Nhận xét gây sốc
Mô tả Nhà Trắng là “vụng về và bất tài”, Kim Darroch, người nhậm chức Đại sứ tại Mỹ vào tháng 1/2016 - khoảng một năm trước khi ông Trump nhậm chức, đã tỏ ra đầy hoài nghi về chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump khi đặt câu hỏi liệu Nhà Trắng “có năng lực” hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch. |
Các điện tín, có từ năm 2017, cho biết tin đồn về “đấu đá và hỗn loạn” trong Nhà Trắng hầu hết là sự thật và chính sách về các vấn đề nhạy cảm như Iran là “không mạch lạc, hỗn loạn”. Duy nhất có một câu, dù ông Trump chẳng ưa gì nhưng còn tạm đọc được, là Đại sứ Darroch cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ không nên bị cách chức.
Ngay hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ đáp trả rằng “chúng tôi không ưa gì ông ta và ông ấy đã không phục vụ tốt cho Vương quốc Anh”. Bồi thêm một tweet nữa theo cách ưa thích, ông Trump tuyên bố “sẽ không giải quyết công việc với ông ta”. Một ngày sau, cảm thấy chưa ăn thua lắm, ông Trump tung một loạt tweet chỉ trích nữ Thủ tướng Anh Theresa May và cách xử lý vụ Brexit của bà. “Mớ hỗn độn”, ông Trump nhận xét. Đây rõ ràng là một phản ứng mạnh và bà Thủ tướng đã bị vạ lây.
Nhưng London không dao động. Văn phòng Thủ tướng Anh gọi vụ rò rỉ điện tín là “không may” và cho biết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vẫn chia sẻ mối quan hệ “đặc biệt và lâu dài”. Phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh còn khẳng định, bà May vẫn ủng hộ hoàn toàn Đại sứ Darroch.
Tin cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã âm thầm hủy lời mời Đại sứ Darroch tới tham dự một bữa ăn tối được tổ chức tại Nhà Trắng vào tối thứ Hai. Nhưng một cuộc họp cùng Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox và con gái Tổng thống Trump, cô Ivanka Trump, vẫn được ông Darroch dự kiến xúc tiến theo kế hoạch vào thứ Ba theo giờ Mỹ, trừ khi nó lại bị hủy một lần nữa.
Tổn hại
Cảnh sát đã nhận được yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự liên quan đến việc rò rỉ điện tín ngoại giao, bên cạnh việc thẩm tra nội bộ của Chính phủ Anh. Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Hạ viện Anh, ông Tom Tugendhat đã có thư gửi Cảnh sát Hoàng gia, nhưng cơ quan này còn đang chờ văn bản chính thức từ Chính phủ.
Phản hồi của Văn phòng Thủ tướng Anh được đánh giá là một công thức ngoại giao kinh điển, ve vuốt nhưng không xin lỗi, kiểu “có cảm ơn nhưng không thực sự là lời cảm ơn”. Biên tập viên mảng chính trị Laura Kuenssberg của BBC gọi đó là “sự phớt lờ bướng bỉnh”.
Với việc bà May chẳng còn bao lâu nữa sẽ ra đi, kéo theo đó là một nội các mới và rất có thể là một đội ngũ đại diện ngoại giao mới, trong đó có vị trí của Đại sứ Kim Darroch. Bởi vậy, những đấu khẩu ngoại giao Mỹ - Anh được cho sẽ chẳng đi đến đâu và Anh sẽ sớm thoát khỏi những chỉ trích đến từ bên này Đại Tây dương.