Dịch bệnh bủa vây
Theo thống kê, tại tỉnh Bắc Kạn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở trên 90% địa phương cấp xã tại 100% địa bàn cấp huyện, buộc tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi của cả nước.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, gần 50% địa phương cấp xã của 10/11 địa bàn cấp huyện có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, chiếm gần 17% số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi của cả nước.
Trước bối cảnh đó, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách cấp huyện kiểm tra, đôn đốc lực lượng thú y cơ sở tăng cường giám sát, theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh giáp ranh, để nắm bắt thông tin kịp thời về nguy cơ lây lan, tác hại của bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị, cơ quan, địa phương ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp đến các hộ chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và biện pháp phòng, chống. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch, khai báo, kê khai chăn nuôi theo đúng quy định.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch mới xuất hiện, không để phát sinh ổ dịch mới, đặc biệt là ở những địa phương giáp ranh với các tỉnh đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi.
Kịp thời tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý những trường hợp vứt xác lợn làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
“Để kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngành chức năng đã và đang tăng cường hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy trình về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra việc giết mổ cũng như kiên quyết xử lý nghiêm việc vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc”, ông Đỗ Đình Trung chia sẻ.
Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 600.000 con. Đầu tháng 6 vừa qua đã phát sinh 1 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các xã Tràng Xá và Dân Tiến, huyện Võ Nhai với hơn 130 con lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh, tổng khối lượng tiêu hủy là hơn 3.200kg.
Ngay sau khi phát hiện ổ bệnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Nguy cơ tái phát và lây lan rất cao
Theo thống kê của Cục Thú y, tính đến đầu tháng 8/2024, cả nước có hơn 300 ổ dịch tả lợn châu Phi thuộc 99 huyện của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là hơn 32.200 con, số lợn chết và tiêu hủy là hơn 32.300 con. Địa phương có số lợn bị chết, tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi lớn như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…
Hiện nay, mặc dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi phòng bệnh cho lợn thịt nhưng việc quan tâm, sử dụng vacxin còn hạn chế. Một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Từ đó, việc tổ chức chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT còn chưa đồng bộ, chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, người chăn nuôi cũng chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định. Việc tổ chức chống dịch, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí cho người tham gia xử lý lợn bệnh…
Công tác xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trong vùng dịch chưa thực hiện đúng theo quy định. Báo cáo, thống kê đàn lợn, tình hình dịch bệnh trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.
Hệ thống thú y cơ sở, cấp huyện ở một số địa phương hoạt động còn hạn chế, không được tổ chức theo đúng quy định của Luật Thú y dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở các địa phương còn chưa được chặt chẽ.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ NN-PTNT đã thường xuyên, liên tục có cảnh báo, chỉ đạo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Thành lập gần 40 đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế, chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp và yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT.
Theo Cục Thú y, qua kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh tại địa phương cho thấy có trách nhiệm rất lớn của chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là, nhất là người đứng đầu chính quyền khi không kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nhiều địa phương còn tình trạng không hoặc chậm bố trí kinh phí triển khai phòng chống dịch bệnh, đùn đẩy giữa các cấp. Tình trạng không hoặc chậm công bố dịch bệnh, không tổ chức kiểm soát vận chuyện lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch đã dẫn đến tình trạng bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh làm dịch bệnh lây lanh nhanh, ở phạm vi rộng.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, đến nay, đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.