| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu mở rộng diện tích nuôi Artemia lên 500 ha

Thứ Năm 05/05/2016 , 06:14 (GMT+7)

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi Artemia (hay còn gọi là tôm đồng muối) từ gần 200ha lên 500ha, tập trung ở các địa phương ven biển như thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải…

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo kế hoạch, tỉnh đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho dự án, tập trung vào các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống, hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Trước mắt, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tổ chức kế hoạch sản xuất, vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kết hợp tham gia các tổ hợp tác, thành lập các hợp tác xã nuôi Artemia, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu.

Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 140 hộ nuôi Artemia, với diện tích gần 200ha, tăng gần 50ha so với năm trước. Hầu hết diện tích nuôi của người dân được HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu được đầu tư kỹ thuật và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Năm nay, bà con sản xuất Artemia đạt năng suất bình quân từ 100 - 150kg trứng/ha. So với sản xuất các loại thủy sản khác, Artemia cho giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, chỉ 3 tháng/vụ.

"Hiện trứng Artemia được giá bán trên thị trường, trung bình khoảng hơn 1 triệu đồng/kg (trứng tươi) và 5,5 triệu đồng/kg (trứng khô). Với mức giá này, người nuôi Artemia thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, thị trường Artemia tiêu thụ mạnh, ổn định và xuất khẩu ra nước ngoài, tập trung ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... Nhiều năm qua, sản lượng trứng Artemia ở tỉnh không đủ cung cấp cho thị trường và thường xuyên hút hàng", ông Văn chia sẻ.

11-40-42_2
Mô hình nuôi Artemia ở thành phố Bạc Liêu

Các chuyên gia thủy sản cho biết, Artemia là loài giáp xác sống trong điều kiện nước có độ mặn cao. Đây là con nuôi rất phù hợp với vùng đất ven biển Bạc Liêu, nhất là hộ nghèo. Dù diện tích đất nhỏ, nhưng vẫn có thể áp dụng nuôi Artemia hiệu quả. Artemia là loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho các loài thủy sản. Tuy nhiên, do giá khá cao nên thường được dùng làm thức ăn cho tôm sú giống.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, những năm qua mô hình nuôi Artemia đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ dân ở tỉnh này, nhất là trước dịch bệnh tôm chết trên diện rộng. Gần đây, ngoài mô hình nuôi chuyên canh, tại vùng ven biển ở thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình, nhiều hộ diêm dân đã áp dụng nuôi Artemia xen canh sản xuất muối cho thu lãi khá. Đây là mô hình được đánh giá khá hiệu quả, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng bỏ đất trống vì thiệt hại do nuôi tôm công nghiệp.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.