Sau khi thử nghiệm thành công mô hình “Ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa” ở vụ lúa hè thu 2020, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Bạc Liêu đã khuyến cáo nhân rộng mô hình “Ứng dụng máy sạ theo khóm” trong sản xuất ở vùng Bắc Quốc lộ 1A.
Được sự hỗ trợ của TTKN Quốc gia, trong vụ hè thu năm 2020 vừa qua TTKN tỉnh Bạc Liêu đã triển khai Dự án “Ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa ở tỉnh Bạc Liêu”. Kết quả, đã thử nghiệm thành công trên đồng ruộng của 50 hộ dân/50 ha đất sản xuất lúa tại Hợp tác xã Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình.
Ông Huỳnh Quốc khởi, Giám đốc TTKN tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thông qua việc ứng dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng” và “1 phải - 5 giảm” vào sản xuất cùng với áp dụng phương pháp sạ khóm, thì hiệu quả kinh tế cho lợi nhuận tăng cao hơn 25%/ha so với ruộng ngoài mô hình. Rút kinh nghiệm từ vụ hè thu, đến vụ lúa mùa năm 2020 - 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đưa máy sạ theo cụm P60 vào ứng dụng ở vùng chuyển đổi của các địa phương trong tỉnh, tạo được sự đồng thuận của nông dân.
Qua trình diễn, cho thấy bộ đôi gồm máy đi bộ và máy ngồi, thì máy đi bộ đã có ưu điểm vượt trội hơn khi áp dụng vào sản xuất ở vùng đất lúa - tôm. Máy có xuất xứ từ Hàn Quốc và do Công ty Sài Gòn Kim Hồng là nhà phân phối độc quyền.
Bà Đào Thị Như Hè, Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho biết: Thông qua việc trình diễn các mô hình máy móc phục vụ sản xuất nông ghiệp của bà con nông dân trong tỉnh, 2 năm trở lại đây, công ty đưa vào ứng dụng thử nghiệm máy sạ theo cụm P60 tại Hợp tác xã Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi đem lại hiệu quả lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận và phấn khởi thì nông dân cũng còn e dè, vì giá thành máy và giá công sạ cũng còn khá cao. Theo đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp về vay vốn tín dụng cũng như liên kết ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Theo ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc TTKN tỉnh Bạc Liêu: Dự án “Ứng dụng máy sạ theo khóm P60 trong sản xuất lúa” đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Nếu được ứng dụng rộng rãi, sẽ góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững. Thực hiện tốt hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu trong thời gian tới.