Ngày 19/3, sau gần 2 tuần xét xử, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong đại án Vạn Thịnh Phát.
Trong 84 bị cáo còn lại, có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. 5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.
Các bị cáo bị truy tố các khung hình phạt: 7 năm tù, 20 năm tù, chung thân và cao nhất là tử hình. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản, với khung hình phạt cao nhất.
Bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính
Theo luận tội của VKS, trong gần 2 tuần xét hỏi các bị cáo, đã chứng minh được Trương Mỹ Lan lợi dụng việc tái cơ cấu ngân hàng, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng từng bước nắm giữ cổ phần của SCB đến hơn 91%.
Đồng thời, bị cáo Lan đã sử dụng SCB như công cụ tài chính, rút tiền SCB; bố trí những người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; chỉ đạo thành lập các công ty “ma”; thông đồng với các công ty thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; chỉ đạo tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống tại SCB; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước để che giấu sai phạm tại SCB.
Thiệt hại của vụ án, VKS cũng xác định khoảng 498.000 tỷ đồng, trong đó Trương Mỹ Lan và đồng phạm vi phạm quy định cho vay, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng; tham ô tài sản, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng tiền gốc, hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh. “Thiệt hại trên đã tính theo nguyên tắc có lợi cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm”, kiểm sát viên nêu.
Từ phân tích trên, VKS khẳng định Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu; việc nâng khống tài sản, rồi đưa tài sản vào SCB là phương thức, thủ đoạn phạm tội với mục đích rút tiền của SCB.
Bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng, được nhiều cơ quan chức năng khác tặng bằng khen, giấy khen. Trong vụ án này, bị cáo tự nguyện dùng tài sản nhằm khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi, trong khi các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thì bị cáo Lan phủ nhận cáo buộc, không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng không thao túng SCB, không chỉ đạo thành lập các công ty “ma”; không nâng khống giá trị tài sản để lấy tiền SCB, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.
Theo VKS, bị cáo cố ý phạm tội trong thời gian dài, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức từ 2 lần trở lên, đây là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. “Quá trình xét hỏi công khai tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan quanh co, chối tội, không ăn năn hối cải; đổ lỗi cho các thuộc cấp...”, đại diện VKS nhận định và đánh giá hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi. Vì vậy, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, cần loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
SCB yêu cầu bị cáo Lan khắc phục hơn 760.000 tỷ đồng
Trước đó, trong phiên tòa ngày 14/3, đại diện Ngân hàng SCB yêu cầu bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm khắc phục số tiền thiệt hại tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 760.000 tỷ đồng chứ không phải hơn 498.000 tỷ đồng như cáo trạng.
Trong vụ án này, SCB được tòa triệu tập với tư cách là người bị hại và người liên quan trong vụ án. Ông Hà Thế Định, Phó tổng giám đốc, người đại diện theo ủy quyền của SCB. Tại tòa, ông Định không đồng ý việc các cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền thiệt hại mà bà Lan và đồng phạm gây ra cho SCB là 498.000 tỷ đồng.
Ông Định đề nghị HĐXX xác định bà Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3, ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm là hơn 760.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng tiền lãi và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.
Đối với 1.166 mã tài sản đảm bảo cho gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Lan và các công ty thuộc Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, SCB đề nghị được toàn quyền khai thác, sử dụng quản lý mà không phụ thuộc vào việc có hay không đầy đủ pháp lý.
Với tài sản là vật chứng bị kê biên trong vụ án, có nguồn gốc từ việc các bị cáo phạm tội, rút từ SCB mà có, SCB cũng đề nghị tòa tuyên cho ngân hàng toàn quyền quản lý.
Theo đại diện SCB, quá trình thế chấp tài sản vay tiền, bà Lan và các bị cáo đã có hành vi hoán đổi 240 tài sản thế chấp, trong đó có 67 tài sản đã xuất ra khỏi ngân hàng. Nay, SCB yêu cầu các cơ quan tố tụng tiếp tục kê biên phong tỏa các tài sản này để đảm bảo cho việc khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, còn nhiều tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có, SCB đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm tài sản của bà Lan và Vạn Thịnh Phát chưa kê biên để xử lý nợ. Quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra phát hiện các tài sản có nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có thì đề nghị giao cho SCB quản lý.
Đại diện ngân hàng này cũng cho rằng, các công ty thẩm định giá có người tham gia vào việc nâng khống tài sản thế chấp, gây thiệt hại cho ngân hàng, phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.
Cuối cùng, SCB đề nghị được quyền quản lý sử dụng các tài sản là vật chứng trong vụ án để đảm bảo cho việc xử lý nợ. Trong trường hợp không tự thỏa thuận được với người liên quan thì sẽ yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ.
Về phần mình, bị cáo Lan cũng không đồng ý về cách tính thiệt hại, kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và SCB. Theo bị cáo, giá trị các tài sản đảm bảo được công ty này và SCB thẩm định với giá trị quá thấp, nên xin HĐXX cho thẩm định lại.
Tại tòa, VKS cũng luận tội và đề xuất mức án với 1 số bị cáo khác:
Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bị truy nã, xét xử vắng mặt). Theo kiểm sát viên, bị cáo Thành đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan trong thời gian dài thực hiện hành vi phạm tội... Cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), VKS đánh giá quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo đã tích cực phối hợp, khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả, bị cáo phạm tội lần đầu, có nhiều thành tích trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội có tổ chức, từ 2 lần trở lên với thủ đoạn tinh vi, nên cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), theo VKS, bị cáo Văn giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo tích cực phối hợp, khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, được tặng huân chương… đây là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội 2 lần, có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi nên cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
Bị cáo Trương Huệ Vân, đại diện VKS nhận định, bị cáo này thực hiện các chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, lập 52 công ty ma, giúp bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của SCB. Theo đại diện VKS, quá trình điều tra, xét hỏi, bị cáo Vân đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực phố hợp với cơ quan tố tụng làm rõ bản chất của vụ án, đã nộp khắc phục hậu quả 1 tỷ đồng, có nhiều đóng góp trong công tác thiện nguyện… là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, bị cáo Vân phạm tội có tổ chức, dùng những thủ đoạn tinh vi, phạm tội 2 lần trở lên, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cần phải có bản án nghiêm khắc, phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo.