng biển Ngư Lộc có một lớp học tình thương luôn mở cửa.

20-06-54_hinh_nh_1
Bà giáo Nguyễn Thị Thông đã ngoài 70 tuổi những vẫn luôn miệt mài, tâm huyết dạy học.

Cô giáo đã ngoài 70 tuổi, dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn luôn cần mẫn “chèo đò” gieo chữ, niềm tin, sự tử tế, tình yêu thương và hy vọng cho những đứa trẻ bất hạnh, cho học sinh nghèo khó, bệnh tật. Bà giáo mà chúng tôi nhắc đến ở đây là nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông (sinh năm 1946) thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
 

I.

Về vùng biển thôn Thành Lập, Ngư Lộc hỏi đến lớp học tình thương của bà giáo nghèo Nguyễn Thị Thông thì không ai không biết đến. Người dân nơi đây luôn gọi cô bằng cái tên trìu mến “mẹ Thông”. Giờ đây dù đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi nghỉ ngơi, an hưởng về già thế nhưng cô giáo Thông vẫn ngày ngày đến lớp dạy học.

Mơ ước trở thành cô giáo từ nhỏ, năm 1965, cô giáo Thông thi đỗ vào trường 7 cộng 2 Thanh Hóa, sau này học lên cao đẳng sư phạm và đã từng dạy học ở nhiều nơi như Đông Minh, Đông Sơn, Hòa Lộc, Đa Lộc. Hơn 30 năm dạy học, rồi làm công tác quản lý, dù ở cương vị nào, cô cũng đều nỗ lực hết mình. Năm 1997, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Năm 2001, cô Thông về nghỉ chế độ. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò lại chứng kiến cảnh bao đứa trẻ ở ngay trên quê hương thất học vì nghèo khó, bệnh tật, năm 2002, cô Thông đã báo cáo với địa phương xin phép mở lớp học tình thương ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình.

Lớp học của cô giáo Thông khá đặc biệt. Bởi, học sinh có nhiều độ tuổi khác nhau. Có em 8 tuổi nhưng cũng có những em đã 14, 15, thậm chí 19 tuổi….Học sinh của cô không phải là những đứa trẻ có ngoại hình bình thường, cũng như có một hoàn cảnh đặc biệt so với những đứa trẻ khác. Các em đều rất khó khăn, có em thì là trẻ mồ côi, nhiều nhất là số học sinh tật nguyền không có khả năng đến trường, hòa đồng với các bạn cùng trang lứa.

Những đứa trẻ ở lớp học đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn.

Một trong những học trò đặc biệt của cô Thông là em Nguyễn Văn Dương (sinh năm 2000), là học sinh lớn nhất lớn và có số năm theo học với cô lâu nhất. Dương sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, em mắc bệnh down bẩm sinh, đi lại và nói năng đều rất khó.

Vì hoàn cảnh đặc biệt nên em cũng không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Dương là “anh cả” của lớp, khuôn mặt ngờ nghệch, đôi mắt vô hồn đờ đẫn. Suốt 5 năm qua, “anh cả” Dương chăm chỉ đi học, giờ Dương đã biết viết, biết tính và học đến chương trình sách lớp 5. Dương cười khoe: “Ở lớp vui lắm, cô giáo không quát mắng bao giờ”.
 

II.

Hành trình đi tìm chữ cho học sinh nghèo, tật nguyền vùng biển của cô Thông cũng không hề dễ dàng. Những ngày đầu, lớp học là căn phòng nhỏ chưa đầy 6m2. Đó cũng là nơi sinh hoạt hàng ngày của cô Thông và chị gái mù lòa. Thiếu thốn trăm bề, đến nỗi cô phải gỡ cả cánh cửa nhà mình để làm bảng đen, làm bàn cho học sinh viết.

Cảm phục trước tấm lòng của cô Thông, năm 2010, chính quyền quan tâm, bố trí một phòng học tại Trung tâm học tập cộng đồng để cô giáo Thông làm lớp học tình thương. Lớp học rộng chừng 20m2 với một tấm bảng to và 5 bộ bàn ghế đủ kiểu dáng, được gom nhặt lại, kê ngay ngắn thành hai dãy bàn.

 Ngồi chung một lớp nhưng mỗi em học một chương trình, em học sách lớp 1, em học sách lớp 3, em lại học sách lớp 5… Vì thế mà bàn ghế, bảng viết trong lớp này được cô Thông chia đều thành hai. Phần bên phải dành cho lớp 1, 2; bên trái dành cho lớp 3, 4. Riêng lớp 5 sẽ được cô giáo ra bài rồi làm trực tiếp ngay trên vở.

Cô giáo Thông chia học sinh trong lớp ra làm các nhóm, nhóm trẻ câm điếc, trẻ thiểu năng, trẻ khuyết tật hình thể để dạy. Với học sinh câm điếc, bà dùng khẩu hình, cơ mồm truyền tải thông tin.

