Bà Mạnh sau khi được tại ngoại (Ảnh: SCMP) |
“Tôi đang ở Vancouver và trở về với gia đình”, bà Mạnh viết trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat sau khi được tại ngoại.
“Tôi tự hào về Huawei, tôi tự hào về đất nước mình. Cảm ơn tất cả mọi người đã lo lắng cho tình hình của tôi”, bà viết.
Bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị phía Canada bắt giữ tại Vancouver hôm 1/12 với các cáo buộc gian lận tài chính. Theo các công tố viên Canada, bà Mạnh bị cáo buộc trợ giúp Huawei, một trong những hãng sản xuất điện thoại và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, “né” các lệnh trừng phạt đối với Iran. Bà Mạnh bị cáo buộc thông đồng để lừa gạt các ngân hàng để họ thông qua các giao dịch trị giá hàng triệu USD liên quan tới Iran.
Bà Mạnh đối mặt nguy cơ có thể bị dẫn độ về Mỹ để xét xử và có thể chịu án 30 năm tù giam nếu bị kết tội.
Giám đốc tài chính Huawei đã bác bỏ các cáo buộc, và Bắc Kinh yêu cầu phía Canada thả bà ngay tức thì.
Mặc dù cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc đều không liên hệ vụ việc với các cuộc đàm phán thương mại nhưng vụ bắt giữ một lãnh đạo công ty hàng đầu Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/12 cho biết ông có thể can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ đối với bà Mạnh nếu điều đó có lợi cho an ninh quốc gia hoặc để đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Chưa đầy 2 tuần sau vụ bắt giữ bà Mạnh, một nhà cựu ngoại giao Canada, Michael Kovrig, cũng bị phía an ninh Trung Quốc bắt giữ ngày 10/12 vì bị tình nghi vi phạm luật về tổ chức phi chính phủ nước ngoài của Bắc Kinh.
Trung Quốc cho tới nay từ chối tiết lộ nơi giam giữ ông Kovrig, một cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế và từng là một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh trước tham gia tổ chức phi chính phủ này.