| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi len lỏi vào thôn bản vùng cao

Thứ Tư 09/08/2023 , 07:49 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại một số thôn, bản vùng cao thuộc hai huyện Pác Nặm và Na Rì, dấy lên nguy cơ dịch có thể lan rộng, khó kiểm soát.

Lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngày 7/8, UBND huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) công bố dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn. Theo đó, vùng dịch là xã Công Bằng, các xã bị uy hiếp là Cổ Linh, Giáo Hiệu, hai xã có nguy cơ lây lan cao gồm Cao Tân và Bộc Bố.

Theo ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng, từ đầu tháng 6, 2 hộ tại thôn Nặm Cáp (xã Công Bằng) mua lợn con từ tỉnh Thái Nguyên về nuôi, sau đó lợn có biểu hiện ốm, bệnh rồi chết. Sau đó dịch lây lan sang một hộ bên cạnh. Tổng số lợn bị chết của 3 hộ này là 7 con. Sau khi lợn chết rải rác, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đã khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả lợn chết dương tính với DTLCP.

Đáng chú ý, khu vực xuất hiện dịch là thôn vùng cao, xa khu vực chợ, chủ yếu người dân chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. DTLCP xuất hiện ở những thôn, bản vùng cao cho thấy mức độ lây lan khó kiểm soát.

Ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng cho biết, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đang khẩn trương triển khai các giải pháp khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy toàn bộ lợn bị bệnh, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch như phun hóa chất tiêu độc, rắc vôi bột khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn xã.

Tại tỉnh Bắc Kạn, sau gần một năm không có dịch, hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã tái bùng phát tại hai huyện Pác Nặm và Na Rì. Riêng tại huyện Na Rì, hiện tượng lợn chết xuất hiện từ đầu tháng 7 tại thôn Nà Coóc (xã Trần Phú) khiến 100 con lợn bị chết, tuy nhiên, người dân chậm báo cáo chính quyền địa phương.

Đến cuối tháng 7, dịch đã lây lan tại các thôn Nà Coóc, Khuổi Mý, Phiêng Pụt, Nà Đấu và Khuổi Khiếu (xã Trần Phú), tiếp tục có thêm 25 con lợn bị chết. Ngày 31/7, huyện Na Rì đã công bố bệnh DTLCP trên địa bàn xã Trần Phú.

Đặc điểm chung của những ổ dịch xuất hiện tại tỉnh Bắc Kạn gần đây là đều bùng phát ở nhưng thôn, bản vùng cao, dân cư thưa thớt. Ban đầu khi lợn bị bệnh người dân chủ quan, không báo cáo kịp thời cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương. Đây có thể cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan.

Ông Hoàng Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú (huyện Na Rì) cho biết, do đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên rất khó khăn trong kiểm soát dịch. Mỗi hộ chỉ nuôi 5 đến 10 con, nên kiểm soát việc vận chuyển, nguồn gốc con giống khó thực hiện. Ngoài ra, do dân cư thưa thớt, chăn nuôi nhỏ lẻ khiến cho việc tuyên truyền, thăm nắm tình hình đàn vật nuôi cũng hạn chế.

Người dân phun khử khuẩn phòng dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Người dân phun khử khuẩn phòng dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2019, DTLCP bùng phát trên diện rộng nên mầm bệnh có thể vẫn còn. Do đó, nếu các hộ chăn nuôi không khử khuẩn chuồng trại theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì dịch bệnh có thể tái bùng phát. Ngoài ra, việc sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng rất dễ mang theo mầm bệnh.

“Để nhanh chóng khống chế, dập dịch, ngăn chặn dịch bùng phát diện rộng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch đến tất cả các thôn, bản, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Người chăn nuôi cũng cần chủ động thực hiện khuyến cáo của ngành chuyên môn. Hiện nay, một số tỉnh giáp ranh với Bắc Kạn cũng đang có dịch nên người dân cần lưu ý khi mua con giống ngoài địa bàn”, ông Việt khuyến cáo.

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Kạn khoảng 165.000 con, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 trang trại nuôi lợn quy mô lớn. Ngoài ra, chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình khá phổ biến, nếu dịch tả lợn Châu Phi lan rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.