| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi quét tan hoang Bắc Kạn: [Bài 3] Phòng, chống chưa hiệu quả

Thứ Tư 10/07/2024 , 09:09 (GMT+7)

Dịch lan rộng, tuy nhiên tỉnh Bắc Kạn chưa có giải pháp hữu hiệu khống chế, dập dịch, người dân, ngành chuyên môn và chính quyền đối diện muôn vàn khó khăn.

Cách chống dịch khác xa ngày đầu

Tại Bắc Kạn, tính đến ngày 3/7, toàn tỉnh có 97/108 xã bị dịch tả lợn Châu Phi, 14.230 con lợn chết, tổng lợn chết bị tiêu hủy gần 554 tấn. Thời gian tới có thể rất nhiều xã không còn con lợn nào.

Có mặt ở một số xã đang có dịch, không có cảnh ngăn sông, cấm chợ cũng không có chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn. Còn nhớ, đợt dịch tả lợn Châu Phi cách đây 4 năm, khắp mọi ngõ ngách là các chốt kiểm dịch, không khí chống dịch hừng hực với sự vào cuộc của nhiều lực lượng.

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Đinh Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mục (huyện Chợ Mới) thừa nhận, cách phòng dịch năm nay không như những đợt trước. Xã chủ yếu tuyên truyền người dân không bán lợn bệnh, hướng dẫn người dân phun khử khuẩn, tiêu hủy lợn chết.

“Cách phòng dịch năm nay không quyết liệt bằng những năm 2019, 2020, phải nói thật sự là không bằng. Trước đây, trên các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh có quyết định thành lập từng chốt kiểm soát, nay không có nên có khó khăn hơn”, ông Huấn nhận định.

Chính vì không có các chốt kiểm soát, tình trạng bán tháo lợn bệnh, lợn ốm vẫn diễn ra. Trên một số trang mạng xã hội, tư thương công khai thông tin mua lợn bệnh, lợn ốm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thương lái cũng lén lút phát tờ rơi mua lợn ốm của người dân ở vùng dịch.

Hầu hết việc mua bán lợn ốm diễn ra vào thời điểm dịch mới bùng phát, việc mua lợn ốm trong đêm khiến cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Không ít hộ chăn nuôi có lợn ốm hoặc nghi ốm đã tranh thủ bán tống, bán tháo với giá rẻ để thu hồi vốn.

Không có các trạm chốt ở cửa ngõ giao thông, việc kiểm soát vận chuyển lợn phụ thuộc hết vào 2 chốt thuộc Trạm kiểm dịch động vật huyện Chợ Mới đặt trên Quốc lộ 3 (tuyến BOT Chợ Mới - Thái Nguyên và Quốc lộ 3 cũ). Hai chốt này có chức năng kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Chợ Mới cho biết, trạm có 5 cán bộ, anh em thay nhau trực 24/24 tại 2 chốt. Tuy nhiên việc kiểm soát rất khó khăn do trạm không có chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, chỉ những xe họ tự giác vào khai báo mình mới kiểm tra sau đó phun khử khuẩn.

Còn những xe họ cố tình vượt trạm mình báo sang lực lượng Cảnh sát giao thông đề nghị hỗ trợ. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể phối hợp được vì chỉ cần họ chạy sang đến địa phận Thái Nguyên thì cũng bất lực.

“Trước đây có lực lượng liên ngành trực ở chốt, tuy nhiên nhiều năm nay các lực lượng khác đã rút hết chỉ còn cán bộ thú y nên việc kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn, nhiều lúc biết là xe chở động vật, chở lợn nhưng họ cố tình vượt trạm mình cũng không làm gì được”, ông Tâm chia sẻ.

Trạm kiểm dịch động vật Chợ Mới lực lượng mỏng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển lợn mùa dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trạm kiểm dịch động vật Chợ Mới lực lượng mỏng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển lợn mùa dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Vì sao Bắc Kạn chưa công bố dịch cấp tỉnh?

