| Hotline: 0983.970.780

Sức mạnh đồng tiền trong vụ án Trương Mỹ Lan

Thứ Tư 13/03/2024 , 17:22 (GMT+7)

Chỉ cần các tầng giám sát làm đúng chức năng, nhiệm vụ, thì Trương Mỹ Lan không dễ thuê người đứng tên để rồi sở hữu tới 91% cổ phần nhằm thao túng SCB.

Nội dung cáo trạng cho thấy, có 3 tầng giám sát, kiểm tra khá chặt chẽ trong quy trình hoạt động ngân hàng, các thành viên trong 3 tầng này đều là những cán bộ có đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ, dễ dàng phát hiện, ngăn chặn sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và các hoạt động tín dụng tại SCB. Tuy nhiên, họ đã bị những đồng tiền làm mờ mắt, dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

3 tầng giám sát bị tiền xuyên thủng

Đầu tiên là Ban Kiểm soát nội bộ của Ngân hàng SCB. Đây là bộ phận “gác cổng” của các ngân hàng, giám sát mọi hoạt động, mọi thành viên trong ngân hàng, bao gồm cả người đứng đầu, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn rủi ro trước khi sai phạm xảy ra. Vì thế, các thành viên trong Ban Kiểm soát này phải hội đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, trong đó bao gồm cả quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: HT.

Tuy nhiên, kể từ khi hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất vào năm 2012 đến khi vụ án bị phanh phui năm 2022, tức 10 năm, Ban Kiểm soát SCB đã để bà Trương Mỹ Lan “thao túng”, tự do thành lập các công ty “ma”, thuê hoặc nhờ các cá nhân đứng tên hồ sơ vay, đứng tên cổ phần, tài sản đảm bảo, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức hóa việc rút tiền của SCB… dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là bà Lan đã rút hơn 1 triệu tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng, bao gồm chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng và lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, nguyên nhân bởi các nhân sự chủ chốt của Ban Kiểm soát SCB đã tin tưởng bà Lan và làm việc theo chỉ đạo. Trong thời gian hơn 6 năm (từ 2012 đến 2018), SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với 403 khoản vay, trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ. Tuy nhiên, Trưởng ban Kiểm soát SCB khi đó là Phạm Thu Phong đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không ngăn chặn kịp thời và có biện pháp xử lý các sai phạm của SCB, dẫn đến dư nợ các khoản vay đặc biệt lớn và không có khả năng thu hồi. Hành vi của Phạm Thu Phong đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 90.000 tỷ đồng. Khi Phạm Thu Phong xin nghỉ việc tại SCB, bà Trương Mỹ Lan còn “tặng quà” cho bị cáo này tới 20 tỷ đồng.

Sau khi Phạm Thu Phong nghỉ việc, Lưu Quốc Thắng kế nhiệm chức danh Trưởng ban Kiểm soát SCB (từ 2019 đến 2022). Giai đoạn này, SCB tiếp tục phát sinh 438 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với 652 khoản vay, trong đó các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ. Tương tự người kế nhiệm, Lưu Quốc Thắng không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 344.000 tỷ đồng.

Tầng giám sát thứ 2 bị tiền xuyên thủng là những cán bộ thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II). Cơ quan này có nhiệm vụ phát hiện sai phạm nhanh nhất để báo cáo, kiến nghị cấp trên có giải pháp phù hợp.

Theo cáo trạng, Tổ Giám sát do các đơn vị trên lập ra đã phát hiện ngay những sai phạm xảy ra SCB, đã gửi tới 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt. Nhưng tất cả không được chấp nhận và cấp thanh tra, giám sát này chỉ triển khai 2 cuộc thanh tra đột xuất năm 2020 và 2022, đồng thời phạm vi thanh tra bị thu hẹp, không đúng với đề xuất của Tổ Giám sát và ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Các bị cáo tại phiên toà ngày 13/3. Ảnh: HT.

Các bị cáo tại phiên toà ngày 13/3. Ảnh: HT.

Khi đó, nhóm cán bộ thuộc cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh TP.HCM (Cục II), từ Cục trưởng là bị cáo Nguyễn Văn Dũng đến Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Phi Loan, hay Võ Văn Thuần, Nguyễn Tín, Nguyễn Văn Du, đã nhận tiền của bà Lan để “làm ngơ” cho những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại SCB bằng cách báo cáo không trung thực về hiện trạng tài chính và tình hình hoạt động của SCB. Thậm chí, bị cáo Phan Tấn Trung, cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và nhiều cán bộ liên quan còn chỉnh sửa báo cáo giám sát theo hướng có lợi cho SCB.

