Vụ bắt giữ CFO Huawei đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu. |
Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Canada, bỏ dùng điện thoại iPhone và mua điện thoại Huawei đang nổi lên trên các mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy dư luận nước này bắt đầu nổi giận về vụ Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei bị bắt ở Vancouver theo đề nghị của nhà chức trách Mỹ.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều công ty Trung Quốc đã đăng thông báo lên tài khoản mạng xã hội với nội dung ủng hộ Huawei. Một số công ty tuyên bố trợ cấp cho nhân viên mua sản phẩm của Huawei.
Thậm chí, công ty Menpad có trụ sở ở Thẩm Quyến còn dọa phạt nhân viên nào mua iPhone. Không ít người dùng mạng xã hội đưa ra ý tưởng về việc làm thế nào để loại bỏ iPhone.
Vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou, CFO Huawei đã thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng vụ bắt giữ nữ doanh nhân này có thể phá hỏng cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Dư luận Trung Quốc nổi giận có thể đặt Bắc Kinh vào tình thế không có nhiều dư địa để nhượng bộ Washington, bởi Chính phủ nước này rất có thể sẽ chấp nhận đặt vấn đề kinh tế lại phía sau sự cần thiết phải không tỏ ra "yếu đuối".
Cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ và Canada tới để phản đối vụ bắt giữ bà Meng, bao gồm cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích mạnh hành động của Mỹ và Canada, gọi đây là một nỗ lực có động cơ chính trị nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.
Dựa trên đề nghị của Mỹ, nhà chức trách Canada tiến hành bắt bà Meng vào ngày 1/12. Về phần mình, Mỹ đang điều tra nghi án bà Meng và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, tìm cách dẫn độ nữ doanh nhân này về Mỹ để xét xử.
Việc cư dân mạng Trung Quốc nổi giận về vụ bắt giữ bà Meng cũng tương tự như cơn giận nổ ra đối với Nhật Bản vào năm 2012, khi Bắc Kinh và Tokyo leo thang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông.
Khi đó, các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản đã diễn ra và hàng hóa Nhật bị tẩy chay. Thậm chí, những chiếc xe hơi Nhật đã bị đập phá, một số showroom xe Nhật bị phóng hỏa, nhiều cửa hàng thời trang Uniqlo của tập đoàn Nhật Fast Retailing phải đóng cửa.
Mặc dù vậy, phản ứng của dư luận Trung Quốc đối với vụ bắt giữ bà Meng đến nay còn chưa mạnh mẽ đến mức như vậy và chủ yếu mới tập trung trên mạng.
Trên truyền thông xã hội ở Trung Quốc, tài khoản Weibo của đại sứ quán Mỹ và Canada đang tràn ngập những lời bình luận lên án vụ bắt bà Meng và kêu gọi trả tự do cho nữ doanh nhân này.
Trên Weibo cũng có nhiều lời kêu gọi tẩy chay các thương hiệu Canada, bao gồm áo khoác lông vũ cao cấp Canada Goose. Đang có kế hoạch mở một cửa hiệu lớn ở Bắc Kinh, Canada Goose đã chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc 18% kể từ khi có tin về vụ bắt bà Meng.
Có vẻ như cơ quan chức năng Trung Quốc đã có những động thái kiềm chế cơn giận của dư luận - theo China Digital Times, một trang đặt ở Mỹ chuyên theo dõi việc Trung Quốc kiểm duyệt các nội dung trên Internet.
Trang này nói rằng truyền thông Trung Quốc đã nhận được một thông báo của Chính phủ yêu cầu chỉ đưa thông tin chính thức về vụ bắt CFO Huawei và "kiểm soát chặt chẽ các bình luận".
Cùng với đó, an ninh bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cũng được thắt chặt.