UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Kế hoạch số 467/KH-UBND về việc triển khai đồng loạt tiêm vaccine phòng chống dịch tả lợn Châu Phi năm 2024 từ ngày 12/7 đến ngày 30/8.
Theo Kế hoạch, sẽ tập trung và ưu tiên tiêm phòng theo thứ tự từ địa bàn các thôn, xã chưa có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đến các xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và địa bàn các thôn chưa có dịch thuộc các xã đã công bố dịch.
Hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lựa chọn, sử dụng một trong hai loại vacxin đã được cấp phép lưu hành gồm: vacxin NAVET- ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và vacxin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ xử lý sự cố trong quá trình tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại cơ sở.
Tính đến ngày 10/7, bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Bắc Kạn đã xảy ra tại 3.188 hộ dân thuộc 624 thôn của 98/108 xã, thuộc tám huyện, thành phố. Dịch bệnh đã làm 15.629 con lợn chết, phải tiêu hủy với khối lượng 591.690 kg, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi của cả nước.
Trên cả nước, đã xuất hiện trên 700 ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy trên 35.000 con lợn tại 47 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn.
Báo Nông nghiệp Việt Nam trước đó đã có loạt bài phản ánh về thực trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi quét tan hoang Bắc Kạn, nhiều thôn, xã trắng không còn lợn nuôi do lợn bị dịch, chết và tiêu hủy hết. Nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ không chuồng trại, chờ dịch chấm dứt mới tái nuôi trở lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh đề nghị tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi hằng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh, thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.
Từ ngày 8 đến ngày 15/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản huyện Bạch Thông đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nội dung kiểm tra gồm: Công tác lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công các thành viên phụ trách các thôn, bản, tổ phố.
Việc tổ chức triển khai công tác tiêu hủy lợn chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn hiện có, công tác chỉ đạo việc tái đàn lợn sau khi công bố hết dịch.
Công tác triển khai phun khử trùng tiêu độc theo kế hoạch số 199 của UBND huyện, công tác tổ chức, chỉ đạo đến triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tổng hợp những khó khăn vướng mắc, những vấn đề còn tồn tại báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét
Tính đến ngày 08/7/2024, trên địa bàn huyện Bạch Thông, dịch tả lợn Châu phi đã bùng phát tại 14/14 xã, thị trấn, tổng số lợn đã tiêu hủy 1.512 con của 404 hộ với tổng trọng lượng hơn 59 tấn.
Hiện, các xã đang thực hiện phun tiêu độc, khử trùng đợt II/2024.