Cụ thể, Nguyễn Văn Dũng nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD, Võ Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu đồng, Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng. Từ đó, dẫn đến việc nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Tính đến thời điểm vụ án bị khởi tố (17/10/2022), SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng.

Tại tòa, các bị cáo đều mong muốn được khắc phục hậu quả. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xử lí số cổ phần của mình ở SCB và đưa 13 tài sản khác ngoài danh mục tài sản đã kê biên, phong tỏa để khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo Lan cũng có nguyện vọng chuyển 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho mình (số tiền được xác định do bị cáo Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt của bị cáo Lan) để đưa vào Ngân hàng SCB nhằm khắc phục thiệt hại.

5,2 triệu USD khiến bà Trưởng đoàn Thanh tra không thể cầm lòng

Trong “đại án” Vạn Thịnh Phát, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Trưởng đoàn Thanh tra SCB là lớp giám sát cuối cùng, quan trọng nhất để ngăn chặn những sai phạm nghiêm trọng. Nhưng, những thùng xốp đựng đầy đô la Mỹ đã làm bà Nhàn mờ mắt, lý trí “mềm nhũn”.

Bị cáo Nhàn tỏ vẻ ăn năn, thường cúi mặt trong phiên tòa. Ảnh: HT.

Bị cáo Nhàn tỏ vẻ ăn năn, thường cúi mặt trong phiên tòa. Ảnh: HT.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn là Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước thành lập, đây là tầng giám sát cao nhất, có đủ quyền hành để quyết định số phận SCB.

Theo cáo trạng, sau 2 đợt thanh tra, đoàn Thanh tra do bà Nhàn làm Trưởng đoàn đều phát hiện sai phạm nghiêm trọng của SCB. Bị cáo Nhàn đã tìm gặp Trương Mỹ Lan, nói thẳng những sai phạm, thậm chí cũng vài lần từ chối nhận quà “cảm ơn” từ phía bà Lan. Nhưng, khi chuẩn bị có dự thảo Kết luận thanh tra, bà Lan đã cho tài xế nhiều lần chở những thùng xốp chứa đầy đô la Mỹ đến tận nhà riêng biếu, thì bà Nhàn đã không kìm lòng.

Cụ thể, ở đợt thanh tra lần 1, bị cáo Nhàn đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn và Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh trong Tổ tổng hợp, bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro gần 19.000 tỷ đồng và thoái dự thu hơn 3.000 tỷ đồng đối với 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden) tại Chi nhánh SCB Cống Quỳnh; thoái lãi dự thu khỏi thu nhập hơn 3.135 tỷ đồng các khoản bán repo cổ phiếu trả chậm, làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB (nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số an toàn...) theo hướng có lợi cho ngân hàng này để hợp thức, đưa vào Báo cáo Đoàn Thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra và các Báo cáo Chính phủ. Đồng thời, Đỗ Thị Nhàn còn chỉ đạo cấp dưới xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong 3 cuộc họp năm 2018, với nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của SCB và kiến nghị cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN. Ảnh: HT.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN. Ảnh: HT.

Trong đợt thanh tra thứ 2, Đỗ Thị Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn) thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra để không thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến ngày 31/3/2018, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30/6/2017. Từ đó, không chuyển cơ quan chức năng xử lý, ưu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế để Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo cấp dưới tại Vạn Thịnh Phát và SCB thực hiện việc cho vay mới, với mục đích tất toán các khoản vay phát sinh trước 30/6/2017 đối với nhóm 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, tổng cộng 88.150 tỷ đồng.

Từ những việc làm “đồng lõa” trên, bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng đã được bà Lan “cảm ơn” 390.000 USD.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới mang 5,2 triệu USD hối lộ Đoàn tThanh tra, nhưng bị cáo Nhàn đã thừa nhận hành vi phạm tội và đã nộp lại 4,8 triệu USD cùng 10 sổ tiết kiệm ngân hàng với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Bị cáo Nhàn cũng tỏ ra ăn năn, hối cải. Trong các ngày phiên tòa diễn ra, bị cáo Nhàn luôn đeo khẩu trang, cúi gằm mặt và né tránh ống kính máy ảnh.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.