Trước thực trạng dịch tả lợn Châu Phi tàn phá ngành chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn, Bộ NN-PTNT nhận định địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng.

Ngoài ra, hầu hết người chăn nuôi ở Bắc Kạn chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương xung quanh, cũng như một số hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng trên 99% đàn lợn thịt không được tiêm phòng.

Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Bắc Kạn công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh để nâng mức phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Kạn mới chỉ công bố dịch theo từng xã, chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh.

Lý giải tại sao chưa công bố dịch cấp tỉnh, ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc thành lập các chốt, ngăn sông cấm chợ là giải pháp không bao giờ xử lý dịch triệt để.

Hiện nay, bài toán kinh tế đặt ra là với hơn 500 tấn lợn bị bệnh phải tiêu hủy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng đàn, nếu như công bố dịch cấp tỉnh, lập các chốt như những đợt dịch trước đây là chưa phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn sẽ tồn tại nhiều năm tới tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn sẽ tồn tại nhiều năm tới tại Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Huân khẳng định, việc lập chốt để kiểm soát thực chất chỉ là hình thức, bời vì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, nhiều ngõ ngách. Khi các hộ cố tình bán lợn bệnh, trốn tránh lực lượng chức năng họ sẽ không bao giờ đi đường quốc lộ, tỉnh lộ mà đi đường tiểu ngạch. Không thể có đủ lực lượng chức năng nào căng mình ra để đi kiểm soát tất cả mọi ngả đường.

Bài toán kinh tế ở đây là khi công bố dich cấp tỉnh, toàn bộ lợn ỏ Bắc Kạn sẽ không thể bán được. Khi đó tất cả các trang trại, gia trại, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư nuôi lợn, họ nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch hiệu quả, tiêm phòng đầy đủ, đàn lợn không bị bệnh sẽ không thể xuất bán, thiệt hại về kinh tế sẽ rất lớn. Ngành chuyên môn đang nghiên cữu kỹ lưỡng để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, hiện lực lượng cán bộ thú y trên địa bàn tỉnh rất mỏng chỉ hơn 12 biên chế, riêng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới chỉ có 1 cán bộ thú ý trình độ trung cấp.

Do đó, riêng ngành nông nghiệp không thể chống được dịch, cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Ông Huân cũng cho rằng, thời gian qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cũng nhận định, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn và còn tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới. Muốn phòng, chống dịch hiệu quả phải thực hiện các giải pháp căn cơ.

Các hộ chăn nuôi phải thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học. Nói là an toàn sinh học nghe trừu tượng nhưng thực chất là việc xây chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh, tiểu độc khử trùng thường xuyên.

Ngoài ra, việc tiêm phòng đầy đủ trên diện rộng sẽ là giải pháp lâu dài, thực tế cho thấy, mặc dù dịch lan rộng nhưng tại Bắc Kạn, một số nông hộ, hợp tác xã, trang trại họ tiêm phòng đầy đủ thì đàn lợn vẫn không bị bệnh, phát triển tốt.

Ông Hà Hỹ Huân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn thông tin, địa phương và ngành chuyên môn sẽ họp trực tuyến với tất cả các xã để đánh giá công tác phòng, chống dịch thời gian qua, nhận định những hạn chế để khắc phục, phấn đấu khống chế, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Xem thêm
Gà đồi Yên Thế bay xa bằng chế biến sâu

BẮC GIANG Không cam chịu cảnh thương hiệu của quê hương rơi vào lãng quên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế quyết đưa thương hiệu 'Gà đồi Yên Thế' bay xa bằng chế biến sâu.

Hiện thực hóa tầm nhìn lúa gạo phát thải thấp trên quy mô cảnh quan

Sáng 9/9, Diễn đàn khu vực về ‘Canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan’ khai mạc tại Hà Nội.

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.