| Hotline: 0983.970.780

Bác sĩ, sinh viên Anh, Mỹ, Đức... đến TP. HCM học y khoa

Thứ Năm 19/10/2023 , 15:51 (GMT+7)

Các học viên người nước ngoài bị thu hút do tại TP. HCM có nhiều bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với đội ngũ có năng lực, uy tín trong và ngoài nước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” do Bộ Y tế và báo Tiền Phong tổ chức sáng 19/10.

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, năm 2022, có 3 bác sĩ Indonesia tới bệnh viện học phẫu thuật cắt gan. Năm nay, có 8 bác sĩ đến từ Indonesia và Philippines tiếp tục sang học các kỹ thuật chuyên sâu về u gan, nội soi, ngoại tiêu hóa.

Ngoài ra, sinh viên từ các nước phát triển đến Bệnh viện Chợ Rẫy học tập cũng tăng nhanh qua từng năm. Năm 2022, có 70 sinh viên đến từ các nước Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Hungary, Áo, Úc đến học tập. Năm 2023, con số này tăng lên 240 sinh viên, rải đều ở hầu hết các chuyên khoa.

Đoàn sinh viên Nhật Bản sang học tập, thực hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Đoàn sinh viên Nhật Bản sang học tập, thực hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

"Các bệnh viện tại TP. HCM thu hút được học viên người nước ngoài, phát triển y tế chuyên sâu do có những bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt với các chuyên khoa sâu, đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín trong và ngoài nước. Cán bộ trẻ được đào tạo nước ngoài, mô hình viện - trường đem đến nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn trong đầu tư trang thiết bị, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ, các hội thảo chuyên ngành chưa thực sự phát huy vai trò liên kết quốc tế", PGS.TS.BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

Ngoài việc tiếp nhận học viên nước ngoài, việc điều trị cho bệnh nhân nước ngoài tại TP. HCM ghi nhận những thành tựu đáng kể. “Hợp tác quốc tế trong y tế là xu hướng tất yếu cho sự phát triển của y tế chuyên sâu. Chính vì vậy, cần thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác quốc tế để nền y tế Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”, PGS.TS.BS Lâm Việt Trung nhấn mạnh.

Sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Ảnh: BVCC.

Sinh viên thực tập tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM. Ảnh: BVCC.

Tương tự, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cũng là một trong những địa chỉ được nhiều sinh viên, y bác sĩ nước ngoài đến giao lưu, học tập. Theo PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học - Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, với mô hình làm việc “3 trong 1” là "Thầy thuốc - Thầy giáo - Nhà khoa học” trong công tác khám và điều trị, song hành cùng với công tác nghiên cứu và đào tạo, bệnh viện hướng tới trở thành bệnh viện đại học dẫn đầu Việt Nam và đạt chuẩn quốc tế.

Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, số học viên nước ngoài đến học tập và thực hành tại bệnh viện năm 2022 có 99 học viên thì đến 6 tháng đầu năm 2023 là 123 học viên. 

Đưa TP. HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên rất cao, đối mặt mô hình bệnh tật kép, lây nhiễm như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng; bệnh không lây nhiễm như ung thư, huyết áp, tim mạch, béo phì, tiểu đường, thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa… dẫn đến các bệnh viện phải căng mình ra ứng phó. Bên cạnh đó là tai nạn giao thông, già hóa dân số; an toàn vệ sinh thực phẩm; biến đổi khí hậu… cũng là một thách thức lớn đối với một thành phố lớn như TP. HCM.

Để TP. HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh và đột phá về y tế chuyên sâu, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, chuyển đổi số y tế.

“Việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là điều cần thiết và sẽ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của mọi tầng lớp kể cả tư và công, người dân không cần ra nước ngoài chữa bệnh”, ông Khuê khẳng định.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.