20-06-54_hinh_nh_3
Bà giáo già Nguyễn Thị Thông đang trò chuyện với học trò.

“Tôi kết hợp dạy viết và đọc. Chữ A, tôi há to miệng, chữ Ê thì cong lưỡi lên, đồng thời cầm tay học sinh vừa viết chữ vừa đọc. Có em hàng năm mới ra được hết hơi, khi bật ra được hơi, các em bắt đầu phát âm bằng miệng”, bà giáo già kể.

Lớp học không có tiếng trống trường thúc giục vội vã, không có sự ồn ào, náo nhiệt, mà ấm cúng, gần gũi bởi tình thương vô bờ bến của cô giáo dành cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn. Với cô giáo Thông, thành công nhất là đào tạo cô học trò khó khăn Bùi Thị Xuyến.

Cô Thông bồi hồi kể: “Xuyến khuyết tật khuôn mặt, hai tay lại không có ngón nên đến năm 14 tuổi cũng chỉ lầm lũi theo mẹ ra biển nhặt ngao. Mãi đến năm 2006, sau nhiều lần thuyết phục gia đình, Xuyến mới được đến lớp học của tôi. Người ta học mỗi ngày một chữ thì Xuyến phải mất đến ba, bốn ngày vì bàn tay không thể cầm bút.

Hướng dẫn mãi, cầm nắm mãi em mới viết được những nét cơ bản nhất. Được cái em Xuyến tiếp thu rất nhanh, dần dần quen với bút và bây giờ viết chữ rất đẹp. Em theo học xong chương trình tiểu học, đến cấp II, cấp III theo khóa bổ túc. Đến nay thành tài rồi, là cô giáo tiểu học ở ngoài tỉnh, tháng nào cũng về ghé qua đây phụ tôi dạy học”.
 

III.

Chúng tôi quan sát lớp học của cô Thông, đều dễ nhận thấy rằng phần lớn, học sinh của cô là những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tự kỉ… Chính vì vậy, để dạy dỗ các em ấy là điều không dễ dàng. Cô phải tự nghiên cứu các giáo trình riêng, phù hợp với thể trạng từng em.

Muốn giảng cho các em hiểu, phải giảng nhiều lần. Với học sinh bình thường, chỉ 1 năm là các em thành thạo mặt chữ, biết tính toán sơ đẳng nhưng các em khuyết tật phải mất hàng năm trời, thậm chí có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi 5 chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau. Có những em đang học lại đứng lên khua tay múa chân, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào.

Hơn 70 tuổi với hơn 50 năm gắn bó với giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thông đã chắp cánh ước mơ cho biết bao học trò.

Cô giáo Thông chia sẻ: “Các em ở đây không thể dạy chung một giáo trình, nên tôi tự tìm hiểu sắp xếp các giáo trình riêng, phù hợp với từng em. Với học sinh bình thường, chỉ 1 năm là các em thành thạo mặt chữ, biết tính toán sơ đẳng nhưng các em khuyết tật phải mất nhiều thời gian hơn, thậm chí có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi 5 chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau.

Những ngày trái gió trở trời, có em bị đau đầu dữ dội, chúng gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo. Nhìn thấy bạn như vậy, các em khác có em gào theo, em lại cười ầm lên. Mới đầu tôi luống cuống không biết xử lý ra sao. Nhưng dần dần tôi đã tìm đọc thêm nhiều sách để biết các xoa dịu cơn đau của những đứa trẻ bị khuyết tật.

Những lúc như vậy tuyệt đối không được quát tháo, to tiếng, người giáo viên phải bình tĩnh, ôm học trò vào lòng, từ từ dỗ dành, bằng cả tình yêu thương của người bà, người mẹ rồi các em sẽ bình tĩnh lại”.

Là người phụ nữ không có chồng, con, tài sản duy nhất cô giáo Thông có là tình yêu thương với học trò. Cô luôn xem mỗi học sinh như con, cháu của mình. Bằng tất cả tình yêu thương, yêu nghề với sự nghiệp trồng người, cô Thông đã được nhận 24 bằng khen của các cấp Trung ương, địa phương. Ngoài ra năm 2017 cô Nguyễn Thị Thông cũng được trao tặng giải thưởng KOVA.

“Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Đó chẳng phải là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người hay sao?”, bà Thông chia sẻ về lớp học tình thương của mình như thế.

Ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho hay: “Với cô giáo Nguyễn Thị Thông, yêu thương là cội rễ của những điều tốt đẹp. Hiện tại, cô vẫn ở trong ngôi nhà nhỏ không đầy 6m2, chính quyền cùng các nhà hảo tâm mong muốn giúp cô sửa chữa lại ngôi nhà khang trang hơn nhưng cô đều từ chối và nhường lại cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.