| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn có 29 xã hết dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 22/08/2024 , 08:59 (GMT+7)

Sau một thời gian bùng phát dữ dội tại tất cả 8 huyện, thành phố, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 29 xã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lownsj cho chăn nuôi tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lownsj cho chăn nuôi tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Từ đầu năm đến ngày 20/8/2024, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 3.642 hộ, thuộc 670 thôn, 100 xã ở tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn, làm 18.297 con lợn chết, tiêu hủy hơn 692 tấn.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 29 xã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, trong đó TP Bắc Kạn có 7 xã, phường đã công bố hết dịch, huyện Chợ Đồn có 13 xã hết dịch, Ngân Sơn 1 xã, Ba Bể 1 xã, Chợ Mới có 4 xã, Pác Nặm có 2 xã, Na Rì công bố hết dịch ở thị trấn Yến Lạc.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng có 23 xã đã qua 21 ngày không xuất hiện ca mắc dịch tả lợn Châu Phi mới, nếu phòng dịch tốt, những xã này cũng sắp công bố hết dịch. Như vậy, trong số 100 xã có dịch từ đầu năm 2024 đến nay, đã có một nửa số xã công bố hết dịch hoặc qua 21 ngày không phát sinh thêm ca mắc mới.

Xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) là một trong những xã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi từ tháng 4, sau đó dịch lây lan ra 27 hộ thuộc 7 thôn. Thời điểm đó, dịch càn quét khiến cho nhiều nông hộ gặp khó khăn. Đến nay, xã Phương Viên đã được công bố hết dịch, bà con đang chuẩn bị điều kiện để tái đàn.

Ông Hoàng Văn Viết, Quyền Chủ tịch UBND xã Phương Viên cho biết, xã tích cực vận động người dân áp dụng các biện pháp phòng dịch, vận động nhân dân tiêm vacxin. Việc được công bố hết dịch sẽ giúp người chăn nuôi tái đàn, ngoài ra xã cũng có thể triển khai một số dự án hỗ trợ chăn nuôi.

Sau khi dịch bùng phát vào tháng 5 và tháng 6, đến đầu tháng 7/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 467/KH-UBND triển khai đồng loạt tiêm vacxin phòng, chống bệnh tả lợn Châu Phi.

Thời gian tiêm phòng từ ngày 12/7/2024 đến hết ngày 30/8/2024. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi được gần 10.000 con lợn.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn khuyến cáo, tuy dịch đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng người dân vẫn không thể lơ là, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung xử lý ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tỉnh Bắc Kạn đang vận động người chăn nuôi tiêm phòng vacxin diện rộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tỉnh Bắc Kạn đang vận động người chăn nuôi tiêm phòng vacxin diện rộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, đôn đốc các hộ chăn nuôi tiêm vacxin phòng bệnh tả lợn Châu Phi, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tăng cường dọn vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại để chuẩn bị tái đàn lợn, khôi phục sản xuất.

“Thực tiễn cho thấy, trong ngày 20/8, toàn tỉnh vẫn còn 25 con lợn mắc bệnh chết phải tiêu huỷ, có 8 xã đã mắc lại lần 2, hiện nguồn lây trong tự nhiên còn nhiều nên người chăn nuôi phải làm tốt việc phun khử trùng.

Với những xã đã công bố hết dịch nếu người dân tái đàn cần xử lý chuồng trại đảm bảo sạch mầm bệnh, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng”, ông Huy cho biết thêm.

Tại Bắc Kạn, dịch chủ yếu bùng phát ở các hộ chăn nuôi, gia trại nhỏ, các trang trại được đầu tư bài bản chưa xuất hiện dịch.

Hiện nay, việc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi tại Bắc Kạn gặp khó khăn do có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, tuy nhiên các trạm liên ngành kiểm soát động vật đã dừng hoạt động nhiều năm nay.

Hiện, trên tuyến Quốc lộ 3 từ Hà Nội qua Thái Nguyên đến Bắc Kạn, Cao Bằng (đoạn qua địa phận Bắc Kạn) chỉ còn 2 chốt kiểm dịch thuộc Trạm kiểm dịch động vật Chợ Mới, nhưng 2 chốt này không có chức năng dừng phương tiện.

Do đó, thời gian qua, tình trạng buôn bán lợn ốm, lợn từ vùng dịch đi nơi khác tiêu thụ vẫn diễn ra, đây là lỗ hổng đã được chỉ ra trong thực tiễn cần được xem xét, khắc phục kịp thời